28/08/2022 08:20 GMT+7

Năm ngoái chống dịch, năm nay mình cưới

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Lấy nhau từ năm 2015, nhưng cũng như nhiều cặp đôi tham gia lễ cưới tập thể năm nay, vợ chồng Lành - Hậu vì hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa có một đám cưới như ước mong.

Năm ngoái chống dịch, năm nay mình cưới - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Lành - anh Hậu và cô con gái thứ hai trong căn nhà nhỏ ở Bình Dương. Lấy nhau 7 năm nhưng giờ họ mới có một đám cưới khi tham gia lễ cưới tập thể 2022 - Ảnh: VŨ THỦY

Trong ký ức của không ít cô dâu - chú rể tham dự lễ cưới tập thể dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, thời điểm này năm ngoái dịch COVID-19 đang vào giai đoạn căng thẳng nhất, "ai ở đâu ở yên đó". Họ cũng lăn xả vào các xóm trọ phát thực phẩm, đi chợ hộ...

Lấy nhau từ năm 2015, nhưng cũng như nhiều cặp đôi tham gia lễ cưới tập thể năm nay, vợ chồng Lành - Hậu vì hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa có một đám cưới như ước mong.

Mùa dịch đùm bọc, san sẻ

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong một khu phố yên bình của TP Dĩ An (Bình Dương), vợ chồng chị Lành - anh Hậu đang lui cui cùng nhau nấu bữa tối. Sóc - cô con gái nhỏ 18 tháng tuổi - hết níu áo ba rồi lại chạy đến ôm mẹ.

"Tổ dân phố này có chừng 40 hộ thì hết 20 hộ có người nhiễm COVID-19. Tầm này năm ngoái, dịch ở khu này cũng căng lắm", chị Nguyễn Thị Lành (32 tuổi) nhớ lại. 

Nhà ở Bình Dương nhưng hai vợ chồng đều làm việc ở TP.HCM. Lành là cô giáo dạy cấp III, còn chồng chị làm trong ngành dược. Ba tháng mùa dịch, hai vợ chồng cùng với bạn bè, người quen gom góp kinh phí mua rất nhiều xe rau từ Đà Lạt mang xuống đưa vào các xóm trọ cho người lao động.

Cũng không phải dư dả gì nhưng mỗi người góp một tay, cô giáo dạy cùng trường với chị Lành và các anh chị ở một quán chay 5.000 đồng ở Sài Gòn, rồi bạn bè. Sáng nào vợ chồng chị cũng ra quốc lộ đón xe rau mang về hẻm này sơ chế rồi đem đến các khu trọ cho mọi người.

Thời điểm dịch lan mạnh, chị hàng xóm cách nhà vài căn nhiễm bệnh phải vào khu cách ly, cô con gái bằng tuổi bé Sóc đã bú nhờ chị Lành những ngày mẹ vắng nhà. 

"Nhà có con nhỏ chưa đủ tuổi tiêm vắc xin, tôi cũng sợ lây, nhưng thương em bé không có mẹ nên tôi qua bển ở với bé", chị Lành kể.

Cũng như vợ chồng Lành - Hậu, vợ chồng chị Thuyên - anh Quang (cùng 28 tuổi), một trong 100 cặp đôi tham gia đám cưới tập thể năm nay, cũng chạy mướt mồ hôi suốt mùa dịch năm trước. "Lúc đó tôi đang là phó chủ tịch hội phụ nữ phường, "đứng" hợp đồng với siêu thị để đi chợ cho người dân trong phường. 

Siêu thị gần đó không cung ứng đủ hàng nên phải lấy hàng từ nhiều nơi khác, lo lấy hàng và giao đơn đi chợ hộ cả ngày không hết việc", chị Thuyên chia sẻ.

Anh Quang (chồng chị Thuyên) nhiễm COVID-19 cũng phải vào bệnh viện dã chiến điều trị một thời gian. "Lúc đó cũng lo cho chồng lắm, nhưng công việc đi chợ hộ cho người dân vẫn phải đảm đương mỗi ngày đâu có lơ là được. 

Cũng may ảnh vượt qua, về nhà cái cũng xất bất xang bang phụ vợ đi chợ hộ. Có bữa 9h-10h đêm vẫn còn nhận tin nhắn của người dân", chị Thuyên kể.

Một đám cưới kỷ niệm

Năm nay, vợ chồng Lành - Hậu và Thuyên - Quang không còn tất bật phát rau, đi chợ hộ nữa. Họ đang háo hức chờ tới đám cưới được tổ chức đúng vào Ngày Quốc khánh 2-9.

Tính từ hồi yêu đến nay đã là 15 năm anh Hậu - chị Lành bên nhau. Còn tính từ khi kết hôn tới nay cũng 7 năm rồi. Lúc đó, Lành mới ra trường, anh Hậu vừa chuyển việc từ Bình Định vào TP.HCM nên gia đình hai bên chỉ kịp làm lễ dạm hỏi cho hai vợ chồng trước khi cùng nhau vào TP.HCM lập nghiệp.

Mấy năm trời ở trọ, sinh hai đứa con, nuôi con ăn học rồi tằn tiện, tích cóp cũng mua được căn nhà nhỏ ở Bình Dương chứ cũng không thể nào mua được nhà ở TP.HCM. Mọi thứ cứ cuốn đi nên cũng có nghĩ gì đến đám cưới đâu. 

"Được người quen giới thiệu có lễ cưới tập thể nên hai vợ chồng đăng ký, coi như có một chút kỷ niệm, có tấm ảnh cưới để dành. Mỗi cặp đôi đều có một bàn tiệc. Cha mẹ hai bên không vào được nên khách mời của tụi này là vợ chồng anh hàng xóm phụ chở xe rau suốt mùa dịch và mấy đứa học trò trong trường" - chị Lành cười.

Hai vợ chồng chị Thuyên - anh Quang vừa chuyển từ TP.HCM xuống TP Long Xuyên (An Giang) sinh sống, bữa đám cưới sẽ chở nhau lên thành phố. Họ kết hôn từ năm 2019, nhưng kinh tế khó khăn nên cũng chỉ làm bữa cơm gia đình chứ chưa tổ chức đám cưới. 

"Hai năm liên tiếp sau đó gặp dịch giã liên tiếp, giờ được tham dự lễ cưới tập thể là cũng vui lắm rồi", chị Thuyên tâm sự.

Cha mẹ hai bên cũng ở xa không dự được nên khách mời đám cưới của hai vợ chồng là các anh chị bên cơ quan cũ, lúc chị Thuyên còn làm ở phường. "Hai vợ chồng lấy nhau đâu có đi chụp ảnh cưới gì đâu. 

Bữa chương trình cho các cặp đôi đi chụp ảnh cưới ở một phim trường đông vui lắm, có mấy chị bên cơ quan cũ đi theo nữa. Vậy là cũng có cái ảnh cưới để làm kỷ niệm rồi", chị Thuyên chia sẻ.

Ngày Quốc khánh 2-9, 100 cặp đôi làm đám cưới tập thể

Lễ cưới do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (Thành Đoàn TP.HCM) tổ chức vào đúng ngày 2-9, nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh, với sự góp sức và đồng hành của rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp.

Những cặp đôi tham gia lễ cưới là các gia đình công nhân, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tổ chức đám cưới.

Chương trình lễ cưới chính thức sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị tiệc cưới Long Biên Palace (TP.HCM).

100 cặp đôi cùng làm lễ dâng hoa tại tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), sau đó sẽ diễu hành trên xe buýt hai tầng từ trung tâm thành phố về nơi tổ chức lễ cưới.

Ban tổ chức dự kiến sẽ xác lập kỷ lục về cổng cưới truyền thống lớn nhất với chiều dài 14m và chiều cao 6m.

Lễ cưới tập thể của 100 cặp đôi công nhân đúng ngày Quốc khánh Lễ cưới tập thể của 100 cặp đôi công nhân đúng ngày Quốc khánh

TTO - Thức dậy từ 3-4h để chuẩn bị cho ngày trọng đại, 100 đôi uyên ương với áo dài, khăn đóng đã có một ngày 'còn cực hơn đi làm' nhưng đầy nụ cười.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp