Lê Thị Trang trở thành chỗ dựa cho người chồng sau khi bị nạn và mẹ chồng bị mù lòa - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Cứ sau mồng 1 và ngày rằm, người dân ở Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng lại thấy Lê Thị Trang chạy xe đi gom nhưng bông hoa cúc mà người ta mới cúng xong, bỏ đi. "Nhà em dựa vào những bó hóa vứt đi như thế này đó" - Trang chia sẻ.
Từ những bông hoa bỏ đi
Sau khi chở mẹ chồng bị mù là bà Phạm Thị Liệu đến Hội người mù quận Liên Chiểu để bà làm việc, Trang chạy xe trên các tuyến phố để thu gom những bông hoa cúc vàng còn tươi.
Trang phân trần, 4-5 tháng trước, chị Trịnh Thị Hồng - chủ một cơ sở sản xuất nước rửa chén sinh học từ các loại hoa đã đến chuyển giao cho Trang việc làm nước rửa chén sinh học. Hằng tháng, chị Hồng sẽ thu mua nước rửa chén này.
Chị Hồng chia sẻ, Trang này tính dễ thương lắm. Hội phụ nữ phường hỗ trợ thùng sản xuất chế phẩm sinh học nhưng mới được 1.000 lít nên nói Trang chờ để xin cho đủ 2.000 lít nhưng Trang nói để tự sắm. Phần dư đó các chị nhường cho người khác khó khăn hơn.
Sau khi được truyền nghề, cứ vào mồng một hoặc ngày rằm, Trang lại chạy xe khắp các cung đường để thu gom hoa. Hàng xóm gần nhà thì vác từng ôm hoa sang để trước cổng.
Để cho ra lò những chế phẩm sinh học này, Trang cho biết phải tuân thủ những quy định rất khắt khe, hoa rửa phải thật sạch, nếu không khi ủ lên men sẽ có mùi phải bỏ. "Mỗi tháng cũng được hơn 3 triệu đồng. Chi phí chỉ tốn tiền mua đường, hoa thì đi xin. Mà quan trọng hơn là có thời gian chăm cho ổng" - Trang chia sẻ.
Để nuôi người chồng tàn tật và người mẹ chồng mù lòa, suốt nhiều năm qua, Trang đã từ bỏ công việc công nhân để làm đủ nghề. Mấy năm trước, Trang mở quán cà phê nhỏ ở nhà vừa bán cà phê cóc để có người ra vô nói chuyện với chồng cho vui và có thêm thu nhập.
"Cà phê bán toàn cho khất nợ nên lỗ, mất vốn phải dẹp mất" - Trang nói. Rồi 2 vợ chồng rủ nhau bán thức ăn cho chim nhưng không hợp, chim chóc gặp mấy đợt dịch nên cũng "bể". Rồi Trang chuyển qua gia công vải cho người ta nhưng cũng phải bỏ.
Bà Liệu tâm sự, con Trang nó kiếm việc nhưng lúc nào cũng phải "tính" làm việc chi để có thể chăm sóc chồng nó. Bà Liệu nghẹn giọng: "Không có bé Trang chắc thằng Châu nó chết rồi. Mắt mũi tôi có thấy đường mô, hôm con Trang về quê ở Quảng Nam có đám giỗ, tôi đút cơm cho thằng Châu mà trật vô đầy cả mũi".
Còn cơ hội là còn hi vọng
Trước hiên, anh Phạm Châu - chồng Trang vẫn ngồi bất động trên xe lăn. Hai vợ chồng trẻ líu lo nói chuyện như thuở mới yêu nhau cách đây 8 năm về trước. Khi ấy, Châu còn là một thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh.
Còn Trang là một cô gái từ miền quê Đại Lộc ra Đà Nẵng làm công nhân thuê trọ gần nhà Châu. Tình yêu mới chớm nở thì anh Châu bị tai nạn giao thông. Khi hay tin Châu bị nạn, Trang vội chạy đến bệnh viện bởi bà Liệu bị mù lòa không biết đường đi. Thấy Châu nằm bất động trên giường bệnh, Trang sụp đổ hoàn toàn.
Bác sĩ hỏi Trang quan hệ gì với bệnh nhân, nếu là bạn còn được, còn yêu nhau phải chấp nhận khổ cả đời vì Châu bị liệt toàn thân. "Em chỉ biết thương thôi. Thương mẹ ảnh mù lòa, thương ảnh từ người khỏe mạnh giờ cận kề cái chết" - Trang chia sẻ.
Trang không làm công nhân nữa để chăm sóc Châu như nghĩa phu thê. Số tiền dành dụm suốt suốt nhiều năm làm công nhân của Trang gần 10 triệu đồng để chuẩn bị học nghề cũng theo những đơn thuốc chữa trị cho Châu.
Có lúc trong túi Trang không còn đủ 2.000 đồng gửi xe ở viện. Suốt 3 tháng trời ròng rã thức trắng đêm bên Châu, Trang tiều tụy đi hẳn. "Có đêm ngủ quên nên không nghiêng lưng của ảnh lại làm phía dưới lưng bị nằm lâu một chỗ nên lở loét lại. Em ân hận lắm, từ đó hết ngủ luôn" - Trang tâm sự.
Châu về nhà, Trang phải lo toan mọi công việc. Vết thương của Châu đau đớn tới mức anh đập đầu vào mà chết. "Số phận đã vậy rồi anh à. Giờ anh có khóc cũng không thay đổi được gì. Ở lại với mẹ, với em được ngày nào tốt ngày đó" - Trang động viên Châu.
Năm 2012, Trang làm đám cưới với Châu mà đúng ra đó là một bữa cơm gia đình được tổ chức với vỏn vẹn 3 mâm cơm. Chú rể mặc chiếc áo trắng ngồi trên xe lăn được che phần dưới bằng chiếc chăn mềm.
Cô dâu mặc chiếc áo trắng tinh. Mẹ của Trang dặn dò: "Mẹ cản tụi bay vậy nhưng nhìn hoàn cảnh thằng Châu mẹ thương quá. Tính con hay nóng, giờ có chồng rồi phải dịu dàng, đùm bọc nhau mà sống".
Nhìn cô dâu sau đám cưới phải đi trả chiếc áo trắng mượn của bạn mà xót xa. Trang bảo, lâu nay chỉ đi làm công nhân nên có mặc áo trắng bao giờ. Nào ai biết, để có cái đám cưới nhỏ ấy, bà Liệu phải đi vay của hội người mù 4 triệu đồng về tổ chức.
Từ ngày Châu tàn phế, Trang giúp chồng tập luyện nhưng anh vẫn vậy, vẫn chỉ ngồi một chỗ. Nhưng họ chưa bao giờ hết niềm tin. Vài tháng trước, nghe có đoàn bác sĩ nước ngoài về, họ dắt díu nhau đến bệnh viện với hi vọng kiểm tra tủy của Châu nhưng không kịp vì họ đã về. "Chỉ mong được 1 lần thể kiểm tra tủy cho ảnh xem còn cơ hội không thôi" - Trang hi vọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận