Trường ĐH Y dược TP.HCM được quy hoạch theo mô hình ĐH Khoa học sức khỏe - Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo các chuyên gia, khi một trường ĐH được nâng cấp thành ĐH, nhà trường sẽ có được tự chủ mạnh mẽ hơn và có nhiều điều kiện để phát triển tốt hơn.
Thay đổi mô hình: trường ĐH thành ĐH
Tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng một nhiệm vụ quan trọng mà Trường ĐH Y dược TP.HCM vẫn đang nợ cách đây 15 năm, đó là thành lập ĐH Sức khỏe đầu tiên của cả nước, trong đó có các trường y, trường nha, trường dược, trường điều dưỡng...
Bộ trưởng Bộ Y tế có nhắc nhở việc nhà trường dùng tên ĐH Y dược TP.HCM là không đúng. "Hiện nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường ĐH Y dược TP.HCM, chưa thể gọi là ĐH được. Việc này Bộ GD-ĐT cũng đã góp ý.
Nhà trường phải sớm đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác..." - bà Tiến nhấn mạnh.
Theo bà Tiến, hiện nay trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Trường ĐH Y dược TP.HCM là trường lớn nhất, có điều kiện tốt để phát triển thành ĐH Sức khỏe sớm nhất.
Bà nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia. Tôi đề nghị nhà trường nhanh chóng làm đề án thành lập ĐH Sức khỏe TP.HCM để đổi mới bộ máy tổ chức quản lý. Theo tôi, nhà trường chỉ việc đổi tên và lắp người vào thôi chứ vị trí đều quá chuẩn. Khoa y đã xứng đáng là một Trường ĐH Y khoa lớn nhất cả nước".
Ý của bà Tiến nói việc "đổi tên" là phải có đề án đổi mới bốn điều: nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, phương thức quản lý và tự chủ tài chính. Việc đổi tên như vậy thực hiện bài bản theo Luật giáo dục ĐH (sửa đổi). Hiện Lào và Campuchia đã thực hiện theo mô hình này rồi.
"Nhà trường cần sớm thành lập hội đồng trường theo Luật giáo dục ĐH, thay đổi phương thức quản trị, xây dựng cơ sở 2 tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) với diện tích 130ha. Trước mắt sẽ thực hiện trước 55ha ở cơ sở 2, tập trung các viện nghiên cứu và bệnh viện thành campus ở đó. Ban giám hiệu nhà trường và Bộ Y tế rất quyết tâm thực hiện và đã có vốn ODA, phải nhanh chóng làm" - bà Tiến đề nghị.
Trường đã trình đề án gần 1 năm
Theo PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, trong đề án gửi cho Bộ Y tế cách đây gần 1 năm, ban giám hiệu nhà trường đã nêu rõ ý xây dựng mô hình ĐH Sức khỏe với nhiều trường thành viên.
Cụ thể là phát triển từ "trường ĐH" trở thành "ĐH". "Khi trường ĐH được trở thành ĐH, nhà trường sẽ có quyền tự chủ lớn hơn. Lãnh đạo ĐH có thể phân quyền cho các trường thành viên bên dưới nhiều hơn. Khi đó, các khoa đã trở thành trường thì tầm hoạt động cũng sẽ mạnh hơn" - ông Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) hiện nay có bất cập với quy định một khoa muốn được nâng cấp thành trường phải có từ ba chương trình đào tạo trở lên. Trong khi khoa y của trường chỉ có duy nhất một chương trình đào tạo y khoa, khoa dược cũng đào tạo chương trình dược học, khoa răng hàm mặt cũng đào tạo một ngành nha khoa...
"Điều này rất vô lý với trường y và các trường y không thể nào được trở thành ĐH được vì chỉ là một trường ĐH với các khoa. Hiện nay ở các nước không ai áp dụng kiểu này, ví dụ như ĐH Harvard có Trường Y Harvard chỉ đào tạo duy nhất ngành bác sĩ y khoa... Trong đề án nâng cấp thành ĐH, nhà trường đã đề nghị và nêu rõ các ý kiến về việc này".
Về thông tin xây dựng cơ sở 2 Trường ĐH Y dược TP.HCM, hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm đây là một cơ sở mới của trường, dự kiến sẽ được xây dựng tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Nhà trường cùng Bộ Y tế đang làm các thủ tục để xin vốn ODA. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có chủ trương và xác định vị trí dự kiến xây dựng, chưa giải phóng mặt bằng, đền bù. Theo kế hoạch dự kiến dự án xây dựng cơ sở 2 của trường được thực hiện nhiều giai đoạn: giai đoạn đầu sẽ xây dựng một số khu làm việc khối văn phòng, giảng đường, ký túc xá...
Sau đó mới đưa các khoa lên đó hoạt động từng bước. Giai đoạn sau sẽ tiếp tục xây dựng tại đây các viện nghiên cứu, bệnh viện thực hành... "Nói chung, để hoàn thành toàn bộ dự án này sẽ phải mất rất nhiều thời gian và không thể làm nhanh được" - ông Tuấn cho hay.
"Ý kiến của bộ trưởng Bộ Y tế rất đáng hoan nghênh"
TS Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM): Trước đây tôi được biết con dấu của Trường ĐH Y dược TP.HCM không có chữ "trường" (do Bộ Y tế là cơ quan chủ quản không chú ý vấn đề này). Sau khi có ý kiến của Bộ GD-ĐT, nhà trường có làm thủ tục để đổi lại nhưng hiện vẫn chưa xong.
Ý kiến của bộ trưởng Bộ Y tế không có gì là sai, thậm chí rất đáng hoan nghênh. Một là, trên thế giới tên gọi ĐH Khoa học sức khỏe cũng đã có chứ không phải tự bộ trưởng đặt ra. Hai là, khi trở thành ĐH Khoa học sức khỏe thì ĐH này có thể có các trường ĐH thành viên... như Luật giáo dục ĐH (sửa đổi) cho phép.
PGS.TS Vũ Hải Quân (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM): ĐH thì cần thành lập vài trường. Như Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ hình thành Trường Ngoại ngữ - do giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM ra quyết định thành lập.
Các khoa ngoại ngữ của trường sẽ gom lại thành một đầu mối và quản lý sẽ hiệu quả hơn. Tôi được biết Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ đổi tên hầu hết các khoa thành viện, các viện này tên tiếng Anh là School.
Có thể hiểu, ĐH có trường ĐH, có trường, có khoa; còn trường ĐH thì chỉ có trường, có khoa... bên trong. Như vậy ý kiến của bộ trưởng Bộ Y tế nói là chính xác 100% về luật.
TS Lâm Thành Hiển (phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng): Trường hợp của Trường ĐH Y dược TP.HCM nếu bỏ chữ "trường" chỉ còn ĐH thì giống ĐH Quốc gia nên phải gọi là đổi loại hình. Mà đổi loại hình là Thủ tướng quyết định. Hiểu nôm na là ĐH to hơn trường ĐH.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn có nên đổi tên Trường ĐH Y dược TP.HCM thành ĐH sức khỏe TP.HCM như ý kiến của Bộ trưởng y tế?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận