Ca sĩ Lê Hằng là một mỹ nhân của Hà Nội, nàng thơ trong các ca khúc nổi tiếng của Đoàn Chuẩn - Ảnh tư liệu gia đình
Thông tin về sự ra đi của người phụ nữ đẹp, hát hay mà cuộc đời đã trở thành một phần huyền thoại phố phường Hà Nội được nhiều văn nhân, nghệ sĩ chia sẻ với niềm thương tiếc.
Người con gái từng là huyền thoại một thời, những năm cuối đời sống khá lặng lẽ, nhưng đã một lần nữa trở lại với công chúng yêu văn nghệ trong cuốn sách mới đây của nhà văn Trương Quý - cuốn khảo cứu Một thời Hà Nội hát.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, chị Nga, con gái của nghệ sĩ Lê Hằng, cho biết mẹ chị qua đời lúc 19h50 ngày 18-3 ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội. Nguyên nhân qua đời là bệnh ung thư đại tràng đã di căn sang gan.
Chị Nga nói: "Chúng tôi thương mẹ lắm. Bà suy kiệt do các tế bào ung thư hành hạ, chỉ còn da bọc xương. Ngày xưa bà đẹp đẽ như thế.
Ca sĩ Lê Hằng hát Trước ngày hội bắn cùng ca sĩ Ngô Đại và nghệ sĩ accordeon Nguyễn Đăng Tư - chồng bà
Những năm cuối đời, niềm vui của bà chỉ xoay quanh con cháu. Mẹ tôi cũng bị đột quỵ cách đây gần 10 năm nên sức khỏe yếu dần, mất giọng và không hát được nữa. Trước khi đột quỵ, bà vẫn đi hát cùng các đoàn cựu chiến binh".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà văn Trương Quý - người đã mang "huyền thoại" về bà Lê Hằng vào sách gần đây - bày tỏ tiếc thương với một người phụ nữ rất Hà Nội có số phận khá ly kỳ này.
Nghệ sĩ Lê Hằng đã có những lựa chọn thật đặc biệt trong cuộc đời - Ảnh: Nhà văn Trương Quý cung cấp
Anh kể NSƯT Lê Hằng tên thật là Lê Lệ Hảo, sinh năm 1935 tại Hà Nội. Khi còn là một cô gái trẻ, bà làm công việc đánh máy và lồng tiếng cho các vở kịch rối của họa sĩ Mạnh Quỳnh.
Làm nhạc cho các vở kịch rối này là nhạc sĩ Tu Mi, trong một vở kịch, ông muốn cho nhân vật công chúa hát một số ca khúc của ông, vậy là cô gái trẻ Lê Lệ Hảo hát. Từ đó nhạc sĩ Tu Mi phát hiện ra giọng hát trời cho của Lệ Hảo.
Ông luyện cho bà để đi thi hát và bà đã giành giải nhất cuộc thi hát tại Đài phát thanh Hà Nội năm 1953 và từ đó trở thành ngôi sao lớn của tân nhạc Việt Nam, với nghệ danh Thanh Hằng.
Cô là nàng thơ ở rạp Đại Đồng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, rất thành công với các ca khúc tiền chiến nhưng lại không bao giờ thể hiện các bài hát của Đoàn Chuẩn, trong đó có nhiều bài ông viết cho bà và về bà, vì những nỗi niềm riêng từ mối tình đã trở thành "huyền thoại" của bà với Đoàn Chuẩn khi ấy đã có vợ và 5 người con.
Điều đặc biệt ở bà Lê Hằng là không giống như các ca sĩ nổi tiếng trước 1954 thường lựa chọn di cư vào Nam, bà lại lựa chọn ở lại miền Bắc, đổi nghệ danh Lê Hằng và chuyển sang hát nhạc cách mạng, cũng trở thành "ngôi sao" trong làng nhạc "đỏ", đặc biệt thành công với bài hát Trước ngày hội bắn.
"Bà đã có một sự chuyển đổi thẩm mỹ từ âm nhạc lãng mạn tiền chiến sang nhạc cách mạng một cách rất nhịp nhàng", nhà văn Trương Quý nói.
Nghệ sĩ Lê Hằng đẹp rạng rỡ lúc tuổi già, khi bà còn khỏe mạnh - Ảnh: GIA ĐÌNH CUNG CẤP
Vào văn công quân khu Việt Bắc, bà từ một ngôi sao thị thành đã dành nhiều năm hát cho bà con các vùng Thái Nguyên, Bắc Kạn rồi mới trở lại Hà Nội, sống một cuộc đời lặng lẽ, giản dị, thanh sạch bên chồng (nghệ sĩ đàn accordeon Nguyễn Đăng Tư) và các con, một bà già tưởng như vô danh với một quán nước trà vỉa hè ở thành phố mỗi năm thêm huyên náo.
Nhà văn Trương Quý không chỉ cảm nể tài năng và những lựa chọn đặc biệt của nghệ sĩ Lê Hằng, anh còn rất yêu kính nhan sắc mỹ miều và tính tình đúng kiểu người Hà Nội cũ: kỹ lưỡng, nề nếp, khiêm nhường, thư thái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận