Nắng nóng dễ mất nước
Bác sĩ Nguyễn Huân - khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TP.HCM) - cho biết vào những ngày hè nắng nóng, nhiệt độ môi trường tăng cao, làm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi hơn để giải nhiệt, nên cơ thể dễ bị mất nước, kèm theo mất điện giải.
Nếu thời tiết nắng nóng kéo dài và không bù đủ nước cho cơ thể dẫn đến nguy hiểm cho cơ thể. Người mất nước nhẹ sẽ cảm thấy chóng mặt, buồn nôn hoặc đau đầu, lưỡi và miệng khô, nước tiểu màu vàng sẫm hoặc nâu. Với trẻ em sẽ có nước tiểu ít, khi đó sẽ thấy tã ít ướt hơn bình thường.
Trường hợp nặng sẽ tạo cảm giác rất khát, mệt mỏi và thờ ơ, trông nhợt nhạt, mắt trũng sâu, bứt rứt, buồn ngủ, thở nhanh hơn bình thường, nhịp tim nhanh.
Khi cần hạ nhiệt cho cơ thể, có thể dùng nước lạnh. Tuy nhiên, chỉ nên uống nước mát có độ lạnh vừa phải, không quá lạnh, không nên uống đá lạnh để tránh bị viêm họng hay ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, không nên uống nước lạnh khi đang ăn để tránh bị khó tiêu.
Uống nhiều nước liên tục để giải cơn khát, đúng không?
Nắng nóng oi bức khiến chúng ta dễ mệt mỏi, khát nước. Có người uống liên tục với lượng nước lớn; nhưng có người lại quên, chỉ uống khi thấy khát. Vậy việc uống nước ngày nắng nóng cần lưu ý gì?
Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Hậu - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết nước nước có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Khi thời tiết nắng nóng, mồ hôi thoát ra nhiều nên nhu cầu về nước tăng cao, nhất là với những người làm việc nặng hoặc ngoài trời nắng. Lúc này, cơ thể cần nước để bù cho lượng mồ hôi thoát ra nhằm cân bằng nhiệt độ cơ thể.
Vậy uống nước mùa nắng nóng như thế nào là đúng, tốt cho khỏe? Bác sĩ Hậu khuyến cáo người dân cần chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống, và không uống rất nhiều trong một lần. Nên uống các loại nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường…
Đặc biệt ở người tập luyện thể thao phải cần bảo đảm cơ thể đủ nước trước khi tập luyện bằng cách uống nước thường xuyên trong ngày, nhất là trước và trong lúc tập. Nếu tập luyện cường độ cao trong hơn 3 giờ, cần bổ sung điện giải.
Bác sĩ Hậu cho biết thêm, hiện có nhiều người uống thuốc lợi tiểu để giảm phù do nhiệt (thường gặp phù ở mắt cá, bàn chân do thay đổi môi trường đột ngột từ lạnh sang nắng nóng). Tuy nhiên điều này không có lợi mà còn gây hại thêm cho cơ thể vì làm tăng tình trạng mất nước của cơ thể. Thời tiết nắng nóng làm cơ thể mất nước, mà khi dùng thuốc lợi tiểu thì sẽ làm cơ thể mất nước nhiều hơn.
Với trẻ em, bác sĩ CKI Trương Thị Ngọc Phú - phó phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho hay tỉ lệ lượng nước trong cơ thể cũng như hệ miễn dịch của trẻ khác với người lớn nên thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút tấn công.
Để bảo vệ trẻ mùa nắng nóng, bác sĩ Phú khuyến cáo phụ huynh cần bổ sung lượng nước đầy đủ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nên uống bao nhiêu nước một ngày?
"Không có bất cứ quy tắc nào trong việc uống chính xác một thể tích nước mỗi ngày, nhiều người cũng đáp ứng nhu cầu nước hằng ngày bằng cách uống nước khi khát, đây cũng là một trong những khuyến nghị.
Cũng có thể nhìn vào nước tiểu, nếu có màu trong hoặc vàng nhẹ thì cơ thể đã đủ nước", bác sĩ Nguyễn Huân chia sẻ.
Bác sĩ Huân cho hay, theo khuyến cáo của chuyên gia, phụ nữ cần khoảng 2 lít nước mỗi ngày, nam giới thì cần khoảng 2,5 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý ngoài uống nước còn có thể cung cấp nước cho cơ thể qua những thực phẩm sử dụng hằng ngày như rau, củ, quả.
Vậy chỉ cần khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày nếu ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu hoạt động trong môi trường nóng hoặc nếu tập thể dục thì sẽ cần đến một lượng nước lớn hơn.
"Ngoài ra, một số loại thực phẩm mà chúng ta sử dụng hằng ngày, chẳng hạn như rau xanh có cải thìa, cải xanh, cà rốt; nước hoa quả như cà chua, cam, bưởi, táo, lê, dưa hấu... cũng cung cấp cho cơ thể một lượng nước đáng kể.
Mặt khác, các loại kể trên còn bổ sung cho cơ thể một số vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, rất phù hợp trong thời tiết nắng nóng", bác sĩ Huân khuyến cáo.
Mẹo để uống nhiều nước
Nước chiếm 60% đến 70% trọng lượng cơ thể ở người trưởng thành và chiếm tỉ lệ cao hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Nước là một trong những thành phần có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của các chức năng nhận thức và thể chất, góp phần duy trì sự điều hòa thân nhiệt.
Bên cạnh đó, nước còn tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể.
Đặc biệt, chúng còn giữ khả năng miễn dịch tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng và đào thải độc tố, chất cặn bã.
Nước còn là thành phần chính dịch khớp, có tác dụng bôi trơn tạo sự linh hoạt cho các khớp. Đồng thời, bảo vệ da, giữ cho làn da sáng, giúp cân bằng năng lượng cho cơ thể.
Bác sĩ Nguyễn Huân cho hay, để đảm bảo sức khỏe khi uống nước, cần lưu ý:
- Tạo thói quen uống đủ nước hằng ngày, đừng đợi tới khi thấy khát hoặc khô miệng mới uống.
- Mỗi lần chỉ uống một lượng nước vừa phải, không uống quá nhiều cùng một lúc, tốt nhất là nên rót ra cốc để uống.
- Không uống nước đun đi đun lại nhiều lần, không uống nước đun sôi đã để quá 2 ngày. Không uống ngay sau khi vận động mạnh.
Các loại nước như nước ngọt có gas, đồ uống có caffein không thể thay thế nước lọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận