Trụ sở chính của Liên kết Việt đã ngừng mọi hoạt động sau khi các lãnh đạo của công ty này bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản - Ảnh: L.Hoài |
Ngày 19-2, lãnh đạo Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại VN (Công ty Liên kết Việt) cùng năm đồng phạm bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can và về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đóng cửa công ty, ngưng trang web
Sáng 20-2, một ngày sau khi lãnh đạo Công ty Liên kết Việt (tầng 4, tòa nhà 19T2, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội) bị bắt tạm giam, trụ sở của công ty này cũng đã ngừng hoạt động.
Hai cửa kính lối vào được khóa kín, toàn bộ khuôn viên hàng trăm mét vuông sàn chung cư không còn dấu vết của đồ đạc, không biển hiệu hay bóng dáng nhân viên làm việc.
Theo tìm hiểu, đây là địa điểm được Liên kết Việt chuyển tới từ cuối tháng 6-2014 từ một căn chung cư tại tầng 19 trong tòa nhà này nhưng chật hẹp hơn.
Trong khi đó, website của công ty tại địa chỉ www.lkv.com.vn cũng có dấu hiệu ngừng hoạt động.
Dù một số thông tin, hình ảnh, hoạt động của công ty đăng tải trên website này vẫn còn, nhưng các tài khoản online tư vấn hoạt động trong tình trạng offline hay số điện thoại hotline cũng không còn liên lạc được.
Trước đó ngày 19-2, hai lãnh đạo của công ty này đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố bị can và bắt tạm giam là Lê Xuân Giang (ngụ P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, TP Hà Nội, chủ tịch HĐQT) và Nguyễn Thị Thúy (ngụ P.Nhân Chính, Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội, phó tổng giám đốc Liên kết Việt) do có hành vi lừa đảo.
Lấy tiền của người này trả lãi cho người kia
Theo tìm hiểu, từ cuối năm 2015, nhiều người dân đã gửi đơn tố cáo đến Bộ Công an về việc công ty này cùng các đại lý tại nhiều địa phương huy động tiền nhưng không trả tiền hoa hồng theo thỏa thuận.
Cơ quan điều tra xác định Công ty Liên kết Việt (thành lập năm 2010) được cơ quan chức năng cho phép kinh doanh đa cấp vào năm 2014 với các mặt hàng kinh doanh như Dưỡng Cốt Vương, Bổ Não Vương, máy khử độc ozone, ngũ linh đông trùng hạ thảo..., được công ty này quảng cáo là mua của Công ty CP tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng và Công ty CP Biovaccine VN.
Cũng theo cơ quan điều tra, theo quy định do Lê Xuân Giang đặt ra, mỗi nhà phân phối tham gia hệ thống bán hàng được cấp một mã kinh doanh và phải nộp số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để được quyền mua một mã hàng gồm một máy ozone, các loại thực phẩm chức năng nêu trên và sau năm năm sẽ được hưởng 449 triệu đồng tiền hoa hồng, lãi, thưởng.
Nếu mời một người tham gia, công ty sẽ trả hoa hồng 8%, mời càng nhiều hoa hồng càng lớn. Tuy nhiên, người mua lại không được nhận hàng. Trên thực tế, công ty này lấy tiền của người nộp trước để trả lãi cho người nộp sau.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ đầu năm 2014 đến tháng 7-2015, nhóm của Thúy đã phát triển được 21 chi nhánh tại 19 tỉnh thành, lôi kéo được hơn 45.000 người tham gia, thu được số tiền ước tính khoảng 1.900 tỉ đồng.
Đến tháng 9-2015, sau một thời gian không nhận được tiền hoa hồng, nhiều người tham gia hệ thống này đã kéo đến chi nhánh và cả trụ sở của công ty này để đòi và phát hiện công ty không còn hoạt động nữa nên đã trình báo cơ quan chức năng.
Sau khi vào cuộc, cơ quan CSĐT xác minh tại ngân hàng, số dư trên tài khoản của Lê Xuân Giang chỉ còn hơn 45,5 tỉ đồng...
Giả cả bằng khen Thủ tướng Dù Công ty Liên kết Việt quảng cáo, thuyết trình rầm rộ rằng công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức hoành tráng sự kiện khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cơ quan điều tra xác định những hình ảnh và bằng khen này đều là giả mạo, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe cũng có dấu hiệu làm nhái các sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận