Portland, Oregon, Mỹ 51 độ C, Vườn quốc gia Yosemite 41 độ C, nhiều nước châu Âu 46 độ C, Việt Nam có những nơi nắng nóng 44 độ C trong hè này... Đó là những con số cho thấy khủng hoảng khí hậu có thể là mối đe dọa ở cấp độ toàn cầu.
Theo trang Insider, một trong các hệ quả của sự nắng nóng kỷ lục này là các đơn đặt hàng trực tuyến tăng vọt. Những người đặt hàng có thể tránh cái nắng gay gắt, nhưng shipper thì không.
Do đó, có thể nói, giao hàng đang trở thành một nghề nguy hiểm. Hiện chưa biết các đợt sóng nhiệt và hiện tượng El Nino đến khi nào thì kết thúc.
Sóng nhiệt gây tử vong, nhưng ít được ghi nhận
Một chi nhánh của dịch vụ vận chuyển FedEx ở miền Nam nước Mỹ nói với Insider: "Đây là một trong những công việc khắc nghiệt nhất. Không thể giao 150-200 gói hàng, bởi ngày hôm sau người giao sẽ ngã gục. Cần có thời gian để thích nghi".
Nếu trước kia, những nỗi lo lớn nhất khi làm shipper là đối phó với chó giữ nhà hung dữ, những vị khách khó tính hay kiện hàng nặng, thì hiện nay nắng nóng đứng đầu danh sách.
Jeff Goodell, tác giả của cuốn sách The Heat Will Kill You First, đã đưa ra một khái niệm mới về "nền kinh tế mồ hôi".
Nền kinh tế đó bao gồm các shipper, những người buộc phải làm việc ngoài trời, chẳng hạn công nhân xây dựng, và những người buộc phải làm việc trong các tòa nhà, nhà máy "không máy lạnh". Và khi nắng nóng ập đến, những người này bị ảnh hưởng mạnh nhất.
Một tài xế xe tải tiết lộ với Insider giờ đây, mỗi ngày đi làm, anh đều phải mang theo 1 thùng đá, 15 chai nước và 2 chiếc khăn. Điều đó đã trở thành thói quen sau khi anh ngã quỵ, nôn mửa vì nắng nóng là hồi năm 2017, với nhiệt độ lúc đó 41 độ C.
Anh may mắn vì đã sống sót. Nhưng Esteban Chavez, 24 tuổi, một tài xế UPS ở South California, thì không. Anh đã qua đời khi nhiệt độ ngoài trời cao nhất ở Pasadena là 36 độ C (trong xe tải có thể nóng hơn ngoài trời 10 độ C).
Theo ABC News, Chavez không phải người giao hàng đầu tiên tử vong vì nhiệt, cũng không phải người duy nhất qua đời trong tháng đó với lý do tương tự.
Thống kê của Bộ Lao động Mỹ chỉ ghi nhận 32-56 trường hợp tử vong do nhiệt giai đoạn 2017-2021. Tuy nhiên, do vấn đề "sốc nhiệt" ít được quan tâm, rất nhiều trường hợp tử vong chỉ được ghi nhận là "nguyên nhân tự nhiên", do đó đã không được tính vào.
Theo Goodell, nắng nóng khiến tim hoạt động mệt mỏi hơn để đưa máu lên bề mặt da làm mát, do đó khiến tim căng thẳng và bị suy yếu, ở mức độ nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận