Phóng to |
Này nhé: “Khỏe như trâu” chứ chẳng ai nói khỏe như bò; con bò chỉ nhõn được một câu ca ngợi cái trình độ... ngu: “Ngu như bò”! (chứ không ai ví ngu như trâu) “Làm hùng hục như trâu” hoặc nói chi tiết hơn “Hùng hục như trâu húc mả” (chẳng qua là lúc ngứa sừng, không biết làm thế nào mà gãi cho đã, nên trâu thường cọ sừng vào những nấm mộ để đỡ ngứa, vậy thôi!).
Hàng ngàn năm nay, người nông dân Việt Nam luôn đánh giá “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, và tậu được con trâu thường được coi là việc khó khăn hàng đầu, hơn cả việc... lấy vợ và làm nhà! (Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà - Cả ba việc ấy thật là khó thay!). Cũng bởi thế, trong ca dao mới có những lời rất mực... thân tình với con trâu: Trâu ơi, ta bảo trâu này - Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta... Xếp con trâu ngang hàng với con người (Ta đây, trâu đấy, ai mà quản công) và trẻ con thì thích cắt một chiếc lá đa để chơi trò “nghé ọ” (chứ chẳng bao giờ có trò “bê ọ”!).
Vậy mà ngày trước, mấy bà nội trợ cứ chê ỏng chê eo miếng thịt trâu khi đi chợ, nào là thớ thịt to, thịt thì dai, ăn vào dễ bị lạnh bụng... Nói “ngày trước” thôi, vì hiện nay ở Hà Nội và TP.HCM đã có những quán ghi rõ trên biển là THỊT TRÂU, PHỞ TRÂU và các “nhậu sĩ” thì lại quay ra khen: “Thịt nó đậm”, “ăn nó mềm”, “nước dùng hầm xương trâu ngọt hơn xương bò”...
Thật chẳng còn hiểu ra sao nữa! Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 2008 vừa qua, khi cặp trâu vào chung kết xong, cả hai đều lần lượt được xả thịt, và con thua (tức ngôi á... ngưu) được bán với giá 500.000đ/kg, còn thịt của con hoa ngưu (tức vô địch) thì đúng một triệu đồng một cân, vậy mà mọi người đứng xếp hàng rồng rắn không khác gì đi mua gạo mậu dịch thời bao cấp, và rất nhiều vị phải tiếc rẻ vì không mua được!
Người ta bảo mua thịt đó về làm cơm cúng, nhưng mấy đại gia thì kháo nhau “Cái loại thịt trâu chọi ăn vào sẽ... khỏe như trâu!” và chính Ba Long tôi đã được tận mắt nhìn thấy một vị “bụng to, trán hói” sai tài xế đi năn nỉ mua lại một cân thịt trâu bắp của con trâu vô địch với giá 1,5 triệu! Thực ra, chính cái thân tôi đã có bốn năm trời liền chỉ được ăn thịt trâu, chứ không hề biết đến món thịt bò.
Phóng to |
Thời công tác dài hạn ở Ấn Độ, người dân Ấn theo đạo Hindu, coi con bò là vật thiêng, nên bói cũng chẳng ra một miếng thịt bò ở chợ. Khi có đoàn từ trong nước qua, anh chị em trong sứ quán thế nào cũng chèo kéo về sứ quán để mời một bữa cơm (mà cái chính là để được nghe chuyện ở trong nước). Món chủ lực bao giờ cũng là một đĩa thịt xào với hành tây (Ấn Độ nổi tiếng thế giới về sản lượng và năng suất hành tây), nếu nghe chủ nhà gọi là “thịt bò xào hành tây” thì chớ có tin, vì xạo đấy! Thịt đó là thịt trâu - trâu Murah mà đặc điểm cố hữu là cặp sừng bao giờ cũng xoắn lại như mấy cô “phi-dê” tóc ấy - Phải “né tránh” thế vì hồi đó trong nước chưa quen xài thịt trâu, e khách không ngon miệng!
Ăn xong, khách được mời một ly tra - trà đen cho vào ấm đun sôi, pha sữa, và trong ly có một lát gừng tươi, và đó cũng là sữa trâu Murah, chứ không có sữa bò đâu! Một điều đáng ghi nhận là Nhà nước Ấn lo nuôi 1,1 tỉ dân - mà việc uống sữa là phổ biến với mọi người - nên việc kiểm soát chất lượng sữa rất chu đáo, luật lệ rất nghiêm chứ không có “mệ là mìn” (melamine) như cái anh sữa Tàu đâu.
Chừng đó năm ăn thịt trâu, uống sữa trâu, nhưng chưa hề thấy có ai chết vì bị sạn thận, sạn đường tiểu cả (chỉ có chết vì rượu dỏm, rượu độc thì phổ biến, có lẽ nhiều... hơn cả ta!). Lai rai chuyện thịt trâu, sữa trâu, nhờ TTC chuyển để góp vui với bạn đọc bữa nhậu ngày xuân cho thêm phần rôm rả!
BA LONG
Tuổi Trẻ Xuân (ra ngày 06-01-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận