* 18/29 bệnh nhân đã được ra viện* Chủ tịch TP Hà Nội: Cần có phương tiện cứu hộ hiện đại như trực thăng
Phóng to |
Bác Nguyễn Văn Lung, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa thoát chết khi chui từ tầng hầm ra - Ảnh: Quang Thế |
Video clip vụ cháy - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ |
Bác sĩ Nguyễn Thống, trưởng khoa bỏng, cho hay 11 bệnh nhân còn lại sẽ phải theo dõi bỏng hô hấp - mức độ nặng và rất khó tiên lượng.
Bà Trương Thị Xây (53 tuổi, Vĩnh Phúc) - một trong những người đầu tiên được đưa ra khỏi đám cháy, dù phải hít khói trong thời gian ngắn hơn nhiều so với những nạn nhân còn lại, đến giờ vẫn như không tin mình có thể sống.
“Lúc đó, tôi đang làm nhiệm vụ lau dọn tòa nhà ở tầng 4, tự nhiên thấy mọi người rầm rập chạy phía cầu thang rồi nghe thấy những tiếng hét “chạy đi, nhanh lên”, tôi cũng vội vã chạy theo. Nghĩ là xuống dưới sẽ ra ngoài ngay, không ngờ càng xuống khói càng đậm đặc, chỉ còn cảm giác nghẹt thở và kiệt sức. Tôi lại vòng lên, cố bước vì người đã rất yếu, cũng lên được tầng 7. Nhiều tuổi nên tôi được các cháu ưu tiên xuống bằng chuyến tời đầu tiên. Chưa đầy 30 phút ngộp trong khói, tôi đã nghĩ mình không qua khỏi”, bà Xây kể lại.
Ông Nguyễn Văn Lung (49 tuổi, Thanh Hóa) cùng cậu con trai 17 tuổi Nguyễn Văn Thịnh đều đang ở dưới tầng hầm thứ hai (được thiết kế là chỗ đậu ôtô của tòa nhà) pha sơn để chuẩn bị quét lên tường.
Phóng to |
Hệ thống máng cáp điện của tầng hấm số 1 sập hoàn toàn, cháy trơ lõi đồng sau vụ hỏa hoạn - Ảnh: Minh Quang |
“Khi có tiếng nổ, mọi người thét lên là khói đã ùa ngay vào chỗ hai bố con rồi. Điện tắt phụt, toàn bộ tầng hầm tối om. Hai bố con cứ quẩn quanh mãi trong tầng hầm, rồi tìm cách dìu nhau ra thang bộ, lần từng bước vì đường quá tối. Mất nửa tiếng mới lên được tầng 4. Đến lúc này mới phát hiện đó không phải là lối ra, lại cố vòng xuống trong bóng đêm và khói dày đặc. Cảm giác cổ như muốn nổ tung vì nóng, vì ngạt khói. Đằng sau tôi lúc đó còn 6-7 người đi theo nữa. Cho đến khi ra được hướng Cửa Bắc, tôi ngạt hẳn. Người dân ở gần đó mang đến cho nước, rồi đưa ngay đi cấp cứu”.
Quá sợ hãi, cả đêm trong viện ông Lung không chợp mắt được tí nào. Đến sáng 16-12, Thịnh - con trai ông Lung - đã được ra viện, riêng ông Lung phải theo dõi đặc biệt vì nghi bỏng hô hấp nặng.
Anh Đặng Hồng Khanh (30 tuổi, Thái Bình), đội trưởng đội thi công hệ thống chống sét, không giấu được niềm vui khi cả đội năm người đều được an toàn bằng cách thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại khi sự cố xảy ra.
Theo kế hoạch, 15-12 là ngày cuối cùng đội anh Khanh thi công ở tòa tháp A, chuẩn bị sang lắp rắp ở tòa tháp B. Không ngờ khi đang thu dọn đồ đạc, bất ngờ anh Khanh thấy phía cầu thang đột ngột tối om.
Lúc đầu cứ nghĩ là có máy bay, nhưng rồi nghe tiếng chạy rầm rập, anh Khanh nhìn ra mới hay có cháy. Từ tầng 24 anh chạy xuống. Nhưng phía dưới khói đặc quánh lại, không thở được.
Đến tầng 8, anh nhận được điện thoại từ một người cùng đội báo đã tìm được chỗ hít thở khí trời trên tầng mái 34. Khi anh Khanh trèo lên tầng trên cùng, cả đội của anh cùng khoảng 20 người ở các đội khác đã lui lên được tầng cao nhất tránh khói. “Trên phần mi tường của tầng mái 34, mọi người đều nhoài cổ ra ngoài để hít thở, chỉ hai chân là bám vào trong. Không ai sợ ngã, chỉ nghĩ làm sao thở được”, anh Khanh nói.
Đến 21g30, khi leo bộ được xuống tầng 15 vì khói đã bớt, anh Khanh mới được giải thoát.
Chủ tịch TP Hà Nội: Cần có phương tiện cứu hộ hiện đại Tại cuộc họp giao ban thường kỳ giữa chủ tịch, phó chủ tịch với lãnh đạo các sở, ngành TP Hà Nội sáng 16-12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề cập đến vụ cháy xảy ra vào chiều tối 15-12. Ông Thảo đánh giá qua vụ cháy có thể thấy vấn đề thi công, an toàn lao động và nhiệm vụ phòng cháy trong quá trình thi công còn rất hạn chế. Trước mắt, ông Thảo yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố cùng chủ đầu tư, đơn vị thi công cần khẩn trương khắc phục hậu quả sau vụ cháy. “Ưu tiên hiện nay là cần phải quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của công nhân bị thương trong vụ cháy. Vì vậy Sở Lao động - thương binh & xã hội, Tâp đoàn Điện lực cần quan tâm, chăm sóc, kiểm tra toàn diện sức khỏe của người bị thương. Chỉ những người thật sự khỏe mạnh mới được về nhà nghỉ dưỡng, còn lại những công nhân bị nhiễm, ngạt khói vẫn phải tiếp tục theo dõi, chăm sóc”, ông Thảo lưu ý. Về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, ông Thảo đề nghị các sở chuyên môn của thành phố cần đặc biệt quan tâm để có đầu tư đúng mức. “Với các vụ cháy lớn, việc chữa cháy không chỉ là các phương tiện dập lửa mà cần phải có những phương tiện cứu người thật sự". Ông Thảo biểu dương tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng phòng cháy chữa cháy đã phản ứng kịp thời và chữa cháy với tinh thần cao nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận