Đột quỵ mùa nắng nóng hoàn toàn có thể phòng ngừa và sơ cứu kịp thời nếu được phát hiện sớm.
4 điều cần ghi nhớ
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thái (Viện Y học hạt nhân và Ung bướu quân đội), khi thời tiết nắng nóng, người bị cao huyết áp, mỡ máu cao cần chú ý các điểm sau để phòng ngừa đột quỵ.
- Uống đủ nước: Uống nước vừa khiến thân nhiệt người bệnh tăng, kích thích làm tim đập nhanh, gây tăng huyết áp nhưng cũng có thể khiến cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để làm giảm thân nhiệt.
Điều này lại làm cơ thể mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, nếu người cao tuổi không kịp thời uống bù đủ nước thì có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm hơn như trụy mạch, tụt huyết áp...
- Hạn chế muối và thực phẩm nhiều dầu mỡ: Ngoài ra, hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn. Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Đồng thời, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu và tránh các chất kích thích như cà phê.
- Tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ: Trong trời nắng nóng, nhiều người thường "lười" vận động và ít ra ngoài. Họ có xu hướng ngồi trong phòng điều hòa, nhiệt độ thấp nhiều hơn. Điều này rất nguy hiểm vì có thể gây co mạch đột ngột và làm tăng huyết áp trong cơ thể.
Bên cạnh đó, đặc trưng của người cao tuổi là hay bị mất ngủ vào ban đêm, nhất là khi thời tiết nóng nực. Điều đó kéo theo hiện tượng ban đêm huyết áp tăng làm hại tim mạch. Nếu để tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch (đau tim, nhồi máu cơ tim...).
Để tránh nguy cơ bệnh tăng nặng, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim..., bác sĩ khuyến cáo cần tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ, không đột ngột từ phòng lạnh ra ngoài trời nóng.
Không nên để nhiệt độ phòng quá lạnh, nhiệt độ phù hợp nên từ 26ºC trở lên; chú ý sử dụng các thuốc hạ áp, nhất là khi phối hợp nhiều thuốc hạ áp có tác dụng giãn mạch; không nên làm việc hay vận động nhiều ngoài trời nhằm đề phòng giãn mạch quá mức.
Nếu không thể tránh làm việc trong môi trường nắng nóng, nên làm việc lúc sáng sớm trước 10 giờ hoặc khi chiều muộn sau 15 giờ, nhưng làm việc với cường độ vừa phải tránh quá sức.
- Tập luyện hợp lý: Người bị tăng huyết áp, mỡ máu cao vẫn cần vận động nhẹ nhàng, quan trọng là biết tập luyện điều độ, phân bổ hợp lý về cường độ và thời gian tập.
Nên vận động toàn thân với nhịp độ chậm vừa, có thể chọn các bài tập dưỡng sinh, bơi lội, lên xuống cầu thang chậm rãi, đi xe đạp chậm, đi bộ...
Tập đều đặn 30 phút mỗi ngày vào những lúc trời râm mát. Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống. Không nên uống nhiều thức uống có đường, nước ngọt có gas...
Cách xử trí khi bị đột quỵ do nắng nóng
Bác sĩ Nguyễn Phương Trang, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết người bị đột quỵ do nắng nóng cần được cứu chữa khẩn cấp để hạn chế nguy cơ biến chứng nặng, hôn mê sâu, suy đa tạng, tổn thương não, thậm chí tử vong. Cách xử lý cứu người bị đột quỵ do nắng nóng bao gồm:
Sơ cấp cứu:
- Đầu tiên, cần nhanh chóng di chuyển người bệnh vào nơi thoáng mát.
- Nới rộng hoặc cởi bỏ quần áo đồng thời lau mát cơ thể người bệnh.
- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Lưu ý, trong quá trình sơ cấp cứu không tự ý cho người bệnh ăn uống hay dùng bất cứ thuốc gì. Bởi vì có thể khiến người bệnh bị sặc vào phổi đe dọa đến tính mạng.
Trong trường hợp người bị sốc nhiệt hay đột quỵ do nắng nóng đã ngừng tim (không thấy mạch đập) thì cần nhanh chóng hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim lồng ngực.
Hướng dẫn hà hơi thổi ngạt đúng cách:
- Đặt người bệnh nằm ưỡn cổ và nghiêng sang một bên.
- Dùng khăn vải hoặc băng gạc để lấy sạch nước dãi, đờm và đặt khăn mùi xoa quanh miệng người bệnh.
- Dùng ngón tay trỏ và ngón cái bịt mũi người bệnh và thổi hơi trực tiếp vào miệng người bệnh.
Hướng dẫn ép tim ngoài lồng ngực đúng cách:
- Đặt chồng hai tay lên nhau và đặt lên vị trí lồng ngực (ngay bên ngoài tim) của người bệnh, hướng tay vuông một góc 90 độ với ngực.
- Dùng lực để ép tim lồng ngực.
- Trường hợp chỉ có 1 người sơ cứu thì xen kẽ 2 - 3 lần thổi ngạt với 10 - 15 nhịp ép tim ngoài lồng ngực.
- Nếu có 2 người cấp cứu thì mỗi người đảm nhiệm một vai trò thổi ngạt hoặc ép tim và kiên trì thực hiện sơ cứu đến khi tim đập lại, người bệnh hồi phục hơi thở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận