27/03/2024 11:20 GMT+7

Nắng nóng còn kéo dài, giữa tháng 5 mới bắt đầu mùa mưa

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo nắng nóng, nền nhiệt cao sẽ còn tiếp diễn. Mùa mưa năm nay đến muộn hơn trung bình nhiều năm khoảng nửa tháng.

Ông Lê Ngọc Quyền phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Lê Ngọc Quyền phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sáng 27-3, tại Trường đại học Cần Thơ diễn ra hội thảo "Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long" do báo Tiền Phong tổ chức.

Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Quyền - giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - đã thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn đến thời điểm hiện tại và diễn biến trong thời gian tới ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Quyền, đến nay đã ghi nhận mức độ xâm nhập mặn ở Tiền Giang, Bến Tre cao hơn so với năm 2016. 

Cụ thể, tại Bến Tre mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền 69km, còn tại Mỹ Tho (Tiền Giang) độ mặn đo được vào ngày 12-3 là 6,8‰, cao hơn cao điểm mặn của năm 2016 chỉ 3,9‰.

Các tỉnh còn lại như Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau độ mặn đo được phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng thấp hơn so với độ mặn hai năm 2016 và 2020.

Xu thế thủy văn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 và tháng 5 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, tháng 6 đến tháng 8 sẽ xấp xỉ và từ tháng 9 tới tháng 10 mới cao hơn trung bình nhiều năm.

Trong khi đó, ông Quyền cho biết mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5, muộn hơn trung bình nhiều năm thường diễn ra vào cuối tháng 4, đầu tháng 5. Từ nay tới tháng 4 ít xuất hiện mưa, nắng nóng vẫn tiếp tục diễn ra, nền nhiệt cao. Trong tháng 4 và tháng 5 vẫn có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng.

"Để giảm thiểu thiệt hại do khô hạn, khả năng ít có mưa trái mùa, nguồn nước trên sông Mekong thấp, cộng với nguyên nhân khác như triều cường có thể làm xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đã liên tiếp chỉ đạo các đài tỉnh ra các bản tin dự báo, cảnh báo, tham mưu các địa phương bố trí mùa vụ, cây trồng tránh thiệt hại do thiếu nước sinh hoạt, sản xuất.

Đồng thời tham mưu các đơn vị vận hành hệ thống cống ngăn mặn, ngăn triều đưa ra quy trình vận hành hiệu quả", ông Quyền nói.

50.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Ông Lê Bá Hoằng - viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thông tin về thiệt hại do hạn, mặn cho tới thời điểm hiện nay - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Lê Bá Hoằng - viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam - thông tin về thiệt hại do hạn, mặn cho tới thời điểm hiện nay - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại hội thảo, ông Lê Bá Hoằng, viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho biết tính đến nay hạn, mặn đã gây thiệt hại 31ha lúa thuộc huyện Long Phú (Sóc Trăng), đây là diện tích canh tác ngoài khuyến cáo của địa phương.

Còn đối với 1,5 triệu hecta lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã thu hoạch đạt 69%, số còn lại đang trong giai đoạn chín và chỉ có khoảng 20.000ha có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo ông Hoằng, hiện nay có khoảng 50.500 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Ông Hoằng thông tin về nước sinh hoạt nông thôn, từ nguồn vốn trung hạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có dự án đầu tư cấp nước cho 7 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (trừ Tiền Giang) với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng.

Theo đó sẽ cấp nước cho 132.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt mùa khô. "Sau khi được đầu tư sẽ giải quyết phần nào tình hình thiếu nước sinh hoạt như hiện nay người dân đang đối mặt", ông Hoằng nói.

Xâm nhập mặn: Không phải chuyện một sớm một chiềuXâm nhập mặn: Không phải chuyện một sớm một chiều

TTCT - Hằng năm, nước mặn từ biển vẫn chảy vào sông Mekong trong hệ thống nước tự nhiên của đồng bằng này, nhưng tình trạng xâm nhập mặn chưa bao giờ nghiêm trọng như khoảng năm năm trở lại đây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp