Bộ Y tế được giao 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công trung hạn, nhưng tiến độ giải ngân, tính đến cuối tháng 4 mới chỉ 1,3% tổng vốn được phân bổ, và trong năm 2017 cũng chỉ được 54,7%... (Tuổi Trẻ ngày 26-5).
Nhiều dự án xây bệnh viện "dần xây", hệ quả là phải xin gia hạn thời gian hoàn thành dự án, làm tăng vốn đầu tư so với ban đầu. Nhưng quan trọng nhất là hàng vạn bệnh nhân và các y bác sĩ vẫn phải chen nhau trong không gian chật hẹp của bệnh viện.
Phải khám chữa bệnh trong điều kiện cơ sở vật chất tồi tàn, nghèo nàn, không gian chật hẹp do thiếu tiền thì cũng cam chịu. Đằng này, tiền có đủ, mặt bằng cũng sẵn sàng, mọi người đều bức xúc trước tình trạng quá tải ở bệnh viện và mong muốn có thêm cơ sở xây mới, vậy mà người có trách nhiệm lại triển khai ì ạch.
Quá tải bệnh viện ở mức nào? Gọi đúng tên là nạn quá tải bệnh viện bởi thực trạng này diễn ra từ lâu, ở nhiều nơi. Người đứng đầu ngành y tế từng thị sát bệnh viện và chứng kiến cảnh khổ sở của người bệnh.
Một giường bệnh ung thư phải nằm 2 người, thậm chí 3, 4 người. Có bệnh nhân phải nằm dưới gầm giường, hành lang, cầu thang bệnh viện. Bệnh nhi, đối tượng cần được ưu ái nhất, vẫn chen chúc nhau trong các cơ sở chữa trị. Đi khám bệnh thì phải chờ đợi...
Mọi người đều có quyền được khám và chữa bệnh. Đất nước phát triển, người bệnh đòi hỏi phải được điều trị trong những cơ sở y tế khang trang. Đó chính là phúc lợi xã hội mà Nhà nước dù còn bao khó khăn nhưng vẫn ưu tiên vốn để người bệnh đã đau vì bệnh tật không phải thêm đau, vất vả vì nạn quá tải.
Vậy mà có tiền cũng không xong. Vẫn quá tải, vẫn khổ, vẫn vất vả. Bệnh viện xây mãi không xong, phúc lợi của Nhà nước trao cho người dân đã bị rơi rớt, cầm hãm ở nơi nào đó.
Để xảy ra cảnh bệnh viện "dần xây", Bộ Y tế đã không hoàn thành nhiệm vụ mà xã hội đã giao. Nguyên nhân như Bộ Xây dựng chỉ ra: do năng lực bộ máy quản lý dự án ngành y tế yếu kém... Đã biết nguyên nhân của bệnh viện "dần xây", vậy thì phải bắt tay ngay vào chữa trị, không thể chần chừ.
Cần lưu ý rằng nạn quá tải bệnh viện đã gây ra quá nhiều bức xúc, đó cũng là nguồn cơn của nhiều bức xúc khác nơi người dân. Giảm tải bệnh viện cũng là góp phần giảm nỗi bức xúc trong xã hội. Do vậy, phải đưa "người bệnh dần xây bệnh viện" vào phòng cấp cứu và tích cực cứu chữa.
Những bộ phận nào hư hỏng, phải chấp nhận cắt bỏ, không chần chừ, đừng khoan nhượng. Chỉ có thế mới chấm dứt cảnh bệnh nhân nằm ghép còn công trình xây bệnh viện luôn được gắn biển "dần xây".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận