03/08/2011 01:11 GMT+7

Nạn mua điểm trong các đại học y ở Nga

LÊ TIẾN - TRẦN PHƯƠNG (Theo The chronicle of higher education)
LÊ TIẾN - TRẦN PHƯƠNG (Theo The chronicle of higher education)

TT - Tạp chí Esquire gây chấn động ngành giáo dục và y tế Nga khi tung ra loạt bài mô tả chi tiết các cách thức và bảng giá mà sinh viên sáu trường đại học y dược của nước này phải chung chi cho giảng viên để vượt qua các kỳ thi cử.

VJxpkSMP.jpgPhóng to
Chất lượng dịch vụ y tế Nga có bị ảnh hưởng bởi nạn mua điểm trong trường y? (ảnh chụp tại một bệnh viện ở Kostroma, phía bắc Matxcơva)Ảnh: Reuters

Hối lộ trong các trường đại học y ở Nga không còn là điều gì quá mới mẻ. Kết quả khảo sát do tổ chức độc lập Ý kiến công chúng thực hiện vào tháng 5-2011 trên 17.500 người, thì giáo dục là lĩnh vực tham nhũng bậc nhất, tiếp đến mới là cảnh sát. Bộ Y tế Nga cũng từng dính nhiều vụ biển thủ hàng triệu USD của nhà nước mỗi năm.

Tuy nhiên, thông tin được tung ra hồi tháng 4-2011 thật sự khiến dư luận bức xúc: chính các bác sĩ, nha sĩ, chuyên gia phẫu thuật tương lai - những người sẽ nắm quyền sinh sát đối với mạng sống của nhiều người - lại bỏ tiền mua điểm thay vì nỗ lực tiếp thu kiến thức thật sự.

Đổi đồng rúp lấy điểm số

Điều bất ngờ là trong danh sách sáu trường bị điểm mặt có cả học viện y khoa danh tiếng bậc nhất I.M. Sechenov First Moscow State Medical, thường được gọi First Medical. Các sinh viên tại đây cho biết nạn hối lộ là “chuyện thường ngày” và họ chẳng hề ngạc nhiên nếu tình cờ nhìn thấy bạn mình lót tay cho giảng viên môn nào đó một xấp dày các tờ 1.000 rúp (1.000 rúp đổi khoảng 36 USD). Vladimir, một sinh viên đang học năm 3, kể rằng trước các kỳ thi, mẹ cậu thường bỏ phong bì 200-400 USD cho các thành viên trong khoa, đổi lại các giảng viên sẽ giúp cậu “sống sót qua các kỳ thi và kiểm tra”.

"Tham nhũng trong y tế đang giết chết nước Nga. Mầm mống tham nhũng được gieo rắc vào đầu sinh viên y khoa ngay từ khi còn trong trường đại học. Hậu quả là họ sẽ trở thành những bác sĩ tham nhũng khi tham gia hệ thống y tế"

Lãnh đạo Ủy ban phi chính phủ chống tham nhũng quốc gia Kirill Kabanov

Cũng theo Vladimir và một sinh viên khác là Anna, việc vượt qua các môn học khó nuốt chẳng có gì là phức tạp, tất cả đều đã có bảng giá. Sinh viên khoa giải phẫu học chỉ cần trả 400 USD là đạt loại giỏi, 500 USD là đạt loại xuất sắc. Từ năm ngoái, vài giảng viên đã chuyển từ USD sang euro. “Tham nhũng (trong giáo dục) giống như một nạn dịch ngu dốt. Hậu quả tất yếu là chúng tôi sẽ được trang bị những kỹ năng tồi và đó là điều nguy hiểm cho các bệnh nhân của chúng tôi sau này” - Anna thẳng thắn nhìn nhận.

Việc bỏ tiền mua điểm trong trường y bắt đầu ngay từ khi sinh viên còn chưa vào học. Ai cũng biết kiến thức y khoa không hề dễ và các trường phải chọn lọc thật kỹ những sinh viên có khả năng theo học. Nhưng nhiều sinh viên lại sẵn sàng bỏ tiền để mua một vé vào trường. “Sự hám danh đã khiến các bậc phụ huynh trả một khoản tiền lớn để cho con vào First Medical. Nhưng phòng mổ không phải trò đùa nếu họ sợ máu, sợ đau hay bị áp lực” - phó hiệu trưởng First Medical Igor N.Denisov ngao ngán.

Đối với những sinh viên yếu kém, nhà trường thường tổ chức các lớp phụ đạo cá nhân cho họ. Tuy nhiên, thay vì giúp cải thiện trình độ cho sinh viên và giảm nạn đút lót, các lớp phụ đạo lại có tác dụng hoàn toàn ngược lại. Theo lời kể của Misha - một sinh viên y khoa, lớp cậu có tám sinh viên phải học lớp phụ đạo môn giải phẫu và họ phải đóng đến 2.500 rúp (khoảng 90 USD) học phí, thay vì 1.000 rúp như quy định. “Giảng viên chẳng cung cấp kiến thức gì cho chúng tôi cả. Cô ấy đặt câu hỏi trong vòng nửa giờ, sau đó mở túi trên chiếc áo y khoa màu trắng và chìa ra để chúng tôi nhét tiền vào” - Misha nói. Bất chấp những phản ảnh của sinh viên, cô giảng viên này vẫn không hề bị đuổi việc.

Nay đút lót, mai tham nhũng

Ngay sau khi loạt bài trên tạp chí Esquire xuất hiện, lãnh đạo First Medical đã được lệnh triệu tập của Bộ Y tế Nga. “Hiệu trưởng của chúng tôi và ba đại học y khác tại Matxcơva đã được mời đến Bộ Y tế để thảo luận cách chống tham nhũng” - ông Igor N.Denisov cho biết. First Medical chẳng hề chối bỏ sự tồn tại của nạn tham nhũng trong trường này. Ông Denisov nói ông và hiệu trưởng Petr V. Globychko đã cố gắng đấu tranh trong thời gian qua, chẳng hạn yêu cầu các sinh viên báo cáo với ban quản lý trường nếu phát hiện trường hợp hối lộ nào. Từ tháng 2-2011, một đường dây nóng đã được thiết lập để nhận phản ảnh tình trạng tham nhũng trong hệ thống y tế và hiện có khoảng 50 cuộc gọi/ngày.

Trong hai năm qua, có hai giảng viên đã bị đuổi việc vì bị cáo buộc bán điểm cho sinh viên. “Chúng tôi muốn những giảng viên có tiếng xấu về nhận đút lót biết rằng họ không được chào đón ở trường này” - ông Denisov nói. Một trong những lý do mà First Medical đưa ra để biện hộ cho tình trạng tham nhũng là lương của giảng viên hiện nay quá thấp, trung bình chỉ khoảng 50.000 rúp/tháng (khoảng 1.800 USD). Mức lương này không đủ để họ phụ giúp gia đình cũng như cưỡng lại những khoản tiền hối lộ từ giới sinh viên giàu có.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nga cho biết hiện vẫn chưa có dữ liệu nào cho thấy việc hối lộ trong trường y ảnh hưởng ra sao đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe quốc gia, nhưng nhấn mạnh đây là một vấn đề cần được khắc phục. Theo Sofiya Maliavina - một trợ lý bộ trưởng y tế, chính phủ đang yêu cầu các trường y phải tăng cường thực hành trong đào tạo.

“Tham nhũng trong y tế đang giết chết nước Nga - lãnh đạo Ủy ban phi chính phủ chống tham nhũng quốc gia Kirill Kabanov nhận định - Mầm mống tham nhũng được gieo rắc vào đầu sinh viên y khoa ngay từ khi còn trong trường đại học. Hậu quả là họ sẽ trở thành những bác sĩ tham nhũng khi tham gia hệ thống y tế”.

LÊ TIẾN - TRẦN PHƯƠNG (Theo The chronicle of higher education)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp