22/09/2012 09:48 GMT+7

Nàng tiểu thư và chàng bán bún bò

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Đã 13 năm trôi qua nhưng khi vừa nhắc đến cuộc bỏ trốn cùng người yêu (và bây giờ là chồng) tránh sự truy bắt của người mẹ đầy uy quyền và yêu thương con đến độc đoán, Trâm Anh (đường Bình Lợi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nghẹn giọng.

EFnOzqGV.jpgPhóng to

Vượt qua những cản ngăn của gia đình, cuối cùng họ đã đến được với nhau - Ảnh: Gia Tiến

Nước mắt không ngừng trào ra trên gương mặt người phụ nữ 31 tuổi. Ngày ấy, cô tiểu thư Trâm Anh là con gái cưng của chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm tươi sống lớn ở Q.Bình Thạnh. Đi học đều có người đưa đón. Ở nhà cô chưa từng đụng đến một cái chén dơ. Cũng chính vì quá yêu cô con út nên mẹ Trâm Anh trở nên khắt khe. Ngoài giờ đi học, Trâm Anh không được đi đâu chơi với bạn.

Bỏ trốn

Càng lớn Trâm Anh càng xinh. Nhiều chàng trai lịch lãm, giàu có đến nhà xin phép được quen Trâm Anh. Nhưng cô bé tuổi trăng rằm xinh như búp bê ấy đều từ chối mọi sự săn đón. Cô chỉ nghĩ về Minh Đăng - chàng trai cùng lớn lên với mình, cùng ở chung một con hẻm, chơi với nhau từ hồi nhỏ xíu và học cùng trường cấp II. Đăng là con trai thứ năm của một gia đình bán bún bò. Họ “lén lút” yêu nhau từ khi Trâm Anh học lớp 10. Cô không dám để ba mẹ biết. Khi Trâm Anh vừa thi lớp 12 xong (năm 1998), mẹ cô phát hiện mối tình trẻ thơ ấy. Bà lập tức “ra lệnh cấm vận” không cho Đăng tới lui. Không ai trong nhà đứng về phía Trâm Anh. Họ không dám tin vào một thanh niên 19 tuổi, không bằng cấp, không nghề nghiệp lại xuất thân trong một gia đình nghèo khó và đông con có thể đảm bảo cuộc sống hạnh phúc cho cô em gái của mình.

Một buổi trưa, lựa lúc mẹ vừa ra ngoài, Trâm Anh vội vã chạy tới nhà một người quen của Đăng. Cô đi vội tới mức trên người vẫn mặc đồ bộ với 60.000 đồng trong túi. Trâm Anh và Đăng quyết định bỏ trốn. “Ba ngày đêm ở Sài Gòn lúc nào tôi cũng lo lắng, hồi hộp khi nghe tiếng động, tiếng bước chân và thấy bóng người vì mẹ cho người đi tìm tôi khắp nơi”, Trâm Anh kể.

4g sáng, đôi trẻ lặng lẽ rời Sài Gòn. Họ đi ra tận TP Huế - nơi có người họ hàng của Đăng. Trâm Anh còn nhớ rõ đó là những ngày cận tết. “Tôi đã nghĩ mẹ sẽ từ mình nên không còn suy nghĩ đắn đo hay sợ sệt nữa. Chỉ cần thoát khỏi Sài Gòn và được lấy người mình yêu”, Trâm Anh kể. Chỉ khi ngồi trên xe, một hành trình dài lần đầu tiên trong đời, cô tiểu thư mới bồn chồn nghĩ đến những gì sẽ đón chờ mình rồi lại nơm nớp lo sợ bị người của mẹ bắt lại giữa đường. Suốt bảy đêm nơi xứ Huế, Trâm Anh không ngủ được. “Tôi lo lắng và suy nghĩ rất nhiều. Tôi không biết ngày mai mình sẽ như thế nào. Có thể sống được ở nơi xa lạ này hay không. Chúng tôi phải làm gì để nuôi sống nhau. Hai đứa còn quá nhỏ, lại không nghề ngỗng thì lấy gì mà ăn, mà sống...”, Trâm Anh kể lại.

Ngày thứ 10 ở Huế. Mẹ Trâm Anh đột ngột xuất hiện. Nhìn căn phòng của con, bà bật khóc, nài nỉ: “Về với mẹ đi con. Như vầy mà con sống được hả?”. Sau một hồi mặt nặng mày nhẹ vẫn không thuyết phục được cô con gái cưng, mẹ Trâm Anh bất ngờ thay đổi hẳn thái độ. Bà nhẹ nhàng nói con gái cứ về Sài Gòn và đồng ý cho hai người quen nhau đàng hoàng. Trâm Anh mừng rơn, líu ríu theo mẹ quay về. Vừa đặt chân tới đất Sài Gòn, cô tiểu thư bị “giam lỏng” trong nhà! Mọi cách liên lạc giữa cô và Đăng bị cắt đứt.

Chạy trốn định mệnh

Cho đến một buổi trưa nắng cháy rát, Trâm Anh vội vã lẻn ra đường. Cô đi như chạy, thẳng về hướng nhà Đăng. “Tôi cứ cắm đầu đi, không cần biết mai này sẽ ra sao, hạnh phúc hay đau khổ, vui ít hay buồn nhiều. Chỉ cần thoát khỏi mẹ và chứng minh cho Đăng biết tôi yêu anh ấy thật lòng, có thể chịu đựng được vất vả, khó khăn cùng anh ấy”, Trâm Anh nhớ lại tâm trạng của cô gái 19, 20 tuổi trong cuộc chạy trốn buổi trưa hôm ấy.

Mẹ Đăng chỉ nghĩ để Trâm Anh ở tạm vài ngày. Bà không dám tin cô bé tiểu thư trắng trẻo quen sung sướng có thể chịu được cuộc sống thiếu thốn như những người lao động bình dân. Vậy là Trâm Anh ở lại căn nhà như hai căn phòng trọ gộp lại, không có gác. Khi đó Đăng ở nhà phụ ba mẹ bán bún bò.

“Nhập gia phải tùy tục”, Trâm Anh tự ý thức được điều đó. 4g sáng, cô tự động dậy sớm phụ gia đình “chồng” chuẩn bị mọi thứ cho gánh hàng. Lui cui làm từ tờ mờ sáng đến 7g tối mới xong, Trâm Anh lại cặm cụi rửa chén, giặt quần áo... Hai năm đầu (2000-2002) ở “nhà chồng”, Trâm Anh ngủ với chị gái của Đăng. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất với Trâm Anh. Cô phải thích nghi với một cuộc sống khó khăn, thiếu thốn chưa từng hiện diện trong cuộc sống nhung lụa của một tiểu thư. Hai năm sau, khi thấy Trâm Anh thật sự muốn gắn bó với Đăng, một cái vách mới được dựng lên, ngăn thành một góc phòng nhỏ. Họ chính thức là vợ chồng, dù không có một đám cưới diễn ra, cũng chẳng có tiệc cưới, không sính lễ, không áo cô dâu...

Hai vợ chồng trẻ tìm một điểm gần nhà để bán bún bò. Trâm Anh cười mà mắt ngân ngấn nước: “Giờ đi ngang đường Phan Văn Trị, hai vợ chồng cứ nhớ hoài. Tụi tui bán bún bò ở đó gần ba năm”. Ba năm với cảnh bụi đường, khói xe; mùa mưa nước tạt vào ướt nhèm nhẹp; mùa khô nắng chói gắt, hơi nóng từ mặt đường bốc lên rát mặt; con nghiện lượn lờ...

Mỗi ngày lời được bao nhiêu, Đăng đưa hết cho vợ giữ. Tiền vốn trong ngày ba mẹ chồng cho mượn Trâm Anh gửi lại. Cứ thế tích cóp từng ngày một. Đăng quần quật “cày” từ rạng sáng đến khuya. Anh dậy từ 4g dọn hàng giúp ba mẹ. 10g Đăng đi thu mua phế liệu, hàng cũ. Gần trưa, anh chạy về giúp vợ dọn hàng rồi lại đi tiếp. Cứ 5-6g chiều gần tới giờ dọn hàng, anh lại về giúp vợ. Đăng dành một phần tiền lời mua từng món phụ tùng để một góc nhà. Kiên trì góp nhặt, tiết kiệm suốt gần hai năm ròng, anh cũng ráp được một chiếc xe chạy tới chạy lui. Đêm, Đăng chạy xe ôm tới 10-12g mới về.

“Những ngày tháng ấy tôi không bao giờ khóc vì vất vả, cực khổ mà nghĩ rằng mình đã lựa chọn thì không để ai chê cười. Khi đã quyết định ra đi thì sướng khổ là của mình”, Trâm Anh nói. Suốt năm năm Trâm Anh không dám quay về xóm. Đến chừng nhớ quá không chịu nổi, cô đợi tới lúc nhà làm đám giỗ, mẹ đi ra ngoài mới dám về thăm. Lần nào cũng thấp thỏm và căng thẳng vì phải canh lúc mẹ gần về là Trâm Anh lật đật đi ngay. Sáu năm sau mẹ cô mới chịu nhận con rể.

Đăng chuyển sang làm môi giới nhà đất 7-8 năm nay. Dành dụm được chút vốn liếng, anh chuyển qua mua bán bất động sản rồi cứ “lên” dần dần. Họ đang sống hạnh phúc với hai đứa con trong ngôi nhà rộng thoáng với kiểu kiến trúc thanh thoát, sang trọng ở đường Bình Lợi (Q.Bình Thạnh). Trâm Anh mỉm cười kể: “Tới giờ ảnh vẫn nói hồi đó quen thì quen vậy thôi chớ anh không dám tin em chịu lấy anh. Nếu bây giờ quay lại quá khứ, tôi vẫn lựa chọn như thế. Ảnh rất yêu thương vợ con. Chừng đó năm chung sống, ảnh chưa một lần lớn tiếng với mình. Nhiều đêm thấy chồng nói mớ, mình lay dậy, ảnh nhìn mình cười rồi bảo: Thương vợ quá”.

_________________

Kỳ tới: Bên nhau dù tận thế

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp