30/11/2014 09:16 GMT+7

​Nấm hương “thương” phụ nữ

DS LÊ KIM PHỤNG
DS LÊ KIM PHỤNG

TT - Các nhà khoa học Mỹ đang mở rộng nghiên cứu dùng chiết xuất từ nấm hương để ngăn chặn ung thư cổ tử cung. Còn y học cổ truyền đã coi nấm hương là thuốc bổ cao cấp.

Nấm hương khô được bán tại chợ Bà Chiểu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chiều 29-11 -  Ảnh: Quang Định

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 275.000 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung và theo số liệu báo cáo ở Mỹ hằng năm có 12.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh này. Ở nước ta và những nước đang phát triển cứ 100.000 người có 10-20 người được chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

8 người khỏi bệnh

Một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV (human papilloma virus) gây nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục.

Hiện nay đã có hai loại văcxin ngăn chặn HPV gây bệnh ung thư cổ tử cung ở người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các cơ quan y tế công cộng tại Úc, Canada, châu Âu và Hoa Kỳ luôn khuyến khích phụ nữ trẻ nên chích ngừa để phòng tiền ung thư cổ tử cung, và cũng nhằm góp phần giảm kinh phí điều trị ung thư cổ tử cung hằng năm cho chính phủ.

Mới đây, theo kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học thuộc Đại học Texas (Hoa Kỳ), công bố trên tạp chí Women Health (1-11-2014), việc ăn nấm hương (Shitake mushroom) góp phần ngăn chặn được căn bệnh này.

Họ đã tìm ra một chiết xuất mới được phân lập từ nấm hương và chất này được xem là chìa khóa thành công để loại trừ HPV là nguyên nhân gây 99% ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Trong nghiên cứu này, 10 phụ nữ chẩn đoán nhiễm HPV được cho sử dụng chiết xuất từ nấm hương mỗi ngày một lần. Sau sáu tháng, 8 người trong số 10 người được xem là hoàn toàn khỏi bệnh.

Giáo sư Judith Smith, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Các kết quả rất đáng khích lệ, chúng tôi rất phấn khởi khi theo đuổi đề tài này, chỉ bằng cách dinh dưỡng nhưng có thể điều trị được HPV...”.

Món nấm hương xào

Bạn có thể chọn món nấm hương cho thực đơn của mình, cách chế biến thay đổi tùy khẩu vị, nhưng đơn giản nhất là nấm hương xào.

Cách làm: chuẩn bị 200 gam nấm hương tươi, 1 tép tỏi băm nhỏ, 1 muỗng canh nước cốt chanh, 2 muỗng canh dầu ôliu (hoặc 2 muỗng bơ lạt), 1 muỗng canh nước tương.

Đun nóng dầu cho tỏi vào phi thơm, sau đó cho nấm hương vào, xào trong khoảng 5 phút cho chín, cho nước cốt chanh và nước tương vào, tiếp tục đun thêm một vài phút và sau đó thưởng thức món ăn.

Nấm hương từ lâu đã được sử dụng làm thức ăn và cũng dùng trong y học chính nhờ có chứa polysaccharide, acid amin, nhiều vitamin nhóm B và khoáng tố có lợi. Hoạt chất mang hoạt tính sinh học của nấm hương là chất active hexose correlated compound (AHCC) là một alpha-glucan giàu nguồn chất dinh dưỡng chứa nhiều trong các tế bào sợi nấm hương, có tác dụng kích thích mạnh lên hệ miễn dịch, điều này rất có lợi để cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng và ung thư.

Giáo sư J. Smith khẳng định: “Công trình được tiếp tục nghiên cứu và mở rộng trên nhiều người tình nguyện cùng tham gia trong nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2. Hi vọng AHCC sẽ là một chất dinh dưỡng bổ sung lợi ích cho hệ miễn dịch và không có tác dụng phụ, chỉ trong sáu tháng sử dụng để tìm ra kế hoạch điều trị dứt điểm căn bệnh này”.

Thuốc bổ cao cấp

Theo y học cổ truyền, nấm hương vị ngọt tính bình, có tác dụng bổ tì, ích khí, dưỡng huyết, tiêu đờm, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, ức chế tế bào ung thư, hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi thận và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa...

Tuy nhiên, theo tài liệu của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, nấm hương chỉ được xem là một loại “rau sạch, thịt sạch”, một thực phẩm dùng để chế biến các món ăn có ích cho những người bị thiếu máu, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipit máu, trẻ em suy dinh dưỡng và người già suy nhược cơ thể, người ăn chay ăn mặn đều tốt.

Y học cổ truyền Trung Quốc cũng như Nhật Bản xếp nấm hương là thuốc bổ cao cấp, thơm ngon đặc biệt nên được tôn là “dược diệu” chống lão suy.

Ở nước ta, nấm hương có nguồn gốc thiên nhiên và nuôi trồng công nghiệp. Việc hái nấm hương trên các thân cây cũng cần chú ý kỹ lưỡng để tránh hái nhầm nấm độc.

Các độc chất trong nấm gây kích ứng đường tiêu hóa, hủy hoại tế bào gan, thận, làm tê liệt thần kinh, đặc biệt hơn là độc tố coprine trong nấm có tác dụng ức chế men aldehyd dehydrogenaza là men chuyển đổi acetaldehyde thành acid acetic.

Do đó những người uống rượu kèm ăn nấm thì nguy cơ ngộ độc rượu tăng lên vì sự tích tụ quá cao của lượng aldehyd trong máu gây cảm giác nóng bừng mặt, nhức đầu, buồn nôn, đánh trống ngực và khó thở, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Khi mua nấm nên chọn nấm non và tươi. Chỉ nên dùng trong 12 giờ sau khi thu hái. Trong nấm độc có chứa chất màu trắng đục giống như sữa bò. Nấm độc thường làm thay đổi màu sắc khi đun nấu trong vật dụng bằng bạc hoặc kim loại, nấm độc có thể biến vật dụng này thành màu đen.

DS LÊ KIM PHỤNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp