24/07/2022 14:36 GMT+7

Nắng như đổ lửa, vùng Tân Cương ở Trung Quốc lo lũ quét và vỡ đập

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng Tân Cương chỉ có sa mạc, khu tự trị của Trung Quốc còn có một số sông băng trên các dãy núi hiểm trở. Khi nhiệt độ tăng, sông băng sẽ tan chảy gây ra các trận lũ quét, thậm chí vỡ đập thủy điện.

Nắng như đổ lửa, vùng Tân Cương ở Trung Quốc lo lũ quét và vỡ đập - Ảnh 1.

Phần lớn diện tích của Tân Cương là sa mạc - Ảnh: XINHUA

Bà Chen Chunyan, chuyên gia trưởng của Đài quan sát khí tượng Tân Cương, cho biết đợt nắng nóng năm nay ở Tân Cương đặc biệt kéo dài và lan rộng.

Ngày 23-7, cơ quan khí tượng Tân Cương đã gia hạn cảnh báo đỏ cho khu vực - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo nhiệt ba cấp.

Nhiệt độ ở thành phố ốc đảo Turpan đạt 45,8 độ C lúc 17h ngày 23-7. Cơ quan này cũng dự báo nhiệt độ ở Kashgar, Hotan, Aksu và Bazhou có thể vượt quá 40 độ C trong 24 giờ tới.

"Nhiệt độ cao liên tục đã đẩy nhanh quá trình tan băng ở các khu vực miền núi và gây ra các thảm họa thiên nhiên như lũ quét, lở đất ở nhiều nơi", Hãng tin Reuters trích lời bà Chen cho biết thêm.

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc trước đó một ngày cho biết băng tan ở Tân Cương có nguy cơ cao gây vỡ đập nằm trên một nhánh của sông Aksu gần biên giới Trung Quốc với Kyrgyzstan.

Những đợt nắng nóng như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt là bông, một loại cây cần nhiều nước, bà Chen cảnh báo thêm. Tân Cương chiếm khoảng 20% sản lượng ​​bông trên thế giới.

Trước đây Tân Cương chủ yếu được biết đến là nơi có nhiều sa mạc. Trên thực tế, đây còn là nhà của các dãy núi cao chạy dọc theo biên giới Trung Quốc với các nước láng giềng. 

Những ngọn núi như Tian Shan, Pamirs, núi Kunlun và Karakoram của Tân Cương đang dần được nhiều người biết đến nhờ làn sóng du lịch nội địa.

Trong đợt nắng nóng năm nay, Tân Cương không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhiều nơi ở Trung Quốc đang như trong lò lửa vì cái nóng mùa hè trên mức bình thường kể từ tháng 6. Một số nhà khoa học giải thích đợt nắng năm nay là do biến đổi khí hậu.

Tính đến chiều 23-7, 84 cảnh báo đỏ vẫn còn hiệu lực trên khắp Trung Quốc, chủ yếu ở Tân Cương và các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến.

Thời tiết quá nóng đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện để làm mát nhà ở, văn phòng và nhà máy. Ở các vùng nông nghiệp, nắng nóng gây hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều người lo sản lượng nông sản giảm sút.

Tân Cương có tên gọi chính thức là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, là đơn vị hành chính có diện tích lớn nhất Trung Quốc (hơn 1,6 triệu km2) với dân số khoảng 25 triệu người. Khu vực có con người sinh sống chiếm chưa đầy 10% diện tích Tân Cương.

Vùng đất này nằm sâu trong lục địa ở phía tây bắc Trung Quốc, giáp với Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ.

Nóng như thiêu đốt ở Trung Quốc, 84 thành phố phát cảnh báo cao nhất Nóng như thiêu đốt ở Trung Quốc, 84 thành phố phát cảnh báo cao nhất

TTO - Theo báo South China Morning Post, hàng chục thành phố tại Trung Quốc đang trải qua cái nóng như thiêu đốt. Trời nắng đến mức làm nóng chảy gạch ngói trên mái của một số tòa nhà và mặt đường.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp