17/03/2018 10:53 GMT+7

Nạn tranh giả - thực trạng tồi tệ của nền mỹ thuật Việt Nam

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TTO - Bức xúc trước nạn tranh giả, sao chép tranh tràn lan, nhiều họa sĩ tâm huyết đã có cuộc gặp gỡ cùng tìm giải pháp làm minh bạch thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Nạn tranh giả - thực trạng tồi tệ của nền mỹ thuật Việt Nam - Ảnh 1.

Bức tranh Phố đêm (trái) của họa sĩ Đào Hải Phong và bức tranh giả được treo tại một nhà hàng do họa sĩ vô tình phát hiện và chụp lại - Ảnh: Đào Hải Phong

Tuy nhiên, cuộc thảo luận đến quá trưa vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu để chấm dứt vấn nạn này.

Họa sĩ Thành Chương dành khá nhiều thời gian nhắc lại vụ việc năm 2016, bức tranh Chân dung cô Kim Anh của ông bị thay tên tác giả thành Tạ Tỵ trong triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu

Nói rồi ông kết luận bằng tiếng thở dài: "Đến giờ phút này vẫn không có cơ quan chức năng nào vào cuộc và kết luận vụ việc này ra sao bởi đơn vị nào cũng có lý do này khác".

Họa sĩ Phạm An Hải kể lại ông từng đến tận nhà người làm tranh giả, người mua tranh giả, có tang chứng, vật chứng nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được lời xin lỗi công khai nào từ người làm tranh giả.

Theo họa sĩ, những sự việc tương tự thế này tái diễn từ rất lâu, rất nhiều lần, các họa sĩ lên tiếng không biết mệt mỏi.

"Có tranh tôi vừa đưa lên Facebook đã bị vẽ nhái ngay. Có người chỉ vẽ nhái khoảng 70-80%. Đây là thực trạng rất tồi tệ của nền mỹ thuật Việt Nam. Các nhà sưu tầm trong và ngoài nước rất hoang mang vì không biết đâu là tranh thật hay tranh giả. Bản thân các nhà sưu tập Việt Nam khó có thể tìm hiểu cặn kẽ quá trình sáng tác của các họa sĩ nên khó phân biệt tranh thật, tranh giả" - họa sĩ Đào An Hải nêu thực trạng.

Để khắc phục tình trạng này, ông đề xuất phải có cơ quan đứng ra bảo vệ quyền lợi của các họa sĩ bằng cách thẩm định để xác định tranh thật, tranh giả. "Hiện nay các cơ sở kinh doanh đều phải được cấp phép, nhưng những nơi mua bán tranh lại không có cơ quan nào đứng ra kiểm soát chất lượng" - ông nói.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long đề xuất để minh bạch thị trường mỹ thuật, trước tiên phải dũng cảm thẩm định lại các tranh đang lưu giữ ở các bảo tàng và chỉ rõ đâu là tranh thật, đâu là tranh giả, đâu là tranh sao chép.

Tôi cảm giác công chúng không tha thiết với tranh thật. Họ chỉ cần tranh giống thật là thỏa mãn. Các họa sĩ đều bất lực, không thể mãi gào lên là tranh của tôi bị làm giả. Muốn bảo vệ thị trường mỹ thuật VN thì phải làm sao để công chúng yêu nghệ thuật nghĩ đến việc từ bỏ tranh giả

Họa sĩ Đào Hải Phong

Phải công khai tên những người làm tranh giả

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đồng tình thị trường mỹ thuật Việt Nam hỗn độn thật giả như hiện nay bởi số đông người chơi không có nhu cầu mua tranh thật. 

Vậy nên mới có thực trạng chua chát mà giới họa sĩ vẫn nói với nhau là khi còn sống họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhiều bao nhiêu thì khi mất rồi ông vẫn vẽ nhiều bấy nhiêu!

Có lẽ đó là lý do nhiều người nước ngoài mặc nhiên coi thị trường tranh Việt Nam là giả. Thậm chí có người còn nói với ông, chưa cần xem tranh thật của họa sĩ Việt Nam nhưng xem tranh giả cũng là yếu tố để xem xét có nên mua hay không!

Ông nêu một lý do nữa, thị trường mỹ thuật hiện nay có đóng góp rất ít với kinh tế đất nước nên khó đòi hỏi Nhà nước đứng ra bảo vệ.

"Việc thẩm định tranh giả, tranh thật là câu chuyện của mỗi cá nhân họa sĩ, cá nhân nhà sưu tập, người chơi tranh, hãng đấu giá. Rất khó đòi hỏi có một cơ quan nào đó đứng ra thẩm định bởi việc này tốn kém và nguy hiểm" - ông Thượng thẳng thắn.

Ông dẫn chứng có những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng thời Đông Dương được làm giả rất nhiều nhưng tinh vi đến nỗi bản thân ông cũng khó phân biệt thật giả.

"Đến lúc cần chỉ đích danh và công khai tên những người làm tranh giả chứ không nên tế nhị nữa. Phải đánh vào danh dự của họ thì mới mong bớt nạn tranh giả. Giới họa sĩ cần thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền mỹ thuật để bảo vệ bản quyền các họa sĩ. Nếu thành lập được trung tâm này, tôi sẽ tham gia làm miễn phí" - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đề xuất.

Chắc chắn uy tín và giá trị của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tranh giả. Tranh của một số họa sĩ hàng đầu Việt Nam còn đang trưng bày, mà tứ phía đã có nhiều cửa hàng treo lên và bán đi bán lại nhiều lần.

Hoạ sĩ, hoặc chủ nhân của những bức tranh bị làm giả, nếu có phát hiện được cũng không thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng. Thậm chí, không thể lên tiếng phản đối.

Họa sĩ hoặc chủ nhân đích thực có đủ bằng chứng để khẳng định tranh của mình là tranh thật. Nhưng bảo vệ quyền lợi chính đáng trong hoàn cảnh pháp luật Việt Nam hiện nay là chuyện không thể nếu chỉ mỗi bản thân họ tự làm.

Ở những thị trường lớn trên thế giới vẫn có chuyện vàng thau lẫn lộn. Chỉ có điều, có sự khác nhau với thị trường Việt Nam về xử lý tranh chấp, về giải quyết hàng giả.

Lê Trung Thành (Ngàn phố Galery, Hà Nội) - Thiên Điểu ghi

"Giới sưu tầm rất e ngại về tranh giả của Bùi Xuân Phái"

TTO - Trong phiên đấu giá Chọn’s số 9 mới đây, chỉ có 1/7 bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái được đấu giá thành công, 6 bức còn lại không có người trả giá.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp