Trong một chương trình xiếc, một trong những tiết mục được các khán giả nhí chờ đợi là nghệ sĩ diễn xiếc với các chú cún. Ở TP.HCM, nghệ sĩ diễn xiếc chó không quá 2, 3 cái tên, quen mặt nhất là nghệ sĩ xiếc Duy Hà và Xuân Tiến của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam.

Duy Hà là người thầy của các diễn viên xiếc trẻ tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Ở tuổi ngoài 50, bên cạnh việc huấn luyện nhiều tiết mục xiếc người cho các bạn trẻ, Duy Hà thường xuyên xuất hiện trong vai trò điều khiển các tiết mục xiếc thú, đặc biệt là các trò xiếc với những chú cún dễ thương.

Năm Tuất nói chuyện chó: Xiếc chó - Ảnh 1.

Hồi trước anh là một trong những trụ cột của Đoàn xiếc TP.HCM (tiền thân Nhà hát nghệ thuật Phương Nam). Khoảng năm 1995, trong một lần ra Bắc biểu diễn, đang ngồi ăn phở, nghe bà bán phở than chó nhà bà đẻ nhiều quá không nuôi nổi. Không hiểu sao Duy Hà buột miệng xin một con. 

Trong hai tháng lưu diễn đó, tới đâu anh cũng ẵm con chó theo. Những lúc rảnh rỗi trên đường lưu diễn, con chó là bạn để Duy Hà bớt buồn. Rồi anh tập chơi chơi mấy trò diễn xiếc, vậy mà người bạn bé nhỏ làm được hết.

Năm Tuất nói chuyện chó: Xiếc chó - Ảnh 2.

Cứ chơi chơi giải khuây như thế mà 7, 8 tháng sau, bạn chó đã có thể bước chân vào... showbiz, lên sân khấu không sợ ai hết và diễn ngon ơ. Vậy là ông chủ Duy Hà từ chuyên các tiết mục xiếc người chuyển qua xiếc cún hồi nào không hay.

Xuân Tiến là đàn em của Duy Hà trong đoàn xiếc. Ban đầu chỉ phụ một người chị điều khiển xiếc cún, sau thấy mấy con chó thiệt cưng rồi thương hồi nào hổng hay. Cũng mua một con chó nhỏ về tập chơi, rồi chính thức bước vào nghiệp xiếc với cún từ năm 2005.

Có nhiều lý do để các nghệ sĩ đến với nghề nhưng xuất phát điểm ban đầu bao giờ cũng từ tình yêu với các chú cún dễ thương.

Năm Tuất nói chuyện chó: Xiếc chó - Ảnh 3.

Chú chó đầu tiên giúp Duy Hà “khởi nghiệp” sống với gia đình anh được chín năm rồi bị già và chết. Duy Hà buồn bã rất lâu như mất người bạn thân thiết.

Đến nay, Duy Hà đã có kinh nghiệm chọn chó để có thể diễn xiếc và biết cách huấn luyện cho nó... thành tài nhanh hơn người bạn thân đầu tiên. 

Anh bảo chọn chó diễn xiếc thường là các giống chó kiểng, có dáng nhỏ nhắn, đẹp, lông dày như cục bông gòn. Chú ý đôi mắt, nếu lanh thì mới diễn được. Cũng phải xem lựa cái mũi màu đen mới tốt, còn mũi đỏ thường nhát, không dám lên sân khấu.

Nhà anh thường xuyên có một bầy 8 - 9 bạn “nghệ sĩ chó”. Nhà chật nên anh hay dắt “tụi nhỏ” ra ngoài để huấn luyện cho dạn dĩ hơn. Lần nào cũng thế, bà con tò mò xúm xít lại coi. 

Có bữa đông quá bị trật tự phường xuống dẹp và nhắc nhở. Rút kinh nghiệm, sau này đợi đêm khuya vắng người, thầy trò Duy Hà mới dám dắt nhau ra đường. Vậy mà cũng có khán giả hàng xóm biết, canh giờ ra say sưa coi họ diễn xiếc.

Năm Tuất nói chuyện chó: Xiếc chó - Ảnh 4.

Người điều khiển xiếc chó không chỉ là nghệ sĩ xiếc mà kiêm cả... bảo mẫu. Mấy bạn chó chỉ nghe lời người nào gần gũi với chúng nhất. Nên làm gì thì làm, các diễn viên xiếc chó phải dành thời gian chơi đùa với chó, tự tay tắm rửa, cho chó đi vệ sinh. Tự tay chăm chút bữa ăn cho chó. 

Duy Hà cười nói: "Tui đi tới đâu mấy con chó ở ngoài hay bu lại lắm. Tại mình chơi với cả bầy chó ở nhà nên người lúc nào cũng dính lông chó hay hơi hám của tụi nó. Bởi vậy, mấy bạn chó bên ngoài chắc cũng... ngửi được mùi quen!" (cười).

Xuân Tiến thường là người tự tay chuẩn bị bữa ăn trong ngày cho các bạn chó. Các bạn sẽ được ăn theo chế độ của một “diễn viên”, có cơm, thịt bò, thịt gà, rau cỏ... đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt, né xương xẩu là món khoái khẩu của các loại chó thông thường. Vì chó diễn xiếc thường là chó kiểng nên đường ruột cũng mỏng manh hơn, răng cũng không bén nhọn. Bữa nào thấy “bạn” mệt là phải bổ sung thêm cữ sữa, thuốc bổ.

Xuân Tiến nhấn mạnh: “Thường các bạn chó kiểng này sức đề kháng yếu hơn chó bình thường nên lúc nào cũng phải để ý. Thấy bạn mệt, đau bụng, bỏ ăn là phải đưa ngay đến trạm thú y để kịp thời thuốc thang. Huấn luyện một bạn chó để biểu diễn được trên sân khấu mất thời gian rất lâu nên lỡ bạn lăn ra ốm là coi như công toi!”. 

Năm Tuất nói chuyện chó: Xiếc chó - Ảnh 5.

Xuân Tiến chia sẻ trong xiếc thú, chó có sự thông minh và gần gũi hơn các loại thú khác. Tuy nhiên, chó cũng là mấy bạn... giận dai nhất!

“Rất khó ép được các bạn í. Huấn luyện chó không được đe nẹt, dùng roi. Tập mà thấy các bạn mệt, bão hòa rồi thì ngưng bữa sau tập tiếp, đừng cố. La rầy hay đánh là mấy bạn chó giận, không thèm nhìn mặt mình luôn chứ đừng nói là diễn!” - Xuân Tiến kể.

Duy Hà có con mắt tuyển lựa “nghệ sĩ chó”. Với kinh nghiệm của mình anh biết chú chó nào, tính cách nào hạp với vị trí nào trong tiết mục mà luyện cho đúng... chuyên môn!

Năm Tuất nói chuyện chó: Xiếc chó - Ảnh 6.

Thế nhưng diễn xiếc với chó dù chuyên nghiệp mức nào cũng phải chuẩn bị tinh thần bị các bạn sẽ... "dở quẻ". Tiết mục xiếc chó mà khán giả nhí hay xem là “Chó học toán”. Người điều khiển đưa ra phép tính 2+2 rồi hỏi các chú chó đáp án bằng tiếng sủa. 

 Có bữa, bạn sủa hụt hoặc lố đáp án. Cũng có bữa bạn làm biếng không chịu sủa. Vậy là người huấn luyện phải nhanh chóng bày trò khác hoặc đôn bạn chó khác lên thế “diễn viên”... nhõng nhẽo!

Cũng có bạn chó ham ăn. Duy Hà cười bảo vụ này anh phải canh kỹ lắm, vì khi xem xiếc nhiều bé thấy chó dễ thương hay thảy đồ ăn lên sân khấu, mà bọn chó như con nít, thấy đồ ăn là chạy theo quên diễn!

Năm Tuất nói chuyện chó: Xiếc chó - Ảnh 7.

LINH ĐOAN
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
14/02/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp