Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về xin ý kiến thống nhất dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận làm cơ sở hoàn thiện trình cấp thẩm quyền quyết định.
Đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với mức vốn khoảng 32.200 tỉ đồng
Dùng vốn nhà đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc
Dự án được liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty cổ phần Tasco đề xuất triển khai.
Phạm vi nghiên cứu chính là toàn tuyến cao tốc dài 91km từ TP.HCM đến Mỹ Thuận, các nút giao (liên thông và trực thông), các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí...
Căn cứ vào cơ sở pháp lý của dự án, nhà đầu tư đã tính toán, xây dựng các kịch bản đầu tư các đoạn tuyến TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận để từ đó lựa chọn phương án đầu tư tối ưu. Cụ thể là đầu tư từng đoạn độc lập hay ghép hai đoạn thành dự án; đầu tư công hay theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Qua kết quả nghiên cứu, nhà đầu tư kiến nghị phương án tối ưu là đầu tư mở rộng toàn tuyến dài 91km trong giai đoạn năm 2024-2028. Dự án đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không có vốn ngân sách nhà nước tham gia.
Điểm đầu dự án tại nút giao Chợ Đệm thuộc địa phận TP.HCM. Điểm cuối là nút giao An Thái Trung thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang.
Đoạn TP.HCM - Trung Lương sẽ đầu tư nâng quy mô lên 8 làn xe hoàn chỉnh, hai làn dừng khẩn cấp. Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận với quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh và hai làn dừng khẩn cấp.
Theo Ban quản lý dự án 7, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 32.270 tỉ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 17 năm 4 tháng.
Mở rộng đường kết nối cao tốc
Dựa vào kết quả nghiên cứu của nhà đầu tư, việc đầu tư hoàn thiện hai tuyến đường Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm theo quy mô 8 làn xe là cần thiết, phù hợp với quy hoạch của địa phương cũng như kết quả dự báo nhu cầu giao thông. Đây là hai tuyến đường đô thị đang được UBND TP.HCM quản lý, khai thác.
Theo Luật PPP và Luật Đường bộ, dự án thực hiện đầu tư mở rộng hai tuyến nổi nêu trên theo phương thức PPP là không phù hợp theo quy định.
Ngoài ra, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản yêu cầu nghiên cứu đầu tư những hạng mục công trình trong phạm vi dự án để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của phương thức đầu tư và phương án tài chính.
Do đó, Ban quản lý dự án 7 đề nghị UBND TP.HCM và Sở Giao thông vận tải TP.HCM xem xét, sớm có ý kiến thống nhất là TP.HCM sẽ thực hiện đầu tư hoàn thiện hai tuyến đường Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm với quy mô 8 làn xe bằng nguồn vốn phù hợp.
Việc mở rộng hai tuyến này cần được hoàn thành trong giai đoạn năm 2024 - 2028 để đảm bảo kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư của toàn tuyến cao tốc.
Tuyến cao tốc cửa ngõ phía Đông đang triển khai ra sao ?
Trong khi tuyến cao tốc cửa ngõ phía Tây của TP.HCM đang được triển khai nghiên cứu đầu tư thì hiện nay tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang thực hiện các thủ tục.
Tại kỳ họp 18, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú đến đường vành đai 2) từ 4 làn xe lên 8 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư 938,9 tỉ đồng.
Ngoài ra, đoạn cao tốc chính dài 22km từ TP.HCM đến Long Thành cũng đang được xem xét mở rộng lên quy mô 8-10 làn xe.
Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 14.955 tỉ đồng. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đề xuất giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện dự án.
Nếu thủ tục được phê duyệt thuận lợi, việc chuẩn bị đầu tư sẽ hoàn thành trước tháng 2-2025, với mục tiêu khởi công vào tháng 3-2025 và hoàn thành vào cuối năm 2027.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận