10/11/2017 09:12 GMT+7

Nâng chất đơn vị sự nghiệp công

PGS.TS NGUYỄN VĂN XA
PGS.TS NGUYỄN VĂN XA

TTO - LTS: PGS.TS Nguyễn Văn Xa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý công sản, vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết nêu giải pháp về tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nâng chất đơn vị sự nghiệp công - Ảnh 1.

Để tăng hiệu quả, cần cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong ảnh: Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa (Thanh Hóa)

Việc rà soát sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành là việc rất cần thiết để đảm bảo cho cơ sở xã hội hóa dịch vụ công hoạt động bình đẳng - công bằng và bền vững, mà cao hơn đó cũng là sự đòi hỏi của toàn bộ nền kinh tế quốc dân."

PGS.TS Nguyễn Văn Xa

Nguồn lực từ tài sản công, nguồn lực lao động chất lượng cao tại các đơn vị sự nghiệp công lập rất lớn, song thực trạng về chất lượng và hiệu quả hoạt động chưa tương xứng. Đó là một sự lãng phí lớn về nguồn tài chính cho phát triển.

Cổ phần hóa, thu gọn đầu mối

Vì thế, việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết và cấp bách. Điểm xuất phát là đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động tại lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ có đủ điều kiện thành doanh nghiệp, cổ phần hóa.

Các đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động ở lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao thì căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị mà chuyển thành doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đơn vị sự nghiệp. 

Theo đó, cần sớm tổ chức lại các ban quản lý dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương theo hướng cổ phần hóa. Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các viện thuộc các bộ, ngành, địa phương. 

Ví dụ: các viện nếu có tính chất hoạt động giống nhau thì thống nhất lại thành một viện; một số viện về cơ khí, công nghệ thì thống nhất lại thành một viện; các bộ, ngành thuộc khối quản lý tổng hợp thì chỉ nên có một viện...

Ở địa phương, không nên mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đều có một trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ mà nên thu gọn lại. Thực hiện cổ phần hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 

Mỗi bộ, ngành chỉ nên có một tờ báo và bỏ cách đọc báo ngành theo cơ chế phân phối, trên cơ sở đó mà sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, biên chế. Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp (trừ các trường đại học) trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng cổ phần hóa. 

Cần khẩn trương cổ phần hóa những trường đại học công lập được các địa phương thành lập những năm gần đây mà bản thân trường đó không đủ biên chế giáo viên, phải "thuê thầy mượn thợ" trên 50% khối lượng giảng dạy của trường.

Những đơn vị sự nghiệp được cổ phần hóa phải xây dựng cơ sở vật chất theo tiêu chí, tiêu chuẩn do Thủ tướng Chính phủ quy định tại quyết định số 1446/QĐ-TTg về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Khi thực hiện cổ phần hóa cần chú ý xác định giá trị đất đai và thương hiệu theo quy định của pháp luật.

Cần đổi mới bộ máy quản lý, xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các đơn vị sự nghiệp công. 

Ví dụ: định biên giáo viên trên đầu lớp hay đầu học sinh; định biên bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá trên một giường bệnh...; định biên ban giám hiệu trong hệ thống giáo dục - đào tạo, định biên lãnh đạo của các loại bệnh viện..., chứ không thể giao tự chủ về bộ máy và biên chế như nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25-4-2006. 

Bên cạnh đó, cần xây dựng định mức trang thiết bị làm việc cho từng đối tượng lao động đối với từng loại hoạt động sự nghiệp mà trước mắt là các trường học, bệnh viện công lập.

Thực hiện phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với trách nhiệm với xã hội và Nhà nước, mà cao nhất là trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công do Nhà nước giao. Đó là trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, trách nhiệm bồi thường vật chất trong các trường hợp làm thất thoát, lãng phí tài sản...

Nâng chất đơn vị sự nghiệp công - Ảnh 3.

Nguồn: TS Nguyễn Văn Xa - Đồ họa: N.KH.

Sửa luật để công bằng

Có thể nói cơ chế - chính sách thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công là cả một khối luật pháp thuộc nhiều lĩnh vực, đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn toàn diện và có lộ trình phù hợp. Cơ chế - chính sách - pháp luật được thực thi bởi những con người cụ thể. 

Trong khi đó, một đơn vị cung cấp dịch vụ công lại đang bị sự kiểm soát kiểm tra của nhiều ngành, nhiều cấp mà ở cấp nào cũng có chức năng đó, ví dụ kiểm tra, giám sát về môi trường, về an toàn thực phẩm, thuốc men, về đầu tư xây dựng, về sử dụng đất đai, về sử dụng lao động, về hạch toán, về thuế...

Trong một năm, mỗi ngành, mỗi cấp chỉ hỏi thăm một lần là đơn vị đã quá mệt rồi. Cá biệt không ít đơn vị còn sợ một số cơ quan có quyền lực do hằng quý phải báo cáo cơ quan đó theo quy định của pháp luật. 

Hệ thống pháp luật hiện hành quá phức tạp, ngay cả người làm luật, người thực thi pháp luật mà vẫn vi phạm những điều sơ đẳng nhất; vậy thì làm sao mà doanh nghiệp, đơn vị hoạt động dịch vụ công có thể tránh được những vi phạm nhỏ.

Vì thế, cần thiết phải sửa đổi hệ thống luật pháp theo hướng đơn giản, dễ làm, dễ hiểu và hiểu thống nhất, dễ kiểm tra, giám sát và minh bạch. Việc này cũng góp phần giảm công việc của bộ máy quản lý nhà nước.

PGS.TS NGUYỄN VĂN XA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp