14/11/2015 19:01 GMT+7

Nâng độ tuổi trẻ em sẽ làm tình hình thêm phức tạp?

MAI HƯƠNG ghi
MAI HƯƠNG ghi

TTO - Quy định nâng độ tuổi trẻ em lên 18 thay cho độ tuổi 16 đã vấp phải ý kiến e ngại của nhiều đại biểu Quốc hội.

Trong phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) sáng 13-11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu kỹ về việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 vì nhiều vụ trọng án có thủ phạm là người dưới 18 tuổi đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, pháp lý thì nay quy định như vậy càng phức tạp hơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, một số cử tri và người dân không tán thành với việc nâng độ tuổi trẻ em.

Thầy Trương Văn Vỹ - giảng viên xã hội học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM: 
Người trẻ không thích bị làm “trẻ em” lâu 

Ngày nay, điều mà ai cũng nhìn thấy là tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa. Có nhiều vụ trọng án gây ra bởi những người còn quá trẻ, dưới 16 tuổi khiến dư luận bức xúc khi pháp luật không thể áp dụng khung hình phạt nặng cho những đối tượng này.

Nếu tăng độ tuổi trẻ em, tôi e rằng tình hình sẽ càng phức tạp thêm khi tội phạm vị thành niên gia tăng. Nghiên cứu kỹ về xã hội học tội phạm, có thể thấy nhiều tội phạm trẻ ý thức rất rõ những khoảng hở của pháp luật, hiểu rõ khi phạm tội ở lứa tuổi nào thì bị xử lý ở khung hình phạt nào. Khi hình phạt đã không đủ sức răn đe thì nguy cơ gia tăng những hành vi trái pháp luật hoàn toàn có thể xảy ra.

Xét dưới góc độ tâm lý, những người trẻ rất thích khẳng định mình. Họ sẽ không thích bị xem là trẻ con lâu như thế. Chưa kể với đặc điểm, truyền thống của các gia đình Việt Nam là hay bảo bọc con cái quá mức thì việc nâng tuổi trẻ em lên càng góp phần tạo nên thế hệ của “những đứa trẻ mãi không chịu lớn”. Điều này ảnh hưởng lớn tới việc hình thành nhân cách, tính chủ động, sáng tạo, tự chủ của người trẻ.

Chị Đặng Thị Hàn Ni - thạc sĩ luật học: 
Nếu điều chỉnh quy định về tuổi trẻ em, phải sửa tất cả các luật cho thống nhất

Độ tuổi nào được gọi là trẻ em? Vấn đề này hiện nay mỗi luật quy định mỗi khác. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định độ tuổi của trẻ em là dưới 16. 

Bộ luật dân sự quy định 18 tuổi trở lên mới là người thành niên; Bộ luật hình sự lại quy định người 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội. Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phạm tội giao cấu với trẻ em; mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi đều phạm tội hiếp dâm trẻ em.

Trong khi đó, Bộ luật lao động quy định người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi; Luật thanh niên quy định thanh niên là từ 16 - 30 tuổi.

Song song đó, trong một số luật khác cũng có những quy định dẫn đến cách hiểu không thống nhất về trẻ em. Ví dụ như tại điều 30 Luật giao thông đường bộ có đề cập đối tượng “trẻ em dưới 14 tuổi”... Quy định như vậy có thể hiểu trẻ em là người dưới 14 tuổi.

Như vậy, những người dưới 16 tuổi này có được gọi là trẻ em không, hay dưới 14 tuổi mới gọi là trẻ em? Nếu điều chỉnh quy định về tuổi trẻ em thì cần phải sửa tất cả các luật cho thống nhất.

Trở lại với đề xuất nâng độ tuổi trẻ em. Có thể chuyện nâng độ tuổi trẻ em là để phù hợp với công ước quốc tế nhưng tôi cho rằng điều này không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm của xã hội Việt Nam.

Luật hôn nhân gia đình cho phép nữ 18 tuổi trở lên đã có thể lập gia đình. Nhiều ý kiến còn đề xuất hạ tuổi kết hôn đối với nữ trước thực trạng trẻ em dậy thì ngày càng sớm và có thai khi mới 15-16 tuổi.

Nếu quy định tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi thì sẽ có trường hợp một đứa trẻ gái hôm nay còn là trẻ em, được đối xử như “trẻ em”, ngủ một đêm thức dậy bước qua tuổi 18 thì bỗng trở thành người có thể lấy chồng, có con - tức là sinh ra “trẻ em”.

Như vậy là thiếu đi một quá trình chuyển đổi, thiếu một “bước đệm” để các em thích nghi với giai đoạn mới của cuộc đời. Nếu tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi thì phải nâng tuổi kết hôn lên 20 tuổi. Như  vậy cũng không ổn vì ngày nay trẻ em dậy thì ngày càng sớm hơn.

Chị Quan Gia Bình - phó giám đốc nhà khách Văn phòng B Tổng liên đoàn Lao động VN tại TP.HCM: 
Đừng tạo ra một lớp trẻ thụ động, ỷ lại

Tôi là mẹ của hai đứa trẻ, bản thân từng công tác tại nước ngoài. Tôi nhận thấy con mình và nhiều trẻ em Việt Nam khác so với trẻ con ở nước ngoài thì vẫn còn rất thụ động, hay ỷ lại, lệ thuộc vào bố mẹ - ngay cả với những việc đơn giản mà chúng có thể tự làm, tự quyết định.

Điều này xuất phát từ cách giáo dục của nhà trường, cách chăm con của bố mẹ trong gia đình và cách mà xã hội đối đãi với bọn trẻ. Tôi cho rằng muốn chăm lo tốt hơn cho thế hệ trẻ không phụ thuộc vào việc nâng tuổi trẻ em. Đó chỉ là hình thức.

Thiếu gì cách để chăm lo thiết thực hơn cho các em: trang bị kỹ năng, kiến thức, tạo điều kiện cho các em thể hiện hết khả năng, phát triển hết năng lực và trao cho các em quyền tự quyết. Đó mới là chìa khóa để tạo ra một thế hệ trẻ có suy nghĩ độc lập, biết sáng tạo thay vì một lớp trẻ thụ động, ỷ lại.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - trưởng khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM:
Trẻ em ở Việt Nam cần được nhìn nhận và đối xử công bằng

Việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 cần phải được nhìn nhận dưới góc độ khoa học và tuân thủ những cơ sở nhất định. Bên cạnh yếu tố phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, còn phải đảm bảo sự thống nhất về việc chịu trách nhiệm đối với hành vi với độ tuổi liên quan; sự đảm bảo tương thích với những điều kiện chung của thế giới; đảm bảo sự cân bằng trong tầm nhìn chung về tâm lý, sinh lý lứa tuổi trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc nâng độ tuổi trẻ em không thể không dẫn đến những lo lắng trăn trở về một số nguy cơ. Chẳng hạn như hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, giáo dục, văn hóa, trợ giúp xã hội hiện nay liệu có đủ để đảm đương? Bên cạnh đó, những  hành vi lệch chuẩn của trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi có thể sẽ gia tăng tự nhiên hay thậm chí có nguy cơ bộc phát mạnh.

Ngoài ra, còn có những hệ lụy tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý hay thói quen xã hội. Gia tăng độ tuổi trẻ em sẽ khiến cha mẹ cho rằng mình có quyền bảo bọc con, có quyền chăm sóc con cũng như áp đặt con lâu hơn, dẫn đến làm giảm tính tự lập ở trẻ, giảm đi sự độc lập và nhu cầu khẳng định bản thân của người trẻ.

MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp