Uống nước sâm giải nhiệt mùa nóng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên, để sử dụng đúng cách và mang lại hiệu quả giải nhiệt người dùng cần nhiều lưu ý trong việc lựa chọn, chế biến. Thậm chí, nhiều công thức chế biến thực phẩm làm mát phổ biến hiện nay được chuyên gia y tế cho là không phù hợp.
Máy làm mát hút khách
Theo bà Phạm Thị Thanh Nga, chủ cửa hàng điện máy Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), năm nay mùa nóng bắt đầu sớm hơn nên nhu cầu mua hàng điện lạnh cũng sôi động hơn. Thời điểm này, đến tháng 5 là giai đoạn cao điểm nắng nóng nên lượng hàng bán ra có thể tăng gấp nhiều lần các tháng khác trong năm.
Đặc biệt, ngoài máy lạnh, quạt, năm nay nhu cầu sử dụng máy làm mát bằng hơi nước khá nhiều. Trong đó, phổ biến nhất là máy phân khúc giá rẻ khoảng 3-6 triệu đồng thương hiệu của Trung Quốc, Thái Lan... với công suất 100-200W khá hút khách. Nhu cầu này tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước tùy chủng loại.
Tương tự, nhiều điểm kinh doanh điện máy khác như N.K., T.H. lượng khách tìm mua sản phẩm điện lạnh khá nhiều. Đặc biệt, nhu cầu mua máy lạnh trả góp tại nhiều thương hiệu thu hút nhiều người dân tìm mua.
80% máy làm mát là hàng Trung Quốc
Theo chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng điện máy, hiện nay thị trường VN có hàng chục thương hiệu máy làm mát được người bán dưới thiệu là hàng VN, Thái Lan hay Malaysia nhưng thật ra khoảng 80% hàng của Trung Quốc.
Nhiều trường hợp người bán mập mờ nguồn gốc khi giới thiệu hàng VN hoặc Thái Lan nhưng chỉ là lắp ráp, còn linh kiện phần lớn vẫn được nhập từ Trung Quốc. Hiện nay, khi bị hư hỏng phần lớn các sản phẩm máy làm mát thường gặp trục trặc ở bộ phận bơm nước.
Theo anh Trần Văn Phong, một chuyện gia điện máy tại TP.HCM, nhờ ưu điểm máy làm mát là dễ di chuyển, có thể sử dụng không gian mở và tiết kiệm điện năng hơn so với máy lạnh nên khoảng 3 năm trở lại đây lượng máy làm mát nhiều hãng bán ra tăng mạnh ở mức 40-60%/năm.
Tuy nhiên, theo anh Phong, máy làm mát cũng có những hạn chế nhất định. Đáng chú ý nhất là hầu hết các máy làm mát hiện nay không điều chỉnh được nhiệt độ. Theo đó, sự tăng giảm nhiệt độ lạnh của máy phụ thuộc nhiệt độ bên ngoài (nhiệt độ làm mát thường thấp hơn 6-8 độ so với bên ngoài).
Cam, quýt, bưởi, nước mát đắt hàng
Sức hút thị trường cũng khiến giá nhiều loại trái cây giải nhiệt tăng. Theo ông Dụng Quý Đông, chủ trang trại Quý Đông (tỉnh Bình Phước), hiện cam, quýt và bưởi đang tăng giá khoảng 15-20% so với tháng trước.
Theo đó, quýt đường hiện mua xô tại vườn ở mức 25.000 đồng/kg, cam sành phổ biến 23.000-25.000 đồng/kg, cam xoàn 26.000-31.000 đồng/kg, bưởi 30.000-42.000 đồng/kg tùy loại.
"Nhu cầu sử dụng để giải nhiệt mùa nắng nóng tăng cao. Trong khi đó, đây là mùa nghịch vụ của cam, quýt miền Nam nên sản lượng ít, miền Bắc chưa có. Khả năng giá các loại trái cây có múi sẽ tiếp tục tăng đến tháng 5, tháng 6", ông Đông dự đoán.
Nước sâm không giải nhiệt được nhiều như nhiều người vẫn nghĩ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Rau củ quả giải nhiệt cũng vào mùa cao điểm. Hiện hai sản phẩm khá hút khách là nước sâm và trà bí đao hạt chia. Theo đó, các loại này được khá nhiều điểm mở bán "dã chiến" có giá 8.000-10.000 đồng/ly chủ yếu bán cho người đi đường.
Theo ghi nhận, tại cửa hàng nước sâm C.B. (đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1) ba loại nước sâm chủ đạo là sâm atisô hoa cúc, rong biển và nước đắng được quảng cáo là hàng tự nấu luôn tấp nập khách hàng.
Tương tự, theo Hợp tác xã rau an toàn Phước An (H. Bình Chánh), thời điểm này bắt đầu vào cơn sốt các loại dùng để nấu nước mát như mía lau, cỏ tranh, rau má...
Hiện lượng rau củ nấu nước mát của đơn vị bán ra đang tăng lên ở mức hơn 1.000-1.500 bịch/ngày với giá 8.000-9.000 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/bịch so với thời điểm trời mát.
Hạn chế uống đồ lạnh, nhiều đường
Theo TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM), mùa nắng nóng nên hạn chế uống các loại nước ngọt, vì những thức uống này có thể làm cơ thể nóng lên.
Thận trọng khi uống nước quá lạnh với lượng lớn khi đang đi dưới trời nắng nóng vì có thể làm thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, mạch máu sẽ co lại làm khó thoát nhiệt hơn
Theo đó, nắng nóng nên uống nước lọc với lượng trung bình khoảng 1,5-2 lít/ngày/người hoặc nhiều hơn tùy theo nhu cầu và cường độ vận động cơ thể.
Ngoài ra, mùa nóng nên dùng nhiều rau xanh và các loại trái cây, ưu tiên loại nhiều nước và ít ngọt như cam, quýt, bưởi, thanh long... Ăn nhiều canh, nước súp nấu từ các loại rau củ.
Các loại "nước mát" như nước sâm... không có tác dụng giải nhiệt được nhiều, thậm chí nếu uống ngọt bằng cách cho nhiều đường thì còn có tác dụng ngược lại làm cơ thể nóng hơn. Ngoài ra, những loại nước này không để lâu được vì dễ ôi thiu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận