Ngày 21-3, gần 20 năm nuôi tôm sú - cua biển trên đất ruộng, ông Huỳnh Thanh Nhanh - ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh (huyện An Minh) - cho biết những năm qua mô hình nuôi tôm - cua - lúa giúp cho ông Nhanh và bà con ở địa phương có cuộc sống ổn định.
Năm 2024, với 1ha đất của gia đình, ông Nhanh thả nuôi 10.000 con tôm sú, 2.000 con cua biển. Do nắng nóng gay gắt kéo dài, mực nước trên vuông nuôi hạ thấp và nồng độ mặn lên cao khoảng 25-30‰ nên tôm sú, cua biển nuôi của ông bị bệnh chết rất nhiều.
"Thả được 40 ngày nên tôm sú của tôi nuôi đạt cỡ 80-100 con/kg. Nắng nóng, xảy ra dịch bệnh khiến tôm sú, cua biển tôi nuôi bất ngờ chết, ước ảnh hưởng hơn 70%. Cán bộ kỹ thuật địa phương cũng hỗ trợ, xử lý nước nên tạm thời tôi thấy cũng ổn", ông Nhanh nói.
Ông Nhanh cho biết thêm tôm sú hiện các thương lái thu mua giá 165.000 đồng/kg (cỡ 30 con tôm/kg); cua biển (cua gạch) 450.000 đồng/kg; cua y dao động 250.000-300.000 đồng/kg. Do đó, khi tôm, cua chết nhiều, ông Nhanh và người dân địa phương bị ảnh hưởng kinh tế gia đình.
Ông Lê Văn Khanh - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh - thông tin từ tháng 1 đến tháng 3-2024, nắng nóng kéo dài, nồng độ mặn ở các vuông nuôi, cua của người dân địa phương tăng cao.
Các vuông nuôi tôm sú, cua biển của người dân cũng đã xảy ra bệnh đốm trắng, còi, hoại tử gan tụy cấp trên tôm sú.
Đến thời điểm hiện tại địa phương có khoảng 140ha nuôi tôm của người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh và nắng nóng. Trong đó, nắng nóng khiến tôm chết khoảng 80ha (tôm sú cỡ 200 con/kg). Địa phương hỗ trợ hơn 7 tấn chlorine để người dân kịp thời dập dịch bệnh trên tôm để chuẩn bị thả nuôi mới.
"Địa phương cũng khuyến cáo người dân cần chủ động lấy nước sạch, gia cố bờ bao và giữ mực nước 4-5 tấc nước trên vuông, hạn chế biến động nhiệt độ để tôm, cua không bị ảnh hưởng, ổn định kinh tế gia đình", ông Khanh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận