Phóng to |
Một giường bệnh tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: T.Dương |
10g sáng 10-5, rất nhiều bà mẹ bế con đứng ngồi khắp hành lang khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Chị H., ngụ ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, vừa quạt cho con vừa than: “Trong phòng ngột ngạt lắm, phải bế bé ra đây cho mát”...
50 người trong phòng bệnh hơn 10m2
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, khi thấy trẻ có một trong những triệu chứng bất ổn sau ở đường hô hấp cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay: trẻ tím tái, bỏ bú hoặc bú kém (ở trẻ dưới hai tháng tuổi), trẻ không uống được, trẻ ngủ li bì khó đánh thức, co giật, thở có tiếng rít (trẻ trên hai tháng tuổi). |
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các phòng bệnh của khoa hô hấp, giường ít bệnh nhân nhất cũng có ba trẻ và giường nhiều bệnh nhất được xếp đến 6 trẻ/giường. Các bà mẹ cho biết sắp xếp vậy thôi chứ một giường không thể đặt cả sáu trẻ lên nằm được. Do vậy, một nửa số trẻ sẽ được các bà mẹ tự nguyện ẵm ra ngủ hành lang, nửa còn lại ở trong phòng.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết một trong những nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng nhiều là do nắng nóng kéo dài. Dù hai tuần trước thời tiết cũng nắng nóng nhưng chỉ có khoảng 180 trẻ nằm điều trị/ngày, cao lắm cũng chỉ 210 trẻ/ngày. Thế nhưng, ngày 10-5 số bệnh nhi nằm điều trị tại khoa đã tăng vọt lên 245 trẻ/ngày. Giường bệnh trong khoa chỉ đủ cho 90 trẻ, vì thế 55 giường còn lại phải chứa 210 cháu.
Trong khi đó tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, bác sĩ Võ Văn Tiến, phó giám đốc bệnh viện, cho biết số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi đã tăng khoảng 200 bệnh nhân/ngày so với những ngày bình thường với các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Đa số bệnh nhân đến khám mắc các triệu chứng như sốt, đau họng, khàn tiếng đột ngột...
Nên uống nhiều nước
Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho rằng thời tiết nắng nóng làm cơ thể dễ bị mất nước, do vậy cơ chế bảo vệ tại chỗ của cơ thể bị giảm. Để giải nhiệt, nhiều người thường sử dụng những biện pháp như nằm quạt, nằm máy lạnh, uống nước đá lạnh, nhưng nếu sử dụng không hợp lý như để máy lạnh và quạt thổi thẳng vào người sẽ làm sức đề kháng cơ thể tiếp tục giảm, dễ bị siêu vi, vi trùng tấn công gây bệnh, nhất là trẻ em. Hiện nay, bệnh nhi trong khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 chủ yếu mắc bệnh viêm đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Bác sĩ Anh Tuấn lưu ý không nên để quạt thổi vào một vị trí cố định trên người trẻ. Nhiệt độ máy lạnh nên để từ 24-26 độ hoặc thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 8OC. Khi đang đi ngoài đường nắng nóng không nên vào ngay phòng máy lạnh hoặc ngồi quạt mà cần phải lau mồ hôi trước, tránh nhiễm lạnh đột ngột. Các gia đình cũng nên thường xuyên mở cửa phòng, làm vệ sinh phòng vì nếu sử dụng máy lạnh mà đóng cửa im ỉm cả ngày thì mầm bệnh có thể phát triển.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Trãi, khuyên người lớn và trẻ em nên uống nhiều nước để tránh mất nước đồng thời tạo độ ẩm cho đường hô hấp, bảo vệ đường hô hấp, dùng những loại trái cây có tính giải nhiệt như nước cam, nước chanh..., không nên lạm dụng nước đá vì sẽ gây lạnh đột ngột ở vùng họng gây bệnh.
Sơ cứu cho người say nắng Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, trước tiên cần đưa người say nắng vào nơi râm mát, nới rộng đồ cho thoáng, sau đó nên cho uống một ly nước chanh có đường để giải nhiệt, có thể uống thêm một viên thuốc Paracetamol. Thường người say nắng sẽ tự hồi tỉnh, tuy nhiên có những trường hợp dù đã được chăm sóc như hướng dẫn trên nhưng tình trạng say nắng vẫn không cải thiện thì cần đưa nạn nhân đến bệnh viện để được điều trị. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận