"Nhiệt độ cao phá kỷ lục, lũ lụt, cháy rừng và mưa lớn đang tàn phá thế giới. Đó chỉ mới là bắt đầu", Đài CBS (Mỹ) chạy dòng tít đáng chú ý hôm 14-7, khi nắng nóng gay gắt và lũ lụt nghiêm trọng càn quét khắp thế giới trong tuần này, khiến hàng triệu người gặp nguy hiểm.
Nắng nóng đã là "bình thường mới"
Trong đó, nắng nóng là một trong những mối đe dọa chết chóc nhất đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Miền tây nam nước Mỹ đang hứng chịu cái nóng khắc nghiệt nhiều ngày qua.
Các khuyến cáo đề phòng nắng nóng cực đoan đã được gửi tới khoảng 100 triệu người dân Mỹ khi Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) cảnh báo thời tiết đặc biệt nguy hiểm tại các bang Arizona, California, Nevada và Texas.
TS Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu tại ĐH California ở Los Angeles (UCLA), cho biết nhiệt độ tại Thung lũng Chết ở Mỹ có thể bằng hoặc vượt qua kỷ lục về nhiệt độ không khí nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái đất.
Theo dữ liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Thung lũng Chết đã ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục 56,7oC vào năm 1913, còn mức nhiệt ở thung lũng này từ năm 2020 - 2021 là 54,4oC.
Trong khi đó, một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan, cũng đang trải qua đợt nắng nóng cực đoan. Cơ quan Vũ trụ châu Âu cảnh báo nhiệt độ có thể tăng lên 48oC trên các đảo Sicily và Sardinia của Ý và đây "có thể là nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu".
Nhiệt độ cao tại châu Âu có một phần nguyên nhân là do đợt nắng nóng Cerberus đang di chuyển xuyên lục địa từ sa mạc Sahara ở phía bắc châu Phi qua. Du khách Balint Jolan, (24 tuổi) người Hungary, nói với Hãng tin AP về thời tiết nóng tại châu Âu: "Giống như đang ở châu Phi".
Trong khi đó Bắc Phi cũng đang nóng như thiêu. Cơ quan Khí tượng Morocco đã phát cảnh báo đỏ về nắng nóng cực đoan đối với các khu vực phía nam nước này.
Tại châu Á, một số khu vực của Trung Quốc, gồm cả thủ đô Bắc Kinh, cũng đang trải qua cái nóng ngột ngạt. Một công ty điện lực lớn của Trung Quốc cho biết sản lượng điện trong một ngày của họ đã đạt mức cao kỷ lục đầu tuần này.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhận định thời tiết cực đoan "đang trở thành tình trạng bình thường mới".
Tăng cường biện pháp chống nhiệt
Tháng 6 vừa qua là tháng nóng nhất của thế giới tính đến nay theo ghi nhận của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Cái nóng như thiêu đốt làm dấy lên lo ngại về tác động đến sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi.
Theo WMO, nắng nóng quá mức là một trong những nguyên nhân thời tiết gây tử vong nhiều nhất với con người. Nghiên cứu gần đây cho thấy hơn 61.000 người đã chết vì các nguyên nhân liên quan nắng nóng trong suốt mùa hè nóng kỷ lục năm 2022 ở châu Âu.
Theo các nhà khoa học, nắng nóng kỷ lục gần đây là dấu hiệu của biến đổi khí hậu. Yếu tố góp phần làm nhiệt độ cao hơn trong năm nay có thể là El Nino.
Hiện tượng thời tiết này xảy ra với chu kỳ từ 2 - 7 năm một lần, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn mức trung bình ở trung tâm và phía đông Thái Bình Dương gần Xích đạo. El Nino thường kéo dài từ 9 - 12 tháng.
Ông Petteri Taalas cảnh báo El Nino "sẽ làm tăng đáng kể khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ và gây ra cái nóng cực đoan hơn ở nhiều nơi trên thế giới". Ông kêu gọi chính phủ các nước "huy động các biện pháp chuẩn bị để hạn chế tác động đối với sức khỏe, hệ sinh thái và nền kinh tế của chúng ta".
Tại châu Âu, giới chức một số nước đang chuẩn bị các biện pháp khẩn cấp, cảnh báo qua điện thoại di động, điều chỉnh giờ làm việc... để đối phó nắng nóng. Hôm 14-7, Hy Lạp đã phải tạm đóng cửa thành cổ Acropolis - điểm du lịch hàng đầu ở Athens, khi dự báo nhiệt độ sẽ lên tới 40oC và một số du khách đã bị ngất xỉu.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo 5 năm tới sẽ là thời kỳ nóng nhất từng được ghi nhận khi khí nhà kính và hiện tượng El Nino kết hợp với nhau làm cho nhiệt độ tăng vọt.
Nơi nắng nóng, nơi mưa lũ
Trong khi có những nơi bị nắng nóng thiêu đốt thì lại có những nơi hứng chịu mưa lũ nghiêm trọng. Tại Hàn Quốc, đã có ít nhất bảy người chết và hàng ngàn người phải sơ tán vì mưa lớn.
Trong khi đó lũ quét đã tàn phá nhiều vùng của Trung Quốc trong các tuần qua, trong đó hơn 40.000 người phải sơ tán ở tỉnh Tứ Xuyên, và nhiều xe cộ bị ngập trong lớp bùn nâu dày đặc trên đường phố ở Trùng Khánh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận