Một số quyển sách quý hiếm sẽ trưng bày dịp này - Ảnh: QSMT
Chương trình bắt đầu bằng một triển lãm khai mạc vào ngày 13-12, với nhiều đầu sách mà số người tận mắt chứng kiến quả thật không nhiều. Chẳng hạn như quyển Xuân Thu nhã tập (1942), tập thơ Điêu tàn - tác phẩm đầu tay của Chế Lan Viên in năm 1937, tập Thơ Thơ (Đời Nay xuất bản, 1938) của Xuân Diệu...
Trong không khí cùng ôn lại những vàng son xưa cũ, triển lãm lần này có cả những tác phẩm phản ánh thành tựu của quốc văn, quốc ngữ thời kỳ đầu thế kỷ 20, như quyển Cô gái xuân của Đông Hồ (1935).
Và còn một loạt những danh tác, như Bức tranh quê của Anh Thơ (1941), tập thơ Xưa của Bàng Bá Lân (1941), Hương cố nhân của Nguyễn Bính (1941), Mùa cổ điển của Quách Tấn (1941), Thơ say (1940) và kịch thơ Trương Chi (1944) của nhà thơ Vũ Hoàng Chương...
Bên cạnh triển lãm các sách quý hiếm, đêm thơ nhạc vào lúc 19h ngày 15-12 cũng nằm trong mạch cảm xúc tôn vinh thơ Việt và nhạc Việt một thời. Đến với đêm nhạc, công chúng còn có dịp xem cuộc trưng bày các ấn phẩm nhạc tờ từng ra đời hơn nửa thế kỷ trước.
Đặc biệt, một điểm nhấn của Nàng thơ thuở ấy là chương trình đấu giá sách diễn ra đêm 15-12. Bốn quyển sách được đưa ra đấu giá gồm quyển Thú chơi sách in năm 1961 của tác giả Vương Hồng Sển, 3 quyển thơ của Vũ Hoàng Chương đóng chung thành một tập (Mây, Hoa đăng và Trời một phương).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận