26/01/2016 04:48 GMT+7

Nâng tạ và nâng cả ước mơ

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Năm 2015, Lê Thị Thắm lần đầu tiên bước lên bục vinh quang của Giải vô địch Đông Nam Á khi giành HCV môn cử tạ. Trước đó, cô đã nhiều lần đăng quang ở các giải trong nước.

Lê Thị Thắm tập luyện ở đội tuyển cử tạ quốc gia - Ảnh: Nam Trần
Lê Thị Thắm tập luyện ở đội tuyển cử tạ quốc gia - Ảnh: Nam Trần

Lê Thị Thắm (24 tuổi, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, Nghệ An) hiện đang là sinh viên năm cuối Đại học TDTT Bắc Ninh và là VĐV cử tạ của tỉnh Nghệ An. Tám năm bén duyên cùng cử tạ, dù đã hàng chục lần bước lên bục vinh quang nhưng ít ai biết được Thắm từng từ chối cử tạ vì sợ bị... xấu và lùn.

Đòi bỏ về nhà

Năm học lớp 8, thầy dạy thể dục nhận thấy tố chất của Thắm và gợi ý em theo môn cử tạ và sẽ giới thiệu với trung tâm của tỉnh. “Lúc đó tôi không nghĩ gì hết và từ chối ngay do sợ bị... xấu, mập và lùn vì nhìn thấy các VĐV cử tạ ai cũng vậy” - Thắm kể.

Đến năm học lớp 9, Trung tâm huấn luyện TDTT của tỉnh về trường tuyển quân. Thắm được thầy chủ nhiệm giới thiệu với thầy Hoàng - khi đó là HLV môn cử tạ. “Thầy bảo tôi cứ lên thử sức, nếu được thì ở lại, còn nếu sợ thì chuyển môn khác vì tôi có tố chất” - Thắm kể tiếp. Miễn cưỡng đồng ý, Thắm được trung tâm nhận ngay mà không cần qua sát hạch. Ngày ấy Thắm cao 1,61m, nặng 64kg.

Bước vào làm quen với cử tạ tại trung tâm, một lần nữa Thắm lại khóc đòi về nhà vì thấy các VĐV cử tạ ai cũng như... hộ pháp và tập luyện rất khắc khổ. Nhưng nhờ sự vận động của đồng nghiệp, gia đình cũng như sự dìu dắt tận tình của HLV, Thắm cũng dần nguôi ngoai nỗi sợ và lao vào tập luyện với sự đam mê.

Thắm kể: “Năm 2011, bố tôi có cược với thầy Hoàng nếu tôi được HCV sẽ mất cho thầy một con dê và ngược lại. Năm đó, tôi đoạt 2 HCV, thế là bố tôi phải mất một con dê, cả thầy và trò cùng gia đình được một bữa liên hoan tưng bừng”. Trong tám năm qua, Thắm đã có bộ sưu tập với đủ loại huy chương. Trong đó, ấn tượng nhất là chiếc HCV Đông Nam Á vào năm 2015.

Vay tiền đi học

Tuy nhiên, đằng sau những thành công của Thắm là một chặng đường đầy khó khăn. Thắm là con út trong một gia đình nghèo thuần nông, bố là thương bệnh binh về hưu, mẹ ở nhà làm nông khi đau, khi ốm.

Nhà của gia đình Thắm tại xã Diễn Thắng là căn nhà cấp bốn, vật dụng không có gì đáng giá ngoài chiếc tủ đựng bộ sưu tập huy chương của Thắm. Mân mê những tấm huy chương, những cuốn kỷ yếu viết về Thắm, ông Lê Đình Thám, bố của Thắm, cho biết: “Khi cho con theo tập cử tạ cả nhà không dám hi vọng, chỉ nghĩ nếu nó theo được thì đỡ phải làm nông vất vả như bố mẹ và các anh chị. Nào ngờ nó bén duyên và đạt được nhiều thành tích đến thế. Bây giờ nó như “cục vàng” của gia đình chúng tôi”.

Không chỉ là niềm tự hào khi mang về nhiều thành tích, Thắm còn khiến nhiều người mến phục hơn khi vừa tập luyện vừa thi đậu vào Trường đại học TDTT tỉnh Bắc Ninh. “Kể từ khi cháu thi đậu đại học, gia đình chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Lo là tiền đâu cho con theo học bốn năm đại học khi thu nhập chính của hai vợ chồng tôi là tiền hưu với 3 triệu đồng/tháng, còn việc làm nông thì vợ tôi cũng như tôi đã già yếu nên mùa làm, mùa không” - ông Thám tâm tư.

Trao đổi qua điện thoại từ phòng tập ở ĐH TDTT Bắc Ninh, Thắm cho biết mỗi kỳ học chi tiêu tằn tiện và cả học phí cũng tốn 15 triệu đồng, trong khi tiền chế độ của Thắm cũng chỉ có 3 triệu đồng/tháng. “Ngoài số tiền ít ỏi hỗ trợ từ gia đình, tiền chế độ của tỉnh, tôi phải vay mượn thêm bạn bè để chi tiêu và trang trải học phí. Tằn tiện đến đâu đắp đổi đến đó, nhưng dù khó khăn đến đâu tôi cũng phải lấy được tấm bằng đại học. Tôi nghĩ kỹ rồi, đời VĐV thì ngắn nên có bằng đại học sau khi nghỉ tập tạ sẽ theo học làm HLV” - Thắm tâm sự về tương lai.

Thắm cho biết nhiều tỉnh cũng đã đặt vấn đề với cô và HLV về việc chuyển nhượng về với họ với những ưu đãi tốt hơn. “Nhưng tôi không đặt nặng vấn đề tiền bạc, tôi ở lại thi đấu cho tỉnh nhà vì tình nghĩa, vì sự ủng hộ và trên hết là tình thầy trò cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm TDTT tỉnh Nghệ An” - Thắm khẳng định.

Tài sản quý giá của Thắm

Ông Lê Đình Thám bên bộ sưu tập huy chương của Thắm - tài sản quý giá nhất trong gia đình - Ảnh: Hồ Văn
Ông Lê Đình Thám bên bộ sưu tập huy chương của Thắm - tài sản quý giá nhất trong gia đình - Ảnh: Hồ Văn

Sau khi đoạt một số HCB và HCĐ ở các giải vô địch cử tạ trẻ toàn quốc vào năm 2010 và 2011, năm 2012 và 2013, Thắm đã đăng quang tại Giải cử tạ toàn quốc. Năm 2014, Thắm tiếp tục đoạt 2 HCV, phá hai kỷ lục tại Giải vô địch toàn quốc và năm 2015, Thắm đã bước lên bục cao nhất ở Giải vô địch Đông Nam Á. Cũng trong năm 2015, Thắm được bầu là đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An.

Võng xếp Duy Lợi ủng hộ Lê Thị Thắm 5 triệu đồng

Để động viên, giúp đỡ VĐV cử tạ Lê Thị Thắm vượt qua khó khăn và đón Tết Bính Thân 2016 ấm áp hơn, Công ty võng xếp Duy Lợi ủng hộ Thắm 5 triệu đồng. Báo Tuổi Trẻ sẽ chuyển số tiền này cho Lê Thị Thắm.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp