Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tổn thương niêm mạc họng - miệng - Ảnh: Hữu Khoa |
Vì sao lại gọi là tích tụ quá mức và sự quá mức này lại gây bệnh?
Bình thường trong miệng cũng như một số nơi khác trong cơ thể chúng ta có rất nhiều vi khuẩn thường trú.
Tuy cũng là vi khuẩn nhưng chúng được cơ thể chấp nhận (tất nhiên với số lượng phù hợp) và “chung sống hòa bình” với nhau.
Cùng với hoạt động của hệ thống miễn dịch, cả hai giúp cơ thể khống chế các chủng vi khuẩn cũng như vi nấm gây bệnh, không cho chúng sinh sôi nảy nở gây hại cho cơ thể.
Vì vậy, dù 9-25% người bình thường có nấm Candida albicans hiện diện trong họng - miệng nhưng chúng bị “lép vế” so với các vi khuẩn có lợi và không gây bất cứ phiền phức nào. Nhưng nếu vì nguyên cớ nào đó thế cân bằng bị phá vỡ, các vi nấm sẽ phát triển lấn lướt, nhanh chóng gia tăng số lượng, chiếm “địa bàn” cũng như môi trường dinh dưỡng, gây loạn dưỡng và biến đổi cấu trúc niêm mạc họng - miệng, nơi chúng xâm chiếm, thế là các triệu chứng bệnh lý xuất hiện!
Khi “thế trận” mất cân bằng
Các nguyên nhân gây phá vỡ cân bằng giữa “phe phòng vệ”-hệ miễn dịch cùng các vi khuẩn thường trú “có lợi” - với “phe xâm lăng” - vi nấm hoặc các vi khuẩn độc hại - cũng chính là các nguyên nhân gia tăng khả năng gây bệnh nấm họng-miệng. Một số nguyên nhân thường gặp hơn là:
* Nhiễm HIV/AIDS: virút HIV có đặc tính chuyên tiêu diệt các tế bào của hệ miễn dịch nên làm cơ thể mất khả năng đề kháng. Bị bệnh nấm họng - miệng tái đi tái lại liên tục chính là biểu hiện dễ thấy đầu tiên của nhiều bệnh nhân HIV/AIDS.
* Ung thư: sự xâm lấn, tranh đoạt dưỡng chất của các tế bào ung thư lẫn các biện pháp trị liệu ung thư như hóa trị và xạ trị đều gây suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida.
* Đái tháo đường: người bệnh đái tháo đường nếu không điều trị nghiêm túc thì trong nước bọt có chứa một lượng đường kha khá, là môi trường thuận lợi để vi nấm phát triển.
* Nhiễm nấm âm đạo: Candida albicans cũng là loại nấm gây bệnh nấm âm đạo, do vậy phụ nữ nhiễm nấm âm đạo sẽ gây nhiễm nấm miệng cho em bé trong quá trình sinh đẻ (lúc mang thai thì không sao). Họ cũng có thể gây nhiễm nấm họng - miệng cho bạn tình.
Ngoài các nguyên nhân lớn trên, một số người cũng có nguy cơ mắc bệnh nấm họng - miệng cao như:
- Mang răng giả thường xuyên hoặc vệ sinh răng miệng kém.
- Sức khỏe suy yếu do thiếu máu hoặc suy dinh dưỡng.
- Sử dụng các thuốc kháng viêm corticoides hoặc kháng sinh kéo dài.
- Hút thuốc lá.
Triệu chứng và điều trị
Giai đoạn đầu của bệnh nấm họng - miệng có thể kéo dài một thời gian mà người bệnh không nhận biết vì không có triệu chứng gì đặc biệt.
Dấu hiệu sớm người bệnh nhận thấy là đau nhói trong họng - miệng tại vị trí nhiễm nấm. Đau không nhiều lắm nhưng gây khó chịu và có thể làm giảm vị giác. Ngoài ra họ cũng có thể bị ho.
Các việc giúp phòng chống bệnh nhiễm nấm họng - miệng: - Vệ sinh răng miệng: đánh răng và súc miệng sau khi ăn, đặc biệt sau khi dùng các loại thuốc xịt họng có corticoides. - Khám răng định kỳ, nhất là khi có mang răng giả thì phải làm sạch mỗi đêm trước khi ngủ. - Ăn nhiều sữa chua, rau xanh cùng với siêng năng vận động thể chất. Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường. - Hạn chế hoặc không hút thuốc lá. |
Quan sát trong niêm mạc họng - miệng, tổn thương dễ dàng thấy là những lớp trắng, mềm, mỏng như lớp bựa hoặc fromage trên lưỡi, mặt trong má, trên amygdales hoặc trên vòm miệng, trên nướu răng...
Lớp trắng này dễ được bóc ra khi cạo nhẹ bằng que gòn, khi đó chúng ta sẽ thấy lộ ra niêm mạc bên dưới bị sung huyết đỏ tươi nhưng không chảy máu.
Thường nấm họng - miệng chỉ dừng ở mức độ gây khó chịu chứ hiếm khi là vấn đề lớn cho sức khỏe, nhưng nếu bội nhiễm thêm vi trùng hoặc trên những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng thì bệnh nấm họng sẽ nặng nề hơn, làm bệnh nhân đau đớn, khó ăn khó nuốt khi lan xuống thực quản.
Nếu lan xuống ruột sẽ gây trở ngại cho sự hấp thu dưỡng chất. Ngoài ra nấm còn có thể lây lan đến phổi hoặc gan và gây tổn thương thêm cho các cơ quan này.
Tùy mức độ bệnh, sức đề kháng của người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp và các thuốc điều trị khác nhau.
Về căn bản, người bệnh sẽ được cho dùng thuốc chống nấm toàn thân (thuốc uống) hoặc tại chỗ (thuốc bôi và thuốc súc miệng), hoặc phối hợp cả hai phương pháp (các thuốc kháng nấm thường được kê toa là: Clotrimazol, Nystatin, Amphotericin B, Fluconazol, Itraconazol...).
Tuy nhiên, hầu hết thuốc kháng nấm đều có thể có tác dụng phụ nặng nề đối với người bệnh, đặc biệt trên gan. Vì vậy, việc sử dụng các thuốc kháng nấm phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
Người bệnh nên tuân thủ theo đúng lịch điều trị của bác sĩ, bởi nấm Candida thường rất dễ tái phát, do vậy luôn phải điều trị triệt để, đủ liều, đủ thời gian; bên cạnh việc dùng thuốc phải lưu ý loại bỏ các yếu tố thuận lợi để vi nấm phát triển và vệ sinh miệng, họng thường xuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận