02/06/2015 13:28 GMT+7

Nam Phi đã “mua” World Cup 2010?

HIẾU TRUNG  (Tổng hợp từ BBC, The Guardian, AFP...)
HIẾU TRUNG (Tổng hợp từ BBC, The Guardian, AFP...)

TT - Theo điều tra của nhà chức trách Mỹ, World Cup 2010 ở Nam Phi mới phản ánh rõ sự tham ô của quan chức FIFA.

Cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner - một trong những nhân vật đang bị FBI điều tra vì nghi án tham nhũng - Ảnh: Reuters
Cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner - một trong những nhân vật đang bị FBI điều tra vì nghi án tham nhũng - Ảnh: Reuters

Giá 10 triệu USD

Mỗi kỳ World Cup có giá trị lên đến hàng tỉ USD bởi đây là sự kiện thể thao có quy mô và lợi nhuận lớn nhất thế giới, vượt qua cả thế vận hội. Sự cạnh tranh của các quốc gia trong những đợt đấu thầu giành quyền đăng cai World Cup cực kỳ căng thẳng. Năm 2004, Morocco, Ai Cập và Nam Phi cùng bước vào cuộc chiến giành quyền đăng cai World Cup 2010.

Đương nhiên kết quả bầu chọn phụ thuộc vào Ủy ban Điều hành FIFA. Và mỗi lá phiếu đều có giá trị cực lớn, có thể thay đổi quyết định của toàn bộ ủy ban. Và các nước tham gia đấu thầu hiểu rõ rằng hoàn toàn có thể dùng một số tiền lớn để mua một vài lá phiếu này. Năm 2004 nghi can Jack Warner - một trong các quan chức FIFA bị bắt giữ mới đây - còn là phó chủ tịch FIFA và là chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbean. Tháng 5 năm đó, ông ta đã biết rõ nước nào sẽ đăng cai World Cup 2010.

Với Warner, quy trình lựa chọn quốc gia đăng cai World Cup cũng tạo ra một cỗ máy in tiền khổng lồ. Theo điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI, Warner và gia đình ông ta bắt đầu xây dựng mối quan hệ với các quan chức bóng đá Nam Phi kể từ khi nước này đấu thầu đăng cai World Cup 2006 nhưng bất thành. Hồi đầu thập niên 2000, Warner đã nhận khoản hối lộ đầu tiên từ Nam Phi.

Khi đó, một thành viên gia đình Warner đã dùng mối quen biết của ông ta ở Nam Phi để tổ chức một số trận giao hữu của các đội bóng vùng Concacaf tại quốc gia châu Phi này. Một lần, Warner ra lệnh cho nhân vật này bay đến Paris (Pháp) và nhận vali chứa đầy USD từ một quan chức cấp cao trong ủy ban World Cup 2006 và 2010 của Nam Phi. Vụ giao dịch này diễn ra trong một phòng khách sạn.

Nhân vật trên bay trở lại Trinidad & Tobago rồi giao chiếc vali còn nguyên vẹn cho Warner. Nhưng đó mới chỉ là cú ăn chớp nhoáng đầu tiên của Warner từ Nam Phi. Năm 2004, Nam Phi chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ yếu hơn là Morocco và Ai Cập trong chiến dịch giành quyền đăng cai World Cup 2010. Vài tháng trước lễ bầu chọn nước chủ nhà World Cup 2010 (tháng 5-2004), Warner cùng người nhà nói trên bay đến Morocco.

Tại Morocco, một quan chức thuộc ủy ban vận động World Cup nước này đã đề nghị hối lộ cho Warner 1 triệu USD để đổi lấy việc ông ta bỏ phiếu cho Morocco. Nhưng ngay sau đó, Nam Phi thể hiện quyết tâm giành quyền đăng cai World Cup và đưa ra một lời đề nghị mà Warner không thể từ chối. Đó là Nam Phi sẽ chi 10 triệu USD cho Liên đoàn Bóng đá Caribbean (CFU), tổ chức mà Warner kiểm soát. Warner sau đó rỉ tai với hai thành viên trong Ủy ban Điều hành FIFA, bao gồm một người Mỹ (Charles Blazer) rằng mỗi người sẽ bỏ túi 1 triệu USD nếu bỏ phiếu cho Nam Phi.

Cả ba đều bỏ phiếu cho Nam Phi và Nam Phi giành chiến thắng trước Morocco với tỉ lệ phiếu 14 - 10. Sau đó, thành viên người Mỹ đòi Warner phải trả số tiền 1 triệu USD như đã hứa. Nhưng các quan chức bóng đá Nam Phi cho biết không thể rút 10 triệu USD từ ngân sách nhà nước. Và họ đã lập một kế hoạch hoàn hảo để đưa số tiền hối lộ này cho Warner.

Sau khi Nam Phi được lựa chọn, FIFA cung cấp cho nước này hàng trăm triệu USD để hỗ trợ kinh phí tổ chức. Các quan chức bóng đá Nam Phi sắp xếp cẩn thận để trích 10 triệu USD từ nguồn tiền này và chuyển vào tài khoản của Warner. Trong tháng 1 và 3-2008, một “quan chức FIFA cấp cao” đã gửi ba khoản tiền dành cho Nam Phi tới các tài khoản của CFU và Concacaf, hai tổ chức do Warner kiểm soát.

Báo chí Anh tràn ngập những bài viết chỉ trích và đòi Blatter ra đi - Ảnh: AFP
Báo chí Anh tràn ngập những bài viết chỉ trích và đòi Blatter ra đi - Ảnh: AFP

Tiền vào tài khoản qua đường Mỹ

Ba khoản này bao gồm 616.000 USD; 1,6 triệu USD và 7,784 triệu USD (tròn 10 triệu USD) được chuyển từ một tài khoản FIFA ở New York (Mỹ) tới các tài khoản do Warner đứng tên ở Ngân hàng Republic tại Trinidad & Tobago. Warner bắt đầu dùng số tiền này vì mục đích cá nhân, bao gồm việc trả một khoản nợ 200.000 USD. Ông ta rửa tiền qua một doanh nhân Trinidad và một chuỗi siêu thị lớn ở Trinidad & Tobago. Từ tháng 1 đến tháng 3-2008, Warner chuyển 1,4 triệu USD vào tài khoản của doanh nhân và chuỗi siêu thị này.

Sau đó, số tiền này được rút đi rồi được rót vào tài khoản của gia đình Warner ở Ngân hàng First Citizens tại Trinidad & Tobago. Trong vòng ba năm sau đó, Warner trả dần số tiền ăn chia cho quan chức FIFA người Mỹ, nhưng rốt cuộc chỉ chuyển cho ông ta 750.000 USD và ăn quỵt 250.000 USD còn lại. Warner sử dụng một mạng lưới tài khoản ở New York và quần đảo Cayman để chuyển số tiền trên. Một khoản được trả thẳng vào tài khoản của quan chức người Mỹ ở Ngân hàng Merrill Lynch.

Warner tỏ ra chủ quan và không chuyển tiền hối lộ một cách cẩn trọng. Hồi tháng 5-2011 Warner gửi thư điện tử cho quan chức người Mỹ này để thông báo cho ông ta biết rằng tiền đang đi vào tài khoản ngân hàng. Đối với Warner, công việc ở CONCACAF và FIFA là để cho ông ta kiếm tiền chứ không còn mục đích nào khác.

Khi vụ Warner sắp xếp đưa hối lộ cho các quan chức bóng đá Caribbean để họ bỏ phiếu ủng hộ một ứng cử viên cuộc bầu cử chủ tịch FIFA năm 2011 bị tiết lộ, ông ta đã nổi giận nói: “Có nhiều người nghĩ rằng họ ngoan đạo hơn người khác. Ai ngoan đạo thì nên đi xây nhà thờ. Còn công việc kinh doanh của chúng ta là công việc kinh doanh”. Ngoài Warner, hồi năm 2012 Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố hai con trai của ông ta là Daryan và Daryll, cũng là quan chức FIFA, vì tội lừa đảo chuyển tiền, thực hiện các giao dịch tài chính phi pháp, rửa tiền... Cả hai đều nhận tội và Daryan đã trả lại 1,1 triệu USD tiền bẩn.

Mới đây, Bộ trưởng tư pháp Mỹ Loretta Lynch tiết lộ bà từng đến Nam Phi khi quốc gia này biết rằng sẽ được tổ chức World Cup 2010. Người dân Nam Phi khi đó vô cùng mừng vui vì tin tưởng rằng World Cup 2010 sẽ đưa đất nước trở lại với bản đồ bóng đá toàn cầu và giúp hàn gắn những chia rẽ của dân tộc. “Tôi còn nhớ rất rõ khung cảnh đó. Phát hiện rằng niềm vui đó được tạo ra từ hành vi tham nhũng là điều thật sự đáng buồn” - bà Lynch than thở. 

Nam Phi thừa nhận đưa cho Jack Warner 10 triệu USD

Hôm 1-6, Hãng tin BBC dẫn nguồn tin từ báo chí Nam Phi cho biết Nam Phi đã trả 10 triệu USD cho ông Jack Warner - cựu phó chủ tịch FIFA - để mua phiếu giành quyền đăng cai World Cup 2010. Ông Danny Jordaan - chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Phi - được một tờ báo trích lời thừa nhận số tiền 10 triệu USD được họ “trích từ khoản tiền FIFA cho Nam Phi vào năm 2008”.

Trước đó, Bộ trưởng Thể thao Nam Phi Fikile Mbalula đã bác bỏ cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI rằng các quan chức bóng đá nước này hối lộ 10 triệu USD để giành quyền đăng cai World Cup 2010.

_________________

Kỳ tới: “Làm sạch” FIFA

HIẾU TRUNG (Tổng hợp từ BBC, The Guardian, AFP...)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp