Tổng kết lại một năm lao động, kinh doanh bị đảo lộn bởi đại dịch, nhiều người xót xa. Rồi tình cảm ngổn ngang vì xa nhà, xa quê, xa gia đình khi virus biến thể hoành hành. Cảm giác chung là không vui. "Tết này con không về". Rồi "thế là hết Tết"...
Nhưng tôi thích câu "Không về Tết này còn Tết khác" hoặc "Hẹn Tết năm sau hoành tráng hơn...".
Ai cũng muốn ngày Tết sum họp. Nhưng chúng ta đâu chỉ có mấy ngày Tết. Phía trước là những chuỗi ngày học tập cho cá nhân, mưu sinh cho gia đình, phát triển cho đất nước. Vì thế thật xúc động khi có 60-70% công nhân các nơi đến làm việc ở các nhà máy khu vực Đông Nam Bộ đã không về quê ăn Tết.
Tài chính eo hẹp? Đúng. Nhưng sâu xa hơn, họ đã nghĩ đến những bất trắc xảy ra khi về quê ăn Tết. Về quê, lỡ có dịch, phải cách ly. Thế là có Tết nhưng dở dang công ăn việc làm. Phải giữ cái cần câu trước đã, được vậy cuộc sống mỗi người năm sau cũng bớt vất vả.
Công nhân ở lại, doanh nghiệp trong lòng vui vì bớt lo thiếu người sau Tết. Năm nào cũng thế, sản xuất đầu năm thường biến động vì về quê ăn Tết rồi nhảy việc. Ở lại, đón Tết xa quê, sau Tết, tất cả bắt tay vào việc nhịp nhàng, giảm bớt người này chờ người kia. Khai trương hanh thông, nhà máy sáng đèn, hàng hóa ra lò, doanh nghiệp khấm khá, đấy là cơ sở để có một năm sau tươm tất hơn.
Dịch hoành hành cả ngày Tết. Mọi người đón Tết trong tâm thế tiết kiệm - an toàn - phòng dịch, rồi dặn dò nhau đi đứng cẩn thận, làm gì cũng phải nhớ đến chống dịch. Thực ra đấy là lúc mọi người thực hành nghiêm túc trạng thái bình thường mới, không chỉ trong lao động mà cả vui chơi, giải trí.
Đúng là con virus biến thể gây hại nhanh hơn nhưng chúng ta cũng có đối sách thích hợp. Ngày nào còn "cách ly toàn xã hội" nhưng gần đây là "phong tỏa ở phạm vi gọn" để hạn chế tối đa bất lợi đến cuộc sống người dân. Chúng ta đã điều chỉnh chiến lược chống dịch, trong đó có việc giải tỏa hàng hóa từ khu vực dịch bệnh. Bài học này từng áp dụng thành công với hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới nay mở rộng ra nội địa, để dân đã khổ vì dịch không còn phải lo phá sản vì hàng hóa ứ đọng.
Trong đợt dịch bùng phát lại ở Đà Nẵng, nhiều nhà máy ở khu vực này vẫn sáng đèn. Rồi ngày nào đó cũng có giải pháp cho hàng quán, điểm cung cấp dịch vụ... vốn thường phải đóng cửa khi dịch rình rập. Chắc chắn thế. Cái khó luôn ló cái khôn. Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Đấy là cơ sở cho niềm tin rằng năm sau đất nước sẽ khấm khá hơn.
Lúc này, chúng ta đang tăng tốc truy vết, khoanh vùng dập dịch để có Tết. Tinh thần này sẽ duy trì trong trạng thái bình thường mới. Mục tiêu tiêm vắcxin cho toàn dân đã được hoạch định. Chờ đến khi có vắcxin, chúng ta vẫn phải cần mẫn truy vết, khoanh vùng.
Dịch càn qua, ta lại chống dịch. Dịch qua rồi ta lại lo phòng. Quen rồi, thêm kinh nghiệm, chẳng có gì ngăn chúng ta không tin rằng năm Sửu sẽ tươm tất, thậm chí phấn đấu hoành tráng hơn năm Tý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận