Dù sản lượng thanh long tại một số địa phương rất lớn nhưng hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính không nhiều - Ảnh: BỬU ĐẤU
Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng nỗ lực để hướng tới một nền sản xuất sạch, vừa giúp giảm chi phí vừa giúp vấn đề xuất khẩu của doanh nghiệp được thuận lợi hơn.
Phải thay đổi tập quán canh tác
Ông Trần Vũ Đình Thi, phó giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết dù là đơn vị xuất khẩu lúa gạo thuộc tốp đầu ở An Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung nhưng Angimex luôn gặp khó trong việc tìm nguồn gạo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu. Nguyên nhân là vì tình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết của nông dân và doanh nghiệp dẫn tới chủng loại lúa gạo không đồng nhất, sử dụng phân bón không hợp lý và thiếu kiểm soát. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà nhập khẩu ngày càng khắt khe về vấn đề an toàn thực phẩm.
Để giải quyết vấn đề nan giải này, Angimex đã liên kết với nhiều nông dân và hợp tác xã ở các địa phương nhằm tạo ra vùng sản xuất sạch theo quy chuẩn, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp này cũng đã tìm hiểu và kết nối với hàng trăm nông dân của An Giang vào đội ngũ sản xuất lúa gạo theo phương án của công ty để đảm bảo lúa gạo đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, đi vào thực tế mới thấy cái khó là rất ít nông dân chịu "hợp tác" hạn chế ít phun thuốc và sử dụng phân bón theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chưa kể, tình trạng "phá cam kết" rất dễ xảy ra khi có biến động về giá cả.
"Để có đủ lượng lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất sang châu Âu luôn, chúng tôi lúc nào cũng thu mua lúa của nông dân cao hơn so với lúa sản xuất bình thường. Tuy nhiên, đến khi lúa giá cao, nhiều nông dân lại bỏ doanh nghiệp. Ngược lại cũng có doanh nghiệp ép giá nông dân, nhưng câu chuyện này không có ai đứng ra giải quyết", ông Thi kể.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Trịnh, chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho rằng nông dân cũng đã ý thức rõ hơn việc ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo những mặt hàng có thể đáp ứng được đầu ra theo yêu cầu của người mua hoặc các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sử dụng phân vô cơ vẫn còn là phương thức canh tác chủ đạo hiện nay và xu hướng này vẫn khó thay đổi trong tương lai gần.
Do vậy, việc xuất khẩu thanh long qua châu Âu, Mỹ hay các thị trường khó tính khác vẫn còn ít. Theo ông Trịnh, việc sử dụng phân vô cơ thường đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn, nhất là giai đoạn cần đốc trái và cho ra trái đẹp.
"Trong khi đó, thị trường châu Âu và Mỹ chủ yếu quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng hơn là mẫu mã. Vì vậy, muốn mở rộng thị trường xuất khẩu với loại trái cây này, nông dân phải thay đổi tập quán canh tác", ông Trịnh thừa nhận.
Nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thói quen dùng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật - Ảnh: CHÍ QUỐC
Đảm bảo đầu ra, nông dân sẽ thay đổi
Những năm gần đây, gạo Việt muốn vào thị trường Trung Quốc cũng tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong đó có tồn dư chất cấm ngày một cao hơn. "Mỗi nước có những quy định riêng. Gạo Việt được chấp nhận ở hai thị trường nói trên không có nghĩa cũng sẽ được xuất vào các thị trường khác", vị này cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Vina T&T, để đảm bảo đáp ứng đủ các đơn hàng từ nước ngoài, Vina T&T phải chăm chút và tạo ra những vùng trồng đảm bảo các hàng rào kỹ thuật mà thị trường đó đưa ra. Mỗi thị trường khác nhau có những hàng rào kỹ thuật khác nhau, nhưng nhìn chung xu hướng các thị trường đều khuyến khích canh tác bằng phân hữu cơ, sản xuất sạch.
Những sản phẩm công ty xuất đi đều có mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý... và doanh nghiệp phải liên kết và đảm bảo nông dân canh tác đúng tiêu chuẩn. "Trong xuất khẩu, nếu mình không theo sát và lỡ như chỉ vi phạm một sản phẩm thôi thì sẽ không chỉ ảnh hưởng và thiệt hại cho riêng mình mà còn ảnh hưởng đến cả nền nông nghiệp của đất nước. Bởi vậy, việc liên kết giám sát vùng trồng luôn được ưu tiên", ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng cho biết trong lúc nông dân tại Bình Thuận hay Tiền Giang bán thanh long rẻ như cho, thậm chí phải đổ bỏ, doanh nghiệp này lại không có đủ hàng để xuất khẩu. Bởi những sản phẩm này không đảm bảo chất lượng, không ở trong quy trình mà doanh nghiệp này kiểm soát nên không thể mua để xuất khẩu được.
"Nhu cầu xuất khẩu về trái cây nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung còn rất cao, vấn đề là chúng ta có tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường hay không mà thôi", ông Tùng nói.
Do đó, theo ông Tùng, nếu muốn thay đổi thói quen trồng cây bằng phân hữu cơ, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo được đầu ra cho bà con nông dân. Khi có đầu ra đảm bảo, chắc chắn nông dân sẽ làm theo.
"Nếu không có đầu ra cụ thể, nông dân sẽ lại phải lựa chọn cách thức canh tác sao cho năng suất cao để dễ bán cho các thương lái, thị trường dễ dãi không ổn định. Lúc đó, thói quen sử dụng phân và thuốc sẽ trở lại như cũ", ông Tùng khuyến cáo.
Quá phụ thuộc vào phân, thuốc
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong giai đoạn 2017 - 2020, lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng trung bình trong cả nước là 10,3 triệu tấn. Năm 2020, con số này là 10,23 triệu tấn, trong đó phân bón hóa học là 7,6 triệu tấn và phân bón hữu cơ 2,63 triệu tấn. Lượng phân bón sử dụng trung bình là 753kg/ha gieo trồng, cao hơn so với mức trung bình trên thế giới. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có lượng phân bón được sử dụng trung bình là 1.071kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước.
Những năm trước đây, số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu và sản xuất dao động trung bình trong khoảng 80.000 - 100.000 tấn/năm, trong đó lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu ước đạt khoảng 15.000 - 16.000 tấn/năm. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 50%, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu để xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu chiếm khoảng 30% và khoảng 20% được bảo quản trong kho và lưu thông trên thị trường.
Nhiều mô hình giảm sử dụng phân, thuốc
Ông Lê Quốc Điền, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết ngành nông nghiệp địa phương này đang chuyển dần sang các mô hình ít sử dụng phân bón hoặc chỉ sử dụng phân hữu cơ và hướng đến không phun xịt thuốc trừ sâu.
Cụ thể như mô hình lúa - tôm sinh kế cho người dân vùng lũ, luân canh 1 vụ lúa đông xuân - 1 vụ tôm càng xanh bằng cách làm mới luân canh lúa - tôm càng xanh có nhiều ưu điểm hơn trước; mô hình lúa - sen khi nông dân gieo cấy vụ lúa đông xuân và trồng sen vào vụ còn lại mỗi năm; mô hình cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) với quy mô 66,5ha...
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhiều đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương triển khai một số mô hình sản xuất giảm chi phí đầu vào, nhất là giảm phân bón và thuốc trừ sâu. "Đã có một số mô hình sản xuất tiết kiệm chi phí, giảm giá thành ở cây lúa, cây ăn trái... được triển khai và có hiệu quả bước đầu. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá, chọn một số mô hình hiệu quả để nhân rộng cho bà con thực hiện rộng rãi", ông Nhã nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận