24/02/2014 10:35 GMT+7

Nằm gai nếm mật giữa Trường Sơn

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ

TT - Hơn 20 năm lặng lẽ sống với rừng Trường Sơn, Lê Ka Thắng, kiểm lâm viên Khu bảo tồn sao la Quảng Nam, quý rừng như tình nhân đến nỗi vợ con phải “ghen” vì điều đó. Anh là người đặt chiếc bẫy thành công để thế giới biết loài sao la còn tồn tại. Bạn bè trìu mến gọi anh với biệt danh: sống cùng hoang dã.

Kỳ 1: Kỳ 2:

O2Tq8s3o.jpgPhóng to
Lắp đặt máy ảnh để bẫy ảnh thú - Ảnh: Đoàn Cường

Khát khao cháy bỏng

Đêm ở tiểu khu 14 cái lạnh như ngàn mũi kim chích vào da thịt. Anh Trương Minh Đến (chuyên viên Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế - WWF) lấy nhiệt kế ra đo, nhiệt độ ngoài trời hiện lên 8OC. Ngồi bên đống than củi, ai cũng hiện vẻ mặt lo ngại cho đồng đội Lê Ka Thắng, Bhling Te, Bhling Hơn. Họ đi đặt bẫy ảnh xuyên đêm vẫn chưa về, mỗi người chỉ lận theo một gói mì tôm và ngọn đèn “đom đóm” trên đầu.

"Thi thoảng lại gặp những vạt môn thục bị ăn dấu vết còn mới. Chúng tôi lại nhen nhóm một tia hi vọng là sao la vẫn còn"

Kiểm lâm viên Lê Ka Thắng

Kiểm lâm viên Đặng Thi bồn chồn nói: “Ở đây tôi được anh em kêu là già làng nên những chuyến đi đêm Thắng thường tự nguyện đi thay vì cậu ấy bảo tôi đi không an toàn, cậu ấy rành đường sá nên để cậu ấy đi. Thắng rành rõ từng cái cây trên đường đi, nhưng có lần leo lên khe đá nơi thượng nguồn con suối Brùha túm tay trúng hòn đá “thầy tu” nên trượt rớt cái ùm. Mấy anh em vội xúm lại cáng Thắng về lán, may mà cú đó dưới suối không có đá ngầm, không thì bể đầu rồi”. Mấy ngày sau, khi khỏe lại, Thắng lẳng lặng về nhà mang theo một con gà, chai rượu vào đúng chỗ bị té để cúng thần rừng, thần suối. Sau lần đó, anh lại phăm phăm lội rừng lội suối.

Quá nửa đêm, anh Thắng cùng đồng đội vẫn chưa về. Tiếng thú rừng hoang thoảng vọng lại. Một giờ rồi hai giờ trôi qua. Cuối cùng cái giọng pha xứ Quảng và xứ Bắc của Thắng cũng oang oang dưới suối. Chúng tôi lao ra khỏi võng mừng rỡ. “Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, anh em còn hơn cả máu mủ ruột rà”, anh Thi nói. Anh chuẩn bị sẵn ly rượu để đồng đội chống cái lạnh. Mặt mày tím tái nhưng nụ cười trên mặt Thắng chẳng bao giờ tắt.

Bên bếp lửa, anh Thắng kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện sao la. “Gần 40 tuổi đời, hơn 20 năm lăn lộn trong rừng đến tôi cũng chẳng dám mơ mình sẽ nhìn thấy sao la hay đặt bẫy ảnh được chúng. Thử hỏi tất cả anh em khu bảo tồn, WWF ai không khát khao cháy bỏng điều đó” - anh Thắng chia sẻ. Những người như anh Thắng, Thi, Đến, Hơn... cũng có lúc tưởng chừng như đi tìm một thứ vô vọng. Họ cứ đi biền biệt, cứ đặt bẫy ảnh, cứ bắt vắt nhưng sao la thì chưa thấy. Thắng nhìn vào ngọn lửa đang cháy: “Nhưng thi thoảng lại gặp những vạt môn thục bị ăn dấu vết còn mới. Chúng tôi lại nhen nhóm một tia hi vọng là sao la vẫn còn”.

eqLok3cx.jpg
Kết thúc mỗi chuyến đi, Trương Minh Đến - chuyên viên WWF - cẩn thận ghi lại tất cả thông số kỹ thuật - Ảnh: Đoàn Cường

Kết quả của năm tháng liền bẫy ảnh

Và sao la còn thật. Niềm tin của anh Thắng, của những người đi bảo tồn loài động vật quý hiếm này đã được đền đáp. Ngày 7-9-2013, cả thế giới biết đến điều này. Nhưng ít ai biết tác giả đặt bẫy ảnh đó chính là anh Thắng. Và cũng ít người biết rằng: thông thường bẫy ảnh chỉ đặt khoảng hai tháng một lần ở một vị trí bí mật, sau đó di chuyển đến điểm khác. Còn chiếc máy ảnh anh Thắng bẫy được ảnh của sao la ở dãy Trường Sơn ấy đã được đặt đến... năm tháng liền.

“Lúc đó tôi thấy dấu hiệu sao la rất rõ. Sao la ăn khác sơn dương, không ăn thành vạt hay giẫm nát đám môn, không để thức ăn vương vãi như lợn rừng. Dấu ăn của sao la thưa thưa và kéo thành vệt dài khoảng 10cm, tôi cố tình giữ máy ảnh ở vị trí này” - anh Thắng kể. Nói về sao la, kinh nghiệm của người đi rừng từ nhỏ như anh Thắng nói mãi không hết chuyện. Anh giải thích: “Sao la có thói quen bẻ các cây có kích thước bằng ngón tay hoặc ngón chân rồi dùng mũi ngoáy vào đó. Các già làng còn kể với tôi rằng có thể nhận biết được mùi hôi đặc trưng của các cây bị sao la “ngoáy mũi”. Có thể đây là cách sao la đánh dấu các cây trong vùng sống của mình. Hiện tượng “ngoáy mũi” mà các già làng mô tả có thể là việc cọ tuyến xạ trước ổ mắt vào các cây bị bẻ gãy”.

Tin vào điều mình thấy, nhưng lúc thu máy ảnh ở “tọa độ mật” mang về, anh Thắng và anh em trong tổ cũng chẳng ai nghĩ thẻ nhớ của chiếc máy ảnh đã lưu được những hình ảnh đầu tiên sau 15 năm vắng bóng của loài linh vật này. Vẫn theo quy trình, thẻ nhớ được niêm phong, chuyển cho WWF. Còn anh Thắng và các anh em khác lại tiếp tục hành trình đi tìm sao la giữa rừng Trường Sơn hùng vĩ. Cho đến 58 ngày sau, khi anh kết thúc chuyến hành trình của mình, vừa đặt chân đến khu bảo tồn thì mọi người ôm hôn anh thông báo đã tìm thấy sao la trên máy ảnh của anh. “Mất mấy phút tôi mới trấn tĩnh được, mừng rơi nước mắt. Chúng tôi tổ chức một buổi liên hoan nhỏ như để tự thưởng cho mình ly bia sau những nỗ lực không mệt mỏi” - anh Thắng kể.

“Cặp bồ” với rừng

Gốc là người Tày ở Lạng Sơn, vào Quảng Nam theo cha mẹ, từ nhỏ anh Thắng đã sống, đã thở với núi rừng. “Lúc đi học kiểm lâm cực quá, thực tập ở miền núi Trà My không có tiền, tôi vừa thực tập vừa đi cuốc đất, làm rẫy thuê cho người dân để lấy gạo ăn” - anh Thắng nhớ lại. Những ngày đầu mới chuyển lên Tây Giang sinh sống, anh thấy bà con vẫn giữ tập tục săn bắn thú. Nhưng anh thì “quán triệt” vợ con không được đụng tới dù là một miếng. “Cũng vì vậy mà một số đồng bào tẩy chay mình, nói là không tốt, đi ngược lại với cuộc sống của dân nơi đây” - anh Thắng nhớ lại.

Nhiều người đi rừng cần la bàn, bản đồ này kia, còn anh chỉ cầm chắc cây rựa trên tay là đi. “Anh thuộc rừng như lòng bàn tay. Thậm chí chỗ nào có sóng điện thoại là ảnh biết” - ông Hà Phước Phú, phó giám đốc khu bảo tồn, nói. Cũng theo ông Phú, quy định của khu bảo tồn là tất cả cán bộ trong một tháng phải đi rừng 16 ngày, sáu ngày làm công việc khác. Riêng với anh Thắng thì đi miết, sống trong rừng nhiều hơn ở nhà khiến có lần vợ anh còn nổi cơn ghen với... rừng. Anh Thắng kể: “Có lần vợ hỏi: ông cặp bồ với rừng hay sao mà đi khan rứa. Tôi chỉ cười nịnh vợ và hai đứa con rồi lại đi”.

Năm 2013, anh Thắng cùng kiểm lâm viên Nguyễn Xuân Lĩnh và mấy anh em đi vào rừng Aur. Lúc đó tổ công tác nghĩ chuyến đi khoảng 5-6 ngày sẽ ra khỏi rừng. “Ai dè dính mưa bão nhốt luôn trong rừng đến 8-9 ngày chưa ra được. Nhìn dòng nước hung hãn quét sạch mọi thứ nó tràn qua mà khiếp. Lỡ chân là tan xương. Gạo gùi đi chỉ đủ năm ngày, mấy anh em nấu cháo loãng húp cầm hơi” - anh Thắng kể. Thông tin liên lạc không có. “Đã vậy, người nhà của anh em mỗi ngày điện 6-7 cuộc hỏi thăm cậu ấy đâu rồi, có sao không. Chúng tôi nói dối là vẫn khỏe không có chi” - ông Phú nhớ lại. Những chuyện nằm kẹt lại giữa rừng, hay bị rắn cắn, sốt rét rừng đã trở thành quen thuộc như cơm bữa với những người miệt mài tháng năm ở khu bảo tồn này.

__________

Có ai ngờ đến một ngày có những người từ khắp tứ phương trên thế giới đổ về rừng Quảng Nam để nghiên cứu, tìm tòi, đặc biệt là các đoàn làm phim và giới săn ảnh.

Kỳ tới: Thêm những người bạn

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp