22/05/2018 11:08 GMT+7

Nâng chất đời sống công nhân: Chồng chất nỗi lo 'cơm, áo, gạo, tiền'

QUANG PHƯƠNG - VŨ THỦY -  A LỘC
QUANG PHƯƠNG - VŨ THỦY - A LỘC

TTO - Cuộc sống công nhân luôn gắn liền với chuỗi ngày ở trọ và chồng chất nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Khi doanh nghiệp không có đơn hàng thường xuyên, họ lo bị thất nghiệp...

Nâng chất đời sống công nhân: Chồng chất nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong một nhà xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Dưới đây là những tâm sự của các công nhân chia sẻ cùng diễn đàn "Nâng chất đời sống công nhân" đang diễn ra trên Tuổi Trẻ.

Chị Nguyễn Kim Xuân (43 tuổi, quê Quảng Nam, công nhân may tại Bình Tân, TP.HCM):

23 năm làm công nhân, 23 năm bôn ba ở trọ

Học hết PTTH, tôi vào Sài Gòn làm công nhân. Tính ra thì ở quê 20 năm, ở Sài Gòn 23 năm. Bằng đó năm làm công nhân, lương mỗi năm nhà nước tăng bao nhiêu thì lương tôi tăng bấy nhiêu. 

Năm tăng 100.000 - 200.000 đồng, nhiều thì 300.000 đồng. Nhưng lương vừa tăng thì nhà trọ cũng tăng, đồ ăn, thức uống rồi tiền học của con tăng. 

Mấy năm nay làm lâu năm, nhiều kinh nghiệm nên chuyển lên làm chuyền trưởng, lương cũng đỡ hơn công nhân bình thường trong chuyền 1-2 triệu đồng nên mới gồng gánh nổi cho con học được cấp III ở thành phố, năm nay chuẩn bị vào đại học.

Nhưng lương chuyền trưởng là lương bao, không tính tăng ca, chẳng sung sướng gì vì tuần nào cũng tăng ca đều đều tới 8h30 tối mới ra khỏi xưởng, có khi tăng ca kín tuần. 

Công nhân thì biết tính chi tiêu thế nào gọi là đủ với không đủ. Chỉ biết liệu cơm gắp mắm, túi ít tiền thì tan ca ra chợ xổm mua mớ rau, miếng thịt ăn qua bữa, còn thì có bao nhiêu dành dụm lo tương lai cho con.

Từ lúc sinh con đến nay con đã học cuối cấp III, hai mẹ con chuyển qua không biết bao cái nhà trọ. Mấy năm trước con còn nhỏ chưa phải chi phí nhiều nên dành dụm gom góp được chút ít về quê cất cái nhà cho bố mẹ, lớn tuổi thêm chút nữa cũng tính về quê ở. 

Đến cả khoản bảo hiểm xã hội thì mỗi lần làm hay mua món gì lớn như làm nhà, mua xe máy đều tranh thủ lúc nghỉ việc, rút luôn khoản bảo hiểm xã hội một lần cộng dồn từ 6-7 năm đi làm góp thêm vào khoản dành dụm. 

Cuốn sổ mới hiện giờ chỉ đóng 2-3 năm gần đây, làm gì mà giữ được để lúc nghỉ làm có lương hưu.

Anh Nguyễn Bá Hải (45 tuổi, quê Quảng Nam, công nhân giày da ở quận 9, TP.HCM):

Bao nhiêu năm vẫn vậy

Vợ chồng tôi làm công nhân ngót nghét hơn 15 năm rồi, thấy đời sống công nhân vẫn cơ cực vậy, chẳng có gì thay đổi. Năm ngoái vợ tôi về quê cũng làm công nhân nhưng không phải tăng ca như ở đây. Nhờ vậy có thời gian lo cho con nhỏ. 

Giờ còn mình tôi trong Sài Gòn này, 7h sáng vào làm, tăng ca đến 8h30 - 9h rồi về nhà tắm rửa, ăn uống xong đi ngủ, chỉ có chủ nhật là đi làm về lúc 4h chiều, có thời gian đi siêu thị mua gạo, thịt, rau, muối... cho cả tuần.

Công nhân làm gì có ngày nghỉ. Mà có nghỉ cũng không biết đi đâu. Phòng trọ thì chừng 9m2, tối về mát trời bật quạt lên còn chịu được, chứ ban ngày không thể ở trong nhà được. 

Lương nhà nước quy định 4,2 triệu đồng thì công ty trả nhỉnh thêm một chút, lên 4,3 - 4,4 triệu đồng gọi là khuyến khích vậy thôi.

Nhà có hai đứa con, đứa lớn 12 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi, lo đủ thứ chuyện từ tiền học, tiền ăn, tiền sữa, lúc ốm đau... Không tăng ca thì lương chỉ chừng 4,5-5 triệu đồng làm sao đủ sống, đủ nuôi con.

Anh Nguyễn Trí Trung (30 tuổi, quê Bình Định, công nhân cơ điện tử tại Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM):

Trăm nỗi lo

Tốt nghiệp trung cấp ngành cơ điện tử, 25 tuổi, tôi làm công nhân tại một công ty trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Vợ tôi cũng là công nhân. Con gái gửi nhà trẻ.

Cả gia đình thuê phòng trọ chừng 12m2 gần Suối Tiên để ở. Thu nhập hai vợ chồng hằng tháng trên dưới chục triệu.

Xoay đi xoay lại: tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, tiền nhà trẻ cho con... Có tháng hết sạch.

Sợ nhất là đến ngày đóng tiền nhà trọ mà trong người hết sạch tiền, phải vay mượn bạn bè, khổ lắm!

Gần năm năm đi làm công nhân, tôi chỉ mong công ty có thật nhiều đơn hàng để chúng tôi được tăng ca.

Đơn hàng nhiều, chúng tôi tăng ca thì thu nhập cao hơn bình thường. Thu nhập có tăng mới cải thiện được đời sống gia đình.

Mời tham gia diễn đàn

Hưởng ứng Tháng công nhân năm 2018, báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn mang tên "Nâng chất đời sống công nhân" với mong muốn nhận được nhiều ý kiến, giải pháp, đề xuất, hiến kế từ bạn đọc để giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công nhân lao động trên cả nước.

Diễn đàn cũng là nơi nói về cuộc sống, những trăn trở, suy tư và mong muốn của người công nhân.

Mọi ý kiến đóng góp cho diễn đàn xin gửi về địa chỉ email: [email protected].

Nữ công nhân vào giảng đường đại học

TTO - Ba nữ sinh, ba hoàn cảnh, đến từ ba vùng đất khác nhau nhưng họ có một điểm chung là từng khoác lên mình màu áo công nhân, mưu sinh trong các khu công nghiệp.

QUANG PHƯƠNG - VŨ THỦY - A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp