Công nhân làm việc trong một nhà máy tại Đức - Ảnh: REUTERS
Đầu năm 2018, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông tin có trên 700 triệu lao động, công nhân tại các quốc gia đang phát triển vẫn còn sống trong hoàn cảnh nghèo khổ (mức sống khoảng 3,1 USD/ngày). Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự kiến sẽ còn đến 300 triệu lao động sống trong nghèo khổ trước năm 2019.
Con đường lắm chông chênh
Theo một công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016, có đến 83,5% lực lượng lao động của Thái Lan không thạo chuyên môn khiến cho khả năng cạnh tranh của lao động nước này thấp hơn các quốc gia trong khu vực bên cạnh chuyện thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động lành nghề. Do vậy sẽ dẫn đến rủi ro vì máy móc, lao động nước ngoài hoàn toàn có thể thay thế nhiều vị trí của họ.
Chia sẻ vấn đề trên, bà Vũ Thị Thu Hiền - giám đốc nhân sự, tác giả cuốn sách Những yếu tố nhà tuyển dụng quan tâm - cho biết: "Ở những quốc gia đang phát triển, AI (trí tuệ nhân tạo) đã len lỏi trong rất nhiều ngành nghề. Chỉ có điều chúng ta không để ý và không cảm thấy bị "đe dọa" trực tiếp do chi phí nhân công vẫn còn rẻ".
Trái với suy nghĩ của số đông, công nhân ở các quốc gia đã phát triển - những nơi được biết đến với mức thu nhập, chế độ phúc lợi xã hội tốt cho lao động - vẫn có nhiều trăn trở và thậm chí không mong muốn con cái đi theo con đường của cha mẹ chúng.
Có thể mượn câu chuyện từ Mỹ. Trang CNN (Mỹ) đã làm một phóng sự về cuộc sống của công nhân những vùng khác nhau tại Hoa Kỳ như Ohio, Wisconsin, Michigan... và đúc kết: Rất ít người muốn con cái đi theo nghề của cha mẹ.
"Nói thật lòng, tôi cố gắng hết sức hướng những đứa con của mình ra khỏi những công việc nhà máy" - ông Jeff Neibauer (60 tuổi, người từng gắn cả thời thanh xuân tại một nhà máy lớn ở tiểu bang Wisconsin) thẳng thắn nói. Đây cũng là chia sẻ của nhiều công nhân khác tại Mỹ. Lý giải của họ phần lớn do công việc chân tay đầy vất vả, tẻ nhạt và đôi khi các kíp trực quá dài... dù thừa nhận mức thu nhập của công nhân Mỹ không thấp.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh dù đã có những tiến triển nhất định trong việc hỗ trợ đời sống công nhân tại các quốc gia trên nhưng vẫn cần các chính sách tiếp tục tạo điều kiện để giới trẻ có công việc với thu nhập cải thiện, bền vững trong tương lai, tránh những hệ lụy đáng kể về mặt chính trị, kinh tế...
"Nhất là khi tự động hóa và công nghệ số đang xâm nhập vào cuộc sống chúng ta rõ rệt hơn bao giờ hết, kèm theo đó là những thử thách đáng kể, các chính sách vì thế cũng cần gắn liền những giải pháp thức thời" - ông Guy Ryder nói.
Nắm bắt điều này, nhiều quốc gia đã nỗ lực nâng cao chất lượng sống và cải thiện thu nhập, môi trường làm việc cho công nhân.
Đầu năm 2018, người lao động nói chung và giới công nhân cơ khí, luyện kim tại nhiều doanh nghiệp Đức đón nhận tin vui: họ có thể linh động chọn làm việc 28 giờ/tuần trong hai năm (giờ làm việc tiêu chuẩn tại đây là 35 giờ/tuần), hoặc làm đến 40 giờ/tuần nếu muốn tăng thu nhập. Song song đó, các doanh nghiệp tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng sẽ tăng lương 4,3% cho lao động từ tháng 4-2018, theo tờ Financial Times.
Tại Malaysia, công nhân trong nước được tăng mức lương tối thiểu (11-15%) từ năm 2016. Ngoài ra, chính phủ cũng nỗ lực tìm hiểu nhiều khía cạnh để đưa ra các gói bảo hiểm cho đối tượng công nhân vốn chịu nhiều rủi ro trong công việc.
Tại Mỹ, hàng triệu lao động được hưởng chế độ nâng lương ngoài giờ lẫn mức lương tối thiểu ở con số đáng kể từ cuối năm 2016. Đó là một trong những bước hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của chính phủ với lao động có thu nhập thấp và trung bình.
Trang bị robot thay thế công nhân
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Simon Matthews (tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn nguồn nhân lực Mỹ ManpowerGroup, phụ trách thị trường VN, Thái Lan và Trung Đông) cho biết đối với các quốc gia đang phát triển thì sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 với người lao động nói chung, công nhân (vốn có tính chất công việc lặp đi lặp lại) nói riêng là điều không thể tránh khỏi trong vòng 5-10 năm tới. Nhiều nơi đã trang bị robot thay thế công nhân, đặc biệt ở những đối tượng năng suất thấp và không ổn định.
Theo xếp hạng Đánh giá chỉ số xếp loại lao động (CWI) do ManpowerGroup tiến hành trên 75 quốc gia năm 2016, lao động VN đứng thứ 45/75 về năng suất lao động, 47/75 về chấp hành kỷ luật lao động...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận