Có hồ Ba Bể là di tích quốc gia đặc biệt nhưng Bắc Kạn lại thuộc số những tỉnh đón ít khách du lịch nhất - Ảnh: NAM TRẦN
"Công chúa ngủ quên"
Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc vùng du lịch trung du miền núi Bắc Bộ; phía đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía nam giáp tỉnh Thái Nguyên và phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng.
Có tài nguyên thiên nhiên du lịch rất giàu có, từ thiên nhiên, văn hóa cho tới các di tích lịch sử cách mạng, Bắc Kạn lâu nay lại chỉ được biết tới là vùng trũng của du lịch cả nước giống như nhiều tỉnh Đông Bắc khác.
Tại Đại hội Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn lần thứ nhất nhiệm kỳ 2020-2025 vừa diễn ra tại tỉnh này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng báo tin vui: tỉnh này đã đón được…500.000 lượt khách du lịch vào năm 2019. Ông Hưng cho biết số khách du lịch đến Bắc Kạn vài năm nay năm sau đều cao hơn năm trước.
Bắc Kạn mới đón được 500.000 khách mỗi năm - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhưng cũng ngay tại đại hội này, ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - than rằng con số hơn 500.000 khách/năm mà Bắc Kạn đón được trong năm 2019 là con số "cực thấp". Với con số này, Bắc Kạn đang nằm trong số những tỉnh có số khách du lịch thấp nhất của cả nước.
So với chỉ riêng một điểm du lịch là chùa Bái Đính hay Tràng An (Ninh Bình) vốn cũng là du lịch sông nước, núi non, hang động, đền chùa như Ba Bể của Bắc Kạn, số khách du lịch của cả tỉnh này chỉ bằng 1/6 số khách đến 1 điểm du lịch Bái Đính hay Tràng An.
Ông Vũ Thế Bình khẳng định Bắc Kạn có tiềm năng du lịch rất lớn từ thiên nhiên đến văn hóa - Ảnh: NAM TRẦN
Khu du lịch hồ Ba Bể là di tích quốc gia đặc biệt, là khu du lịch trọng điểm của tỉnh nằm trong khu vực của Vườn quốc gia Ba Bể với nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp và độc đáo như Ao Tiên, Đảo Bà Góa, Đền An Mã, Động Puông, thác Đầu Đẳng, thác Tát Mạ, sông Năng; động Hua Mạ, động Nà Phoòng, hang Thẳm Kít, hang Thẳm Phầy… Vườn quốc gia Ba Bể đang trong quá trình phấn đấu trở thành Di sản thiên nhiên thế giới.
Điểm nổi bật nữa của Bắc Kạn là văn hóa của các dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao vẫn còn giữ được rất đặc sắc, với nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội Lồng tồng Ba Bể, chợ tình Xuân Dương, lễ hội Mù Là Pác Nặm… và nền văn hóa ẩm thực truyền thống rất đặc sắc.
Bắc Kạn còn có một hệ thống các di tích lịch sử cách mạng đã được công nhận như khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, điểm Bác Hồ dừng chân Nà Tu…
Theo ông Vũ Thế Bình, Bắc Kạn đang chưa làm tốt việc biến tài nguyên du lịch giàu có thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
"Tài nguyên không phải là thứ có thể bán ngay lập tức, phải xây dựng thành sản phẩm, đưa vào tour tuyến, phải quảng cáo. Những việc này đòi hỏi phải có đội ngũ những người làm du lịch và người quản lý du lịch giỏi.
Bắc Kạn đang thiếu điều này, nên Bắc Kạn dù ngồi trên đống tài nguyên du lịch giàu có nhưng hiện là một trong những tỉnh đón khách du lịch ít nhất. 500.000 khách du lịch một năm là con số cực ít", ông Vũ Thế Bình nói.
Phải bảo vệ bằng được cảnh quan, môi trường
Thăm Bắc Kạn hôm nay, du khách dễ dàng nhận thấy hạ tầng giao thông đã tốt hơn nhiều trong vài năm qua, dù vẫn cần được đầu tư thêm cung đường từ thành phố Bắc Kạn lên hồ Ba Bể.
Du khách cũng dễ dàng nhận ra số lượng cơ sở vật chất cho du lịch tăng lên, số phòng nghỉ có thể đáp ứng được cho những đoàn khách đông, nhiều đội văn nghệ địa phương đã hình thành, có thể giúp phục vụ cho du lịch.
Nhưng hạn chế của Bắc Kạn cũng chính nằm ở chỗ số lượng các nhà nghỉ, khách sạn, homestay đang tăng lên nhanh chóng, lộn xộn, thiếu quy hoạch xung quanh hồ Ba Bể.
Hồ Ba Bể đang bị bủa vây bởi nhiều cơ sở lưu trú bằng bêtông được xây dựng lộn xộn - Ảnh: T.ĐIỂU
Ông Vũ Thế Bình thừa nhận quá trình phát triển của du lịch thì hiển nhiên phải đầu tư nhưng phải làm sao để sự đầu tư ấy vẫn bảo vệ được môi trường, cảnh quan.
Ông dẫn ví vụ một số làng du lịch cộng đồng như Sin Suối Hồ ở Lai Châu vẫn giữ hoàn toàn nguyên vẹn thiên nhiên, đang trở thành điểm sáng của du lịch Tây Bắc, năm 2019 đón được 50.000 khách.
"Chỉ khi nào giữ được cảnh quan, đó mới là du lịch cộng đồng. Bắc Kạn nếu làm du lịch không khéo, chỉ lắp ráp bằng nhà cửa lộn xộn, xây dựng bừa bãi không có quy hoạch, dịch vụ lung tung… du lịch cộng đồng sẽ biến mất", ông Bình cảnh báo.
Theo ông, phát triển nhưng phải bảo vệ được môi trường và cảnh quan thiên nhiên là việc quan trọng nhất với các tỉnh miền núi nói chung và Bắc Kạn nói riêng. Nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ thì chỉ trong một thời gian rất ngắn cảnh quan và môi trường sẽ bị phá hoại.
Rất lo ngại khi vừa đi thăm hồ Ba Bể, nhìn thấy tình trạng xây dựng lộn xộn xung quanh hồ, ông Bình đưa ra cảnh báo Bắc Kạn phải bảo vệ cho được tài nguyên thiên nhiên hồ Ba Bể để đưa nó thành di sản thiên nhiên của thế giới. Lúc đó thì dân xung quanh có thể sống hoàn toàn bằng du lịch.
Ông "hiến kế" Bắc Kạn cần phải lập tức chấn chỉnh ngay tình trạng xây dựng lộn xộn, bêtông hóa xung quanh hồ Ba Bể hiện nay, đưa vào trong quy hoạch chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ về nghiệp vụ du lịch cho tất cả chủ đầu tư.
Ông Vũ Thế Bình nói việc cần làm ngay của Bắc Kạn là phải bảo vệ cho bằng được môi trường và cảnh quan hồ Ba Bể bằng kiểm soát chặt chẽ trật tự xây dựng - Ảnh: T.ĐIỂU
Việc Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn vừa được thành lập, theo ông Bình, đó là một tín hiệu tốt. Ông hi vọng tổ chức này sẽ làm tốt chức năng là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp làm du lịch với cơ quan quản lý nhà nước.
Hiệp hội phải bàn bạc, chọn từng việc chưa được của ngành du lịch tỉnh, kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết từng bước.
"Bắc Kạn đẹp, hay thế này, lại không xa Hà Nội (một vựa khách du lịch) mà không phát triển thì vô lý. Vấn đề là cán bộ và người dân có quyết tâm làm không thôi", ông Bình nói.
Ông Nguyễn Tuấn Linh - tân phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn - góp ý tỉnh này cần dựng lại hệ thống du lịch cộng đồng, tạo khu vui chơi cho khách - Ảnh: T.ĐIỂU
Dựng lại hệ thống du lịch cộng đồng, tạo khu vui chơi cho khách
Ông Nguyễn Tuấn Linh - tân phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn, cũng là một doanh nhân làm du lịch nổi bật ở Bắc Kạn - với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch ở Ba Bể đưa ra nhiều hạn chế cần khắc phục của Bắc Kạn hiện nay để có thể tạo được cú hích cho phát triển du lịch.
Đầu tiên là giao thông chưa tốt, việc tốn rất nhiều thời gian để du khách đi lên hồ Ba Bể là một hạn chế lớn.
Hai là các cơ sở lưu trú không đạt tiêu chuẩn. Vài năm trở lại đây, Bắc Kạn phát triển du lịch cộng đồng nhưng bà con mới chỉ biết dùng ngôi nhà của mình làm cơ sở lưu trú đón khách chứ chưa biết làm thế nào để tạo ra giá trị trong ngôi nhà đó, tăng trải nghiệm văn hóa cho khách.
Theo ông, Bắc Kạn cần phải xây dựng lại hệ thống du lịch cộng đồng. Ông dẫn ví dụ bản Pắc Ngòi trước kia xây dựng bản văn hóa du lịch cộng đồng nhưng sau một thời gian không chăm chút giờ "mất hết".
Bắc Kạn cũng đang rất thiếu các khu dịch vụ ăn chơi tiêu tiền cho khách, khách Việt đến Bắc Kạn không biết chơi, tiêu tiền ở đâu. Tỉnh cần phải có quy hoạch vùng lõi hạn chế xây dựng, và cho phép xây dựng các khu vui chơi giải trí ở bên ngoài vùng lõi và tích cực kêu gọi đầu tư.
Một điểm hạn chế nữa cần khắc phục của du lịch Bắc Kạn là cán bộ du lịch của tỉnh còn yếu kém nghiệp vụ.
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận