19/11/2016 15:03 GMT+7

Nàng voi cô đơn

LÊ KHÁNH - THÁI BÁ DŨNG
LÊ KHÁNH - THÁI BÁ DŨNG

TTO - Chúng tôi bất ngờ khi biết ở xã Chư Mố, huyện Ia Pa, Gia Lai có một người đàn ông Gia Rai còn nuôi một con voi cái - người bạn tri kỷ của đời ông.

Nàng voi Yã Tâu được ông Ksor Chăm xem như một thành viên trong gia đình - Ảnh: Lê Khánh
Nàng voi Yã Tâu được ông Ksor Chăm xem như một thành viên trong gia đình - Ảnh: Lê Khánh

“Voi là động vật rất thông minh, có thể hiểu được tất cả những gì mình nói nên làm người chủ vừa phải thân thiết, chăm sóc nó cẩn thận, vừa phải thể hiện được cái uy của mình

KSOR CHĂM

Cả vùng cao nguyên bao la chỉ còn một con voi cô đơn. Chủ của voi cũng từng là một dũng sĩ săn voi “cô đơn”.

Thương nhớ làng voi

Yã Tâu là con voi cái của gia đình ông Ksor Chăm (76 tuổi, làng Plei Pa Kdranh, xã Chư Mố). Gia đình ông Chăm luôn xem voi như một thành viên trong nhà, dù cuộc sống có thay đổi thế nào thì không thể thiếu vắng con voi được.

Theo lời ông Chăm, ở khu vực Bắc Tây nguyên (Kon Tum và Gia Lai) thì vùng đất Chư Mỗ nơi ông ở luôn được mọi người biết đến với cái tên “làng voi”.

“Nhà nào có điều kiện thì mua cho mình chú voi riêng, còn nếu không thì nhiều hộ trong gia đình góp tiền lại mua một con voi rồi cùng giữ chung. Mục đích nuôi voi của chúng tôi chủ yếu là dùng để kéo những cây gỗ lớn trên rừng về dựng nhà chứ sức con trâu, con bò thì sao có thể làm được” - ông Chăm nói.

Có thời điểm gia đình ông nuôi một lúc ba con voi. Mỗi con đều được gia đình đặt cho một cái tên riêng là Thoong Khăm, Thoong Xa và Bak Kom. Biết nhà ông có nhiều voi nên mỗi lần gia đình nào trong và ngoài làng cần lấy gỗ dựng nhà đều thuê cha ông dẫn voi đi kéo gỗ về.

Vì trước đây khu vực gần chỗ nhà ông ở còn có rất nhiều cây gỗ lớn nên mỗi ngày ba con voi nhà ông kéo được cả vài chục cây. Kinh tế gia đình cũng vì thế mà khá giả lên.

“Trong ba con voi đực mà cha tôi nuôi thì cặp ngà của Bak Kom là dài và đẹp nhất. Để lấy được cặp ngà có giá trị tuyệt đối thì khi Bak Kom chết, sau khi làm lễ cúng cho voi, chúng tôi phải ở lại trong rừng suốt ba ngày ba đêm để chờ xác voi mềm ra rồi dùng bẫy kéo để rút ngà voi ra khỏi cơ thể chúng.

Tôi cũng định để lại cặp ngà này làm kỷ niệm nhưng tất cả voi trong nhà đều chết cả, mà một ngày không được chăm sóc voi là tôi lại không chịu được. Bởi thế tôi đã quyết định bán cặp ngà này để mua một chú voi khác là Bak Xôm về nuôi”, ông Chăm nhớ lại.

Tiếc nghề voi

Số tiền ông bỏ ra mua Bak Xôm hồi đó vô cùng giá trị, tương đương với 150 con bò. Vì chú voi còn nhỏ nên cả nhà ông ai nấy đều hết mực chăm lo. Khi Bak Xôm tròn 8 tuổi, ông Chăm có suy nghĩ mua thêm một con voi cái về bầu bạn với con voi đực này để phối giống cho sinh sản.

Thế là từ đó (năm 1980) ông bắt đầu dành dụm từng đồng lương làm cán bộ (thời điểm này ông Chăm làm quản lý kinh tế của hợp tác xã), vừa đi buôn bò để kiếm thêm tiền lời với hi vọng sẽ đủ chi phí mua voi.

Tất cả người thân trong nhà đều hết mực ủng hộ. Dù nhiều lúc kinh tế khó khăn, phải ăn củ mì, cây rừng sống qua ngày nhưng không ai đụng đến số tiền dành dụm cho việc mua voi.

Sau 13 năm, đến năm 1993 ông Chăm cũng tích cóp được gần năm lượng vàng. Thấy đã đủ tiền để mua voi, ông Chăm bắt đầu lên đường sang Lạc Thiện (Đắk Lắk) cách làng ông sáu ngày đi bộ để tìm mua con voi cái như mong muốn.

Tuy nhiên, việc mua voi không đơn giản chỉ là sang đưa tiền rồi dắt về. Không biết bao nhiêu lần ông Chăm băng rừng lội suối, vượt qua hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác vào tận từng nhà hỏi mua nhưng gia chủ không muốn bán.

Trải qua suốt bốn tháng ròng rã đi rồi lại về, cuối cùng cũng có một gia đình đồng ý bán cho ông một con voi cái đã 20 tuổi.

“Gia đình đó vì muốn mua máy cày nên mới bán voi cho tôi, chứ nếu không thì chưa biết đến bao giờ tôi mới có thể mua được. Lúc nhìn thấy con voi này, tôi ưng cái bụng lắm. Nó to khỏe lại rất hiền lành.

Về nhà, tôi cứ ngồi nhìn ngắm nó mãi mà không biết đặt tên gì. Cuối cùng tôi quyết định cho voi cái tên là Yã Tâu, trong tiếng đồng bào có nghĩa là “con dâu” để gả nó cho Bak Xôm và hi vọng “vợ chồng” nhà Bak Xôm sẽ sớm sinh cho chúng tôi thêm một chú voi con nữa”, ông Chăm nhớ lại.

Vậy mà khi mong muốn của ông chưa thành hiện thực thì Bak Xôm mắc bệnh và chết ba năm sau đó. Không những vậy, nhiều năm sau đó đàn voi trong làng ông cũng chết dần hết chỉ còn duy nhất một mình Yã Tâu.

Nghĩ lại chuyện này, đôi mắt ông Chăm lại trĩu nặng nỗi buồn. Nhớ lại trước kia người dân buôn làng yêu quý voi như thế mà bây giờ khi voi chết hết không còn ai nuôi nữa khiến ông Chăm càng quyết tâm giữ lại Yã Tâu để nghề nuôi voi không bị biến mất.

Ksor Chăm, người nuôi voi vì tình nghĩa chứ không vì lợi lộc - Ảnh: Lê Khánh
Ksor Chăm, người nuôi voi vì tình nghĩa chứ không vì lợi lộc - Ảnh: Lê Khánh

Tình voi và người

26 năm chung sống cùng gia đình ông Chăm, Yã Tâu bây giờ đã trở thành một con voi to lớn, lực lưỡng hơn rất nhiều so với ngày mới đưa về. Thời gian cũng khiến tình cảm giữa ông Chăm và Yã Tâu thân thiết.

Yã Tâu được chăn thả ở ngọn đồi cách nhà gần ba giờ đi bộ nhưng mỗi lần nhìn thấy ông Chăm, nó lại rống lên một tiếng dài vui mừng khi gặp được chủ.

“Voi là động vật rất thông minh, có thể hiểu được tất cả những gì mình nói nên làm người chủ vừa phải thân thiết, chăm sóc nó cẩn thận, vừa phải thể hiện được cái uy của mình. Giống như Yã Tâu, khi nghe tôi mắng thì nó sợ đến mức vừa tè vừa rơm rớm nước mắt.

Chứ mà mình không có được cái uy với voi thì mỗi lần nó nổi cơn khùng lên không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ở thôn gần bên từng có một chủ voi suốt ngày say rượu không cho voi ăn, thế là lúc nó nổi cơn đã giẫm chết chủ luôn đấy”, ông Chăm nói.

Biết tuổi đã già, chỉ vài năm nữa thôi ông không còn đủ sức khỏe vượt qua từng ngọn đồi, băng qua từng khe suối để thăm Yã Tâu nữa nên ông đã cho người con rể của mình tập làm quen với Yã Tâu để về sau thay ông chăm sóc nó.

Ngày nay nuôi voi không dễ dàng như trước kia khi những cánh rừng liên tục bị tàn phá, thức ăn cho voi cũng vì thế cạn kiệt nên để có đủ cây cỏ cho voi ăn no thì phải đưa vào chăn thả trong rừng sâu, cách nhà tới mấy quả đồi.

Đối với Yã Tâu bây giờ ngôi nhà của nó là dãy núi cao nằm hun hút trong rừng sâu. Mỗi năm Yã Tâu chỉ được về nhà một lần vào ngày 28 tháng chạp âm lịch để chủ nhân mổ heo gà cúng trời đất làm lễ mừng tuổi rồi lại quay về rừng.

Ksor Chăm dẫn tôi ngược lên rừng thăm “người bạn cô đơn” của mình. Từ xa mấy cây số, Yã Tâu đã nhận ra từng bước chân, mùi người của Ksor Chăm nên bỏ đám cỏ, đạp cây loạt xoạt tìm tới. Thấy Chăm, Yã Tâu bước lại gần, dùng vòi cạ vào người ông âu yếm.

“Tại sao Chăm không bán Yã Tâu cho chủ voi ở Đắk Lắk đi mà nuôi làm chi cho mệt?” - tôi hỏi. Ksor Chăm im lặng một lúc rồi thở dài.

“Nhiều lúc thương nó một mình, không có con voi nào sống ở gần đây nữa để nó có bạn, mình cũng muốn bán cho người ta nhưng nghĩ lại thì không bán đi được. Nó ở đây với mình lâu quá rồi, mình nghĩ nếu để về với Đắk Lắk chắc nó cũng không vui, nó cũng nhớ mình như mình nhớ nó thôi.

Vậy nên mình sống với nó cho tới khi nào về với ông bà tổ tiên thì thôi”.

Kỳ cuối: Ở lại với Bản Đôn

LÊ KHÁNH - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp