14/01/2024 08:07 GMT+7

Năm nay có thay đổi gì trong xét học bạ?

Năm nay các trường có thay đổi gì trong xét học bạ? Có phải ngành CNTT đã bão hòa, có nên theo học không?

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), tư vấn cho học sinh trong chương trình tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa chiều 13-1 - Ảnh: TRẦN HOÀI BÃO

TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), tư vấn cho học sinh trong chương trình tại huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa chiều 13-1 - Ảnh: TRẦN HOÀI BÃO

Ngày 13-1, ba chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 của báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và TP Vinh (Nghệ An).

Hôm nay 14-1, chương trình tiếp tục diễn ra tại Trường ĐH Khánh Hòa (số 1 đường Nguyễn Chánh, TP Nha Trang) và Trường ĐH Hồng Đức (số 565 đường Quang Trung, TP Thanh Hóa).

Những băn khoăn chọn ngành chọn nghề, cách thức xét tuyển... của học sinh đã được ban tư vấn giải đáp cặn kẽ.

Các trường không còn xét học bạ?

Hàng ngàn học sinh xứ Nghệ vượt cơn mưa tầm tã đến dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đầu tiên năm 2024 tại miền Bắc của báo Tuổi Trẻ. Đây là năm thứ 9 chương trình này tổ chức tại Nghệ An và ghi nhận những tác động tích cực đến học sinh cuối cấp THPT trong việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai ở giai đoạn quan trọng chuẩn bị đăng ký dự thi và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Mặc dù kỳ thi và quy định xét tuyển năm nay cơ bản ổn định nhưng nhiều học sinh và các bậc phụ huynh tại chương trình vẫn có nhiều băn khoăn. "Các trường đã bỏ quy định xét học bạ phải không?", khá nhiều học sinh đã hỏi ở phiên tư vấn và tại các gian tư vấn về điều này.

Trao đổi băn khoăn này, PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, khẳng định thí sinh có thể sử dụng tất cả các phương thức tuyển sinh để xét tuyển vào một trường/ngành đào tạo nếu phương thức đó nằm trong đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo.

Trả lời trực tiếp về việc có hay không bỏ phương thức xét điểm học bạ, cô Hiền khẳng định ở Trường ĐH Ngoại thương, về cơ bản các phương thức vẫn ổn định như năm trước. Nhưng có thêm một điểm mới là với các phương thức xét tuyển với học bạ hoặc học bạ kết hợp với các chứng chỉ quốc tế thì phải đảm bảo ngưỡng điểm tốt nghiệp THPT ở các tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường.

Nhiều trường năm nay cũng có thêm quy định này nhưng ngưỡng điểm cụ thể tùy theo quy định của mỗi trường.

Quy định mới nhằm đảm bảo chặt chẽ hơn, tránh tình trạng học sinh được nới lỏng điểm học bạ không đúng với năng lực thực tế. Theo cô Hiền, nếu kết quả học tập của học sinh tốt và thực chất thì điểm thi cũng sẽ đạt mức tương ứng.

Một băn khoăn khác của thí sinh là liệu môn ngoại ngữ trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì cơ hội xét tuyển với tổ hợp có ngoại ngữ sẽ thu hẹp lại không?

TS Nguyễn Thị Cúc Phương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho rằng không chỉ các trường có chuyên ngành ngôn ngữ mà nhiều trường khác sẽ không bỏ phương thức xét tuyển có môn ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển. Vì ngoại ngữ vẫn luôn là môn học phương tiện cần thiết cho sinh viên ở tất cả các ngành nghề khác nhau.

Cô Phương cho rằng quy định của Bộ GD-ĐT là hợp lý vì khi ngoại ngữ là môn lựa chọn thì thí sinh nào cần, có sở trường sẽ chọn. Thí sinh không cần đến sẽ không phải cố học, cố thi.

Ngành CNTT có bão hòa?

Học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại TP Tuy Hòa, Phú Yên ngày 13-1 - Ảnh: LÂM THIÊN

Học sinh dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại TP Tuy Hòa, Phú Yên ngày 13-1 - Ảnh: LÂM THIÊN

"Thời gian gần đây, mình đọc một số thông tin thấy nói ngành công nghệ thông tin (CNTT) đang bão hòa. Nhiều công ty đã cắt giảm lao động, trong khi ngành học này có rất nhiều người theo học. Mình sợ học CNTT xong sẽ khó kiếm việc", bạn Phạm Đình Chương, học sinh Trường THPT Duy Tân (Phú Yên), mang băn khoăn này đến chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP Tuy Hòa để tìm câu trả lời.

Chương chia sẻ từ hồi học THCS bạn đã thích học ngành CNTT. Nhưng khi nghe nhiều người nói ngành học bão hòa, bạn đâm ra lo lắng muốn tìm thêm những lựa chọn dự phòng. Tại chương trình, Chương đi lần lượt các gian tư vấn hỏi thêm một số ngành học khác. Ưu tiên của bạn vẫn là các ngành có thể áp dụng được công nghệ số như thiết kế đồ họa.

Tương tự dù mới học lớp 10 nhưng bạn Lương Phước Nguyên Đức, học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), tự thống kê và nhận thấy số lượng trúng tuyển các ngành CNTT ở những trường ĐH lớn đã tăng đáng kể trong 5 năm qua. Điểm chuẩn ngành học này ở những trường top luôn rất cao nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển của ngành CNTT ở nhiều trường ĐH năm sau vẫn tăng thêm.

"Một phần cũng vì băn khoăn này nên mình đang tìm hiểu một chương trình liên kết quốc tế ngành CNTT. Mình nghĩ một chương trình quốc tế có thể sẽ tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho mình so với rất nhiều bạn sẽ học CNTT", Đức nói.

Trong khi đó, thầy Dương Tấn Khoa, bí thư Đoàn trường, Trường THPT Lê Thành Phương (Phú Yên), chia sẻ nhiều học sinh tại trường thời gian qua cũng tâm sự đang băn khoăn một số ngành hiện có rất đông người theo học như CNTT, liệu có phải cạnh tranh khốc liệt hơn lúc ra trường? Không ít bạn lo rằng một ngành học có quá nhiều bạn khác theo học không phải là lựa chọn "an toàn" mà đôi khi sẽ "khốc liệt" hơn.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết một số dự án đánh giá nguồn nhân lực cho thấy TP.HCM dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 150.000 kỹ sư CNTT. Tuy nhiên trong năm qua lại ghi nhận một số công ty CNTT trong nước cắt giảm nhân sự.

Các công ty này phần lớn đang đảm nhận khâu gia công cho các đối tác nước ngoài nên khi hụt đơn hàng kéo dài thì công ty sẽ cơ cấu lại nhân sự. Tuy nhiên, do ngành CNTT khá linh hoạt nên nhân sự có thể dễ dịch chuyển sang một số công việc khác có nhu cầu số hóa tại Việt Nam.

Theo ông Thắng, điều quan trọng hơn khi tìm hiểu ngành học của thí sinh là sự yêu thích. Có bạn chọn một ngành học chỉ vì ngành đó rộng cửa có việc làm nhưng lại không đam mê, sau đó đã thừa nhận bốn năm ĐH của mình như một "cực hình".

Ngược lại, khi đã yêu thích và có sự tìm tòi, các bạn trẻ sẽ luôn có được sức cạnh tranh ngay cả trong trường hợp bão hòa nhân sự.

Các trường quân đội xét tuyển học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực từ năm 2024Các trường quân đội xét tuyển học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực từ năm 2024

Năm 2024, các trường quân đội sẽ có thêm 2 phương thức xét tuyển: dựa trên học bạ và kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp