Hợp lý
Tôi thấy việc thay người dần dần là hợp lý, nâng cao dần chất lượng cán bộ. Việc không tuyển bằng tại chức chỉ là cách nói, chứ thật ra trên rất nhiều thông báo tuyển dụng của các cơ quan nhà nước, trường học, công ty đã có ý này lâu rồi, nhưng diễn đạt cách khác. Ví dụ, một trong các điều kiện là “tốt nghiệp ĐH hệ chính quy”, như thế cũng có nghĩa không nhận hệ tại chức rồi. Một số nơi còn thêm điều kiện như tốt nghiệp trường này trường nọ.
Có công bằng không? Tôi cho rằng công bằng quá đi chứ. Vì khi thi tuyển đầu vào ĐH là công khai cả nước, ai chăm học, học giỏi (dĩ nhiên có chút may mắn) thì đậu ĐH tốt... Ai học lực yếu, năng lực thấp hơn thì thi cao đẳng, trung cấp... và vẫn rớt thì học tại chức. Tôi thấy quá rõ ràng, không có gì phải phàn nàn.
TRÂM
Không nên đánh đồng
Những người học tại chức là những người vừa làm vừa học. Đó là những người có chí cầu tiến. Việc mua điểm chỉ là do một số bộ phận giảng viên và sinh viên không lành mạnh. Đánh đồng tất cả thật vô lý. Tuyển nhân sự không nên phân biệt tại chức hay chính quy. Cứ phỏng vấn người ta xem thế nào, nếu được thì nhận vào làm. Nếu gặp người mua điểm thi thì khi phỏng vấn sẽ lộ ra ngay.
Như tỉnh Kiên Giang tôi lúc trước đến giờ làm gì có ĐH nào. Nhiều người đâu có khả năng kinh tế đi xa học. Chúng tôi phải học từ xa, học tại chức để nâng cao trình độ, chẳng lẽ chúng tôi không được học chính quy là không học luôn sao? Không nhận bằng tại chức chẳng phải dồn chúng tôi vào đường cùng?
NGUYỄN ANH TUẤN
Hai lần phạm luật?
Lần thứ nhất phạm luật là khi sở này đưa ra quy định không tuyển những người có bằng tốt nghiệp ĐH tại chức và bằng tốt nghiệp ĐH do các trường ĐH ngoài công lập cấp. Động thái này đã vi phạm hai luật: Luật công chức và Luật giáo dục. Cả hai luật này đều coi bằng ĐH tại chức và chính quy có giá trị như nhau, không phân biệt ĐH công lập hay ĐH ngoài công lập. Đó là chưa nói đến việc Sở Nội vụ Nam Định đưa ra quy định này là sai thẩm quyền vì quy chế thi tuyển công chức do Bộ Nội vụ ban hành. Sở nội vụ cấp tỉnh, TP không được làm trái quy chế này.
Lần thứ hai phạm luật khi sa thải hàng chục giáo viên dạy tiếng Anh dựa trên chính quy định trái pháp luật do Sở Nội vụ Nam Định ban hành. Thực chất việc này vô hiệu vì bất cứ quy định pháp quy có tính cưỡng chế nào cũng đều không hồi tố. Trừ trường hợp pháp luật có quy định đặc biệt theo hướng có lợi cho người được/bị áp dụng quy phạm pháp luật đó. Nếu cứ áp dụng hồi tố kiểu này, Sở Nội vụ Nam Định có dám sa thải tất cả công chức, viên chức của tỉnh Nam Định đang sử dụng bằng ĐH tại chức và bằng ĐH được các trường ngoài công lập cấp không?
NGUYỄN THIỆN TÂM
Coi chừng phản tác dụng
Hết phân biệt tại chức với chính quy, lại đến công lập và dân lập, nếu 63 tỉnh thành đua nhau áp dụng kiểu này thì chắc phải dẹp hết các trường dân lập, xóa bỏ hệ tại chức... Điều này chỉ gây nên bức xúc xã hội, càng dễ xảy ra hiện tượng chạy chỉ tiêu vào công lập, chạy chỉ tiêu vào biên chế, cơ chế quan liêu hình thành... hậu quả xã hội thật khôn lường.
Chưa đi thi đã biết trượt Hiện nay tôi là giáo viên hợp đồng đã đi dạy được 13 năm và trong 13 năm ấy chưa năm nào tôi bị xếp giờ dạy loại khá. Tôi cũng đã nhiều lần dự thi giáo viên giỏi và theo như đánh giá của chuyên viên phòng giáo dục về dự giờ thì giờ dạy của tôi đạt loại giỏi dù tôi chỉ học tại chức. Thế nhưng dù đã mấy lần thi tuyển công chức tôi vẫn bị trượt, không phải tôi bị điểm kém (tính trung bình tôi đạt 9 điểm/môn, có lần còn cao hơn), vậy tại sao? Chỉ vì tôi thua những người được cộng điểm ưu tiên và những người đã “đi cửa sau”. Chưa đi thi mà đã biết mình trượt vì ngồi trong phòng chờ thi vấn đáp thấy cán bộ coi thi và cán bộ phòng nội vụ nói chuyện với nhau rõ như ban ngày là nhận mấy suất, giá thế nào, mà trong mấy trăm thí sinh chỉ tuyển 24 người. Vậy chúng tôi còn cơ hội nữa không? HÀ PHƯƠNG MAI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận