09/02/2013 08:07 GMT+7

Nam Bộ: Cầu "dừa" đủ xài

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TTXuân - Năm nào cũng vậy, sáng 23 tháng chạp (âm lịch) là ông Phạm Hưng Thạnh (Năm Thạnh, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) dậy rất sớm để chuẩn bị bàn thờ ông bà.

cErfDIIP.jpgPhóng to
Ông Năm Thạnh và con cháu chuẩn bị mâm ngũ quả cúng Tết - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

“Bữa nay đưa ông Táo về trời, sẵn làm luôn đặng bữa 30 rước ông bà về ăn Tết - ông Năm rỉ rả - Tui thứ Út, mà theo tục lệ “giàu út ăn, nghèo út chịu” nên “bao” hết chuyện cúng kiến, giỗ quảy, đám tiệc. Tất nhiên là mình chỉ huy, coi sóc, làm thì có con cháu, dâu rể. Dân Nam bộ ai cũng vậy, từ 23 Tết là đã rục rịch lo cái bàn thờ. Ai kẹt lắm cũng kéo dài tới 30 Tết là phải xong”.

Trong căn nhà xây tường đơn sơ mà ấm cúng, ông Năm chọn nơi trang trọng nhất, đẹp đẽ nhất là mé trái phòng khách làm gian thờ. Ông bố trí hai tủ thờ dựa vô vách, mặt chính quay ra ngoài. Trên tường, giữa tủ thờ là những khung hình của người quá cố được bố trí theo thứ tự: hàng trên cùng là ông bà nội, bên dưới là các ông bà Bảy, Tám, Chín. Riêng hình tía má, ông Năm để riêng ở tủ thờ kế bên. Điều đặc biệt, chính giữa gian thờ có bức vẽ chữ Nho mang dòng chữ “Phạm Phủ Đường” trang trọng.

Gian thờ ông bà từ xưa đã đi vào cuộc sống tâm linh của người dân Nam bộ. Mỗi gia đình, dù giàu hay nghèo đều bố trí gian thờ đúng nghĩa. Đó là nơi tụ họp của con cháu trong nhà mỗi lần giỗ chạp, cưới hỏi và lễ tết trang trọng, coi như có mặt đông đủ dòng họ, không có cảnh âm dương cách biệt. Trong tâm thức con cháu, ông bà vẫn sống mãi. Mỗi khi có món ngon vật lạ, con cháu đều dâng cúng, bất kể ngày thường hay lễ tết. “Ba tui hồi còn sống, ngày giỗ ông có thói quen đứng kế bên bàn thờ, kêu con cháu quây quần lại nghe kể về những kỷ niệm của ông bà, để tưởng nhớ, biết ơn người đã có công sinh thành, dưỡng dục, nuôi dạy mình nên người” - ông kể.

Sau khi lau dọn sạch sẽ bàn thờ, hình ảnh, bộ lư, chưn đèn, lư hương, ông Năm bắt đầu soạn đồ chưng mâm ngũ quả. Ông lấy cái dĩa bự nhứt trong nhà, để lên đó năm loại trái cây đặc trưng Nam bộ gồm: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Sau đó mới lựa thêm mấy loại trái đẹp, có màu sắc sặc sỡ như quýt hồng, khóm (thơm), nho… để trang trí. Xếp đặt tỉ mỉ một hồi ông lại ngồi ngó nghiêng ngó dọc, hết xoay ngang lại xoay dĩa trái cây, lại chỉnh sửa, thêm thắt, rồi gật gù tâm đắc. Lúc này đã có một mâm trái cây thiệt đẹp, với đủ màu xanh đỏ tím vàng sặc sỡ và ý nghĩa đơn sơ mà đặc trưng Nam bộ: cầu vừa đủ xài, sung, thơm và nho nhã.

Ông Năm giải thích: “Ông bà mình nói mâm ngũ quả là năm loại trái cây, thường là mãng cầu, đu đủ, dừa, xoài, sung; gởi gắm ý muốn của gia đình cả năm chỉ cần “cầu vừa đủ xài, sung” thôi. Sau này con cháu lại “chế” thêm có khóm (thơm), nho… ý nói thơm tho và nho nhã. Điều đó cũng phù hợp với kinh tế hiện nay, đất nước đã hội nhập, làm ăn khấm khá, nhà nhà sung túc hơn, người dân từ ăn no mặc ấm đã hướng tới ăn ngon mặc đẹp, mâm ngũ quả trong nhà cũng thể hiện đẳng cấp hơn. Từ “vừa đủ” (dừa, đu đủ) nâng lên “sung túc” (trái sung), “thơm tho” (khóm), “nho nhã” (trái nho) và “lộng lẫy” (quýt hồng)”.

Ngoài ra, theo tập quán Nam bộ, mỗi nhà còn chưng trên bàn thờ một cặp dưa hấu thiệt bự, trên trái có dán chữ “Phước, Lộc, Thọ” với cầu mong gia đình may mắn, làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào.

Ông Năm lại lấy cái bình bông bự cất trong tủ thờ, ra vườn lựa nhánh mai đẹp nhứt, nhiều bông nhứt đem cắm vô bình. Rồi ông kêu đám cháu nội cháu ngoại xúm vô, lấy thiệp chúc Tết, bao lì xì, đồng tiền vàng treo lủng lẳng trên nhánh mai. Ông nói: “Người Nam bộ không thể thiếu cành mai trong nhà ngày Tết, vì mai tượng trưng cho sự may mắn, điềm lành luôn đem tới suốt năm. Hồi xưa còn nghèo, mỗi nhà chỉ cần có nhánh mai là đủ. Bây giờ khá hơn, nhánh mai được sắp nhỏ bày thêm đèn, thiệp, đồng tiền, viên pháo đỏ… làm trong nhà rực rỡ, đẹp đẽ hơn lên rất nhiều”.

Xong rồi ông Năm lại ngắm nghía, chọn chỗ đặt một bên là bình bông, một bên là mâm ngũ quả. Ông lẩm bẩm bốn chữ “đông bình, tây quả” rồi ra sân ngó hướng mặt trời mọc. Cuối cùng, ông để mâm ngũ quả bên phải bàn thờ, còn bình bông thì bên trái. Ông giải thích: “Bên phải là hướng mặt trời lặn, là phía tây; còn bên trái là hướng đông, mặt trời mọc. Ông bà mình nói “đông bình, tây quả” có nghĩa bình bông ở hướng đông, mâm ngũ quả ở hướng tây”.

Khi tôi hỏi “Nam bộ còn nhiều đặc sản trái cây như cam, sầu riêng, chuối, táo, ớt, lê… sao không thấy chưng?”, ông Năm diễn giải: “Nghĩa của nó xui lắm nên bà con kỵ. Chuối nghĩa là chúi nhủi, làm ăn đi xuống; cam là cam chịu; sầu riêng thì khỏi nói, hổng lẽ quanh năm rầu thúi ruột. Táo là bôm, trời ơi, ai để bom nổ chậm trong nhà! Ớt thì cay đắng, lê là lê lết, khổ sở lắm…”.

Trên bàn thờ còn có bộ lư đồng sáng loáng, hai bên có hai cái chưn đèn. Ông cho biết: “Người Nam bộ ai cũng sắm bộ lư để bàn thờ. Ngoài việc trang trí còn có nghĩa cầu an, gần lành tránh dữ. Hai chưn đèn dùng để lên đèn cầy những dịp lễ Tết trang trọng. Đặc biệt là lễ cưới, tục lên đèn cầy hết sức nghiêm trang. Người lên đèn phải là lão nông uy tín. Khi lên đèn, hai cây phải thẳng đứng, cháy sáng, thể hiện mối lương duyên đôi bạn bền chắc, sống bên nhau tới răng long đầu bạc”.

Các kiểu bàn thờ

Theo cố nhà văn Sơn Nam, ngày xưa ở Nam bộ bàn thờ còn được ông bà gọi là giường thờ. Trước giường thờ bố trí cái bàn bốn chân, gọi là “bàn nghi”. Trên mặt bàn chưng bộ lư, cặp chưn đèn, vùa hương; dưới chưn bàn phủ tấm vải đỏ, thêu rồng phượng hoặc chữ Hán, chúc phước. Lúc cúng giỗ, thức ăn được dọn lên giường thờ, trên “bàn nghi” thì thắp nhang. Nhưng lần hồi đơn giản hóa, cái giường thờ thu hẹp như cái bàn nhỏ, đủ dọn bốn món cúng. Dạng bàn thờ này xuất hiện ở phương Nam khoảng năm 1890, khi chưa có bóng dáng đô thị và tiếp cận văn hóa phương Tây.

Vào năm 1910 có kiểu bàn thờ nhỏ gọn hơn, do thợ từ Bắc vô chạm trổ, cẩn xà cừ hoa văn chữ Hán. Cạnh bàn thờ có tranh vẽ trên kiếng, nói về ước vọng sâu xa của con người muốn vươn tới chân, thiện, mỹ và cuộc sống ấm no, thịnh vượng, thái bình… Khi nền văn hóa phương Tây du nhập và đô thị phát triển, không gian thờ phượng thu hẹp hơn, chỉ còn 2-3m. Bàn thờ thay bằng tủ thờ cách tân theo kiểu Pháp, tuy nhiên cửa tủ trước không bao giờ mở, chỉ mở cửa hông hai bên. Những kiểu bàn thờ này xuất hiện khoảng năm 1920.

Như vậy, từ năm 1890-1920, ở Nam bộ đã có ba kiểu bàn thờ khác nhau, từ bàn thờ bốn chân thu gọn thành tủ thờ. (Tổng hợp)

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp