29/12/2023 09:21 GMT+7

Năm 2024, đầu tư công vẫn là động lực phát triển của TP.HCM

Giải ngân đầu tư công năm 2023 dù không đạt như kỳ vọng nhưng cũng có những chỉ số tích cực trong những tháng cuối năm và được xác định vẫn là động lực phát triển cho TP.HCM trong năm 2024.

Cầu Long Đại (nối phường Long Phước và Long Bình, TP Thủ Đức) đã được khánh thành đưa vào sử dụng từ giữa tháng 12-2023 với tổng mức đầu tư 354 tỉ đồng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cầu Long Đại (nối phường Long Phước và Long Bình, TP Thủ Đức) đã được khánh thành đưa vào sử dụng từ giữa tháng 12-2023 với tổng mức đầu tư 354 tỉ đồng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Vì vậy, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% trong năm 2024 không phải là quá mức.

Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, TP.HCM giải ngân được 60% vốn đầu tư công được giao. Dự kiến đến hết kỳ kế hoạch (31-1-2024), TP sẽ giải ngân được 70%.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) nhìn nhận: "Ngoài tỉ lệ giải ngân, phải xem thêm tổng vốn được giải ngân, số dự án được khởi công cũng như đánh giá toàn diện các yếu tố tích cực để nhìn nhận đúng nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự bươn chải của đội ngũ doanh nhân TP nhằm tìm mọi cách thích ứng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn nhiều mặt".

TP cần quan tâm chăm sóc tốt hơn đội ngũ doanh nhân nước ngoài đang đầu tư tại TP, chứ không chỉ quan tâm đến việc xúc tiến bên ngoài. Đội ngũ này mới là người quảng bá cho mình.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Nhìn rộng ra ngoài tỉ lệ giải ngân

* Từ đầu năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95%, nhưng kết quả cuối có thể chỉ đạt 70%. Nhìn nhận của ông về các con số này?

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

- Trong lúc vốn khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thậm chí đi xuống so với thời điểm trước dịch COVID-19, động lực kinh tế quan trọng của TP trong năm 2023 là vốn đầu tư công. Một năm toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực, quyết tâm và đạt được những kết quả đáng trân trọng.

Nếu chỉ nhìn tỉ lệ giải ngân sẽ không thấy hết nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Hết quý 1-2023, TP chỉ giải ngân được khoảng 1.600 tỉ (2% vốn được giao), nhưng bất ngờ TP đến nay đã giải ngân được hơn 40.000 tỉ (60%) và dự kiến giải ngân cả năm đạt 70%.

Có được thành quả này nhờ cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận chia sẻ của người dân, sự tâm huyết của chủ đầu tư, nỗ lực quên ngày đêm của người lao động trên công trường, đặc biệt là nhờ các tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy TP đã sớm vào cuộc, thành lập các tổ công tác trực tiếp xuống giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công.

* Ông có thể nói rõ hơn nhận định không nên chỉ xét hiệu quả đầu tư công trên tỉ lệ giải ngân?

- Nhìn tổng vốn được giao của TP.HCM và số tiền được giải ngân cho đến nay sẽ thấy rõ nhận định trên. Xét kế hoạch vốn, năm 2023 TP.HCM được giao 68.634 tỉ, tăng 58% so với vốn được giao năm 2022 và hơn gấp đôi vốn được giao bình quân 5 năm giai đoạn 2018-2022 (32.099 tỉ).

Bởi vậy đừng chỉ đánh giá hiệu quả đầu tư công dựa vào tỉ lệ giải ngân mà phải xem xét thêm số tiền cụ thể địa phương đó giải ngân.

Càng không nên so sánh TP.HCM với các địa phương khác, bởi các địa phương có vốn giao ít sẽ dễ dàng hoàn thành giải ngân. Những địa phương như Hà Nội, TP.HCM có số vốn được giao và dự án rất lớn, việc giải ngân sẽ khó hơn. Nỗ lực của TP.HCM đến ngày 31-12-2023 giải ngân trên 40.000 tỉ là cao hơn gấp đôi bình quân 5 năm giai đoạn 2018-2022, hay 10 năm giai đoạn 2013-2022.

Mặt khác, năm 2023 trong bối cảnh chồng chất khó khăn từ bên ngoài, bên trong TP.HCM vừa hứng chịu đại dịch nặng nhất cả nước, tổn thương nhiều mặt đòi hỏi phải có thời gian phục hồi.

Bên cạnh đó, đơn hàng bị cắt giảm, doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều thử thách. TP vừa phải xử lý những tồn đọng, yếu kém nhiều năm, vừa đương đầu giải quyết những vụ án, những tình tiết mới phát sinh như vụ Vạn Thịnh Phát vừa phải lo giải quyết cái hiện tại tạo nền tảng cho sự phát triển.

Nhìn nhiều mặt như vậy mới thấy kết quả giải ngân rất đáng quý. Nhìn như vậy mới thấy được nỗ lực của TP, còn chỉ nhìn vào tỉ lệ giải ngân sẽ không thấy rõ toàn bộ sự nỗ lực của hệ thống.

Thi công dự án đầu tư công nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) - Ảnh: THANH TRÍ

Thi công dự án đầu tư công nút giao thông An Phú (TP Thủ Đức) - Ảnh: THANH TRÍ

Nhiều công trình hồi sinh

* Những điểm sáng đáng kể về đầu tư công theo ông gồm những gì?

- Đáng kể nhất là những công trình đình đốn nhiều năm qua được tái khởi động và hoàn thành. Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cũng như sự đồng thuận, đồng lòng của người dân, những cây cầu như Long Kiểng (Nhà Bè), Vàm Sát 2 (Cần Giờ), Long Đại (TP Thủ Đức) được hoàn thành sau nhiều năm dang dở.

Cùng với đó, TP.HCM cũng đã khởi công các dự án giao thông lớn như vành đai 3 TP.HCM, nút giao An Phú, quốc lộ 50, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng như mở rộng, nâng công suất xử lý nước thải tại nhà máy ở Bình Hưng...

Cũng cần kể đến việc chỉnh trang công viên bờ sông Sài Gòn, cánh đồng hoa hướng dương ở TP Thủ Đức gấp rút hoàn thành tạo nên những điểm sáng cho bộ mặt đô thị TP. Những dự án "đắp chiếu" 5 năm, 10 năm được tái khởi động trở lại như 5 cây cầu ở TP Thủ Đức, 3 cây cầu ở Nhà Bè, Bình Tân hay nhiều tuyến đường như Dương Quảng Hàm, Tân Kỳ Tân Quý, Tên Lửa...

* Vậy TP.HCM đặt ra mục tiêu tăng trưởng 2024 là 7,5 - 8% có khả thi hay không?

- Năm 2024, bối cảnh chung thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, trong nước vẫn tiếp tục phải đương đầu, xử lý những tồn tại, vướng mắc. Nhưng tôi tin với quyết tâm, nỗ lực đủ lớn của cả hệ thống chính trị, cùng với tiềm năng của TP.HCM lâu nay, mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% không phải là quá mức.

Vấn đề quan trọng cần tiếp tục có sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, sự chung sức của người dân tạo ra một sự đoàn kết, sức mạnh tổng thể để TP có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trong nhiệm kỳ 2021-2025 là 8%. Nếu không tính năm 2021 (năm ảnh hưởng dịch COVID-19, bất khả kháng), trong hai năm 2024 và 2025, TP phải đạt tăng trưởng trên 8%.

Do đó, chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 vừa là để phấn đấu vừa thể hiện một sự khát vọng vươn lên thực hiện mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP và mục tiêu nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồ họa: TUẤN ANH

Còn nhiều việc cần cố gắng

* Còn những giải pháp để giúp TP.HCM đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 là gì, thưa ông?

- Năm 2024, TP.HCM chọn chủ đề quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết 98 của Quốc hội. Như vậy, chuyển đổi số tiếp tục sẽ là động lực quan trọng để TP tăng tốc phát triển, vượt chướng ngại vật để về đích.

Ngay đầu năm 2024, TP sẽ thành lập trung tâm chuyển đổi số để hỗ trợ các sở ngành, quận huyện, TP Thủ Đức và doanh nghiệp. Tập trung đầu tư hạ tầng số để phát triển kinh tế số.

Những động lực này đã góp phần cho tăng trưởng trong những năm vừa qua, bây giờ sẽ củng cố, đầu tư thêm để nó đóng góp nhiều hơn. Kinh tế số, xã hội số và chính quyền số góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nghị quyết 98 từ lúc Quốc hội thông qua đã tạo thêm động lực tăng trưởng, năng lượng mới để TP tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại lâu nay. Nhiều dự án "đắp chiếu" lâu năm được kỳ vọng mở ra.

Rất nhiều nghị quyết về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hay về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phân cấp ủy quyền… liên quan đến nghị quyết 98 đã được HĐND TP.HCM thông qua, tạo hành lang pháp lý cần thiết.

Cùng với đó, việc nghị quyết 98 mở ra cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, nhất là hợp tác công tư ở các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… tạo cơ hội để TP đầu tư thêm bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa mới. Những tuyến đường cao tốc, cầu Cần Giờ, cầu Bình Tiên cũng như nhiều dự án đầu tư hàng loạt sẽ tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cuối cùng, nguồn lực vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm tỉ trọng 70% tổng vốn đầu tư xã hội của TP. Do đó, TP cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục xử lý nhanh các vướng mắc về thủ tục đầu tư, hành chính để có những chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp tục chọn TP là điểm đến.

Mặt khác, dù khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 10% tổng vốn đầu tư xã hội của TP nhưng vì TP.HCM là địa phương có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất nước hiện nay (chiếm 12,4%) nên phải có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, ưu tiên thu hút các ngành kinh tế công nghệ cao, kinh tế hiện đại, rà soát lại các khu công nghiệp cũ và tạo ra các khu công nghiệp mới...

* Vấn đề là TP.HCM sẽ phải làm gì trong thời gian tới để thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như tạo động lực phát triển kinh tế?

- Năm 2024, đầu tư công chắc chắn sẽ vẫn là động lực kinh tế quan trọng của TP. Những bài học rút ra khi chống chọi với những khó khăn hồi dịch COVID-19, cũng như giai đoạn phục hồi sẽ trở thành bài học quý tạo động lực tăng trưởng cho năm 2024.

Ví dụ việc giải ngân đầu tư công là bài toán rất khó. Ngoài chuẩn bị vốn, còn phải lo thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư..., qua hàng loạt quy định của các luật, tốn kém nhiều thời gian.

Do vậy, muốn làm tốt phải chuẩn bị hồ sơ, việc thu hồi đất, chuẩn bị mặt bằng ngay từ bây giờ. Sự vào cuộc, tăng cường kiểm tra, giám sát, trực tiếp xuống hiện trường của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy để tháo gỡ khó khăn cho các dự án thời gian qua cần được phát huy mạnh mẽ. Hay sự vào cuộc của cấp ủy và bí thư các quận, huyện, TP Thủ Đức cam kết với Ban Thường vụ Thành ủy TP ngay từ đầu năm sẽ thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn.

PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam):

Cần tận dụng "bảo bối" về cơ chế

Xe ra vào Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Xe ra vào Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

TP.HCM đã được Bộ Chính trị, Quốc hội trao cho "bảo bối" với những nghị quyết về phát triển TP và cơ chế đặc thù, do đó TP cần tận dụng "bảo bối" này để vươn lên. Những "bảo bối" về cơ chế đã tạo ra cho TP một không gian thể chế tốt, tạo nên động lực của sự thay đổi và đây là yếu tố quyết định.

Những động lực ấy chính là câu chuyện được quyền về quy hoạch, được quyền về đầu tư dự án, được chủ động hơn trong tiếp cận những con "đại bàng" FDI, giúp TP dùng những cơ chế khuyến khích nhiều hơn, kéo dự án về với TP. Bên cạnh đó, TP cũng chủ động hơn trong việc tạo ra những điều kiện mang tính nền tảng như hạ tầng, nguồn nhân lực... để bứt phá.

Tuy nhiên, không thể những nghị quyết hôm nay ban hành mà ngày mai đã có kết quả, nó phải là một bước chuyển và những bước chuyển của TP hiện nay khá chắc chắn.

Hiện TP đang có những dự án mang tính đột phá đang được đặt ra, ví dụ cách tiếp cận về phát triển cảng biển, hạ tầng giao thông cũng sắp được khơi thông một số mạch như đường sắt trên cao, đường vành đai đã khởi động hay phát triển vùng của TP.HCM kết nối với các địa phương cũng giúp TP hưởng lợi lớn... Những dự án này sẽ tạo nền tảng lớn cho sự bứt phá thực sự của TP.HCM.

Ngoài ra, TP đang quy hoạch hướng vào các dịch vụ cao cấp, thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, không chỉ tăng khả năng hút vốn mà còn tạo ra được động lực mới.

TP.HCM là đầu tàu tăng trưởng lớn nhất Việt Nam, do đó TP phải có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà phải dẫn đầu trong cuộc đua trên quốc tế, TP phải là tọa độ thu hút đầu tư trên thế giới. Muốn như vậy, TP cần tận dụng hơn nữa cơ chế đã có và cũng cần trao cho TP những cơ chế đi trước, những cơ chế thí điểm mang tính chất cải cách để mở đường cho phát triển.

Giai đoạn này thế giới biến đổi nhanh, vấn đề thay đổi đặt ra rất gay gắt và quyết liệt, nếu không có những cơ chế mới cho TP đi trước, cả nước cũng thay đổi chậm.

Vì vậy, cả nước cần dốc sức cho TP.HCM để tạo điều kiện hơn nữa về mặt thể chế. Những kết quả về giải ngân vốn đầu tư công hay thu hút FDI trong năm 2023 chỉ là ngắn hạn, cái quan trọng là TP tạo lập được nền tảng để tăng trưởng, bứt phá trong giai đoạn mới.

Hơn 22.000 tỉ đồng phục vụ thị trường Tết 2024

Phát biểu tại họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM ngày 28-12, bà Nguyễn Hồng Hà - trưởng phòng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết Tết Giáp Thìn 2024 sở đã đề xuất hơn 317.000 suất quà với hơn 413 tỉ đồng để chăm lo cho diện chính sách với các mức 3,1 triệu đồng/suất, 1,7 triệu đồng/suất và 1,3 triệu đồng/suất.

Còn theo Sở Công Thương TP.HCM, trên địa bàn hiện có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Về nguồn vốn chuẩn bị phục vụ hai tháng Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 8.500 tỉ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần 25 - 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản...

TP.HCM dốc sức cuộc đua giải ngân đầu tư côngTP.HCM dốc sức cuộc đua giải ngân đầu tư công

Hơn nửa chặng đường phát động thi đua 60 ngày đêm giải ngân đầu tư công (tính từ ngày 30-10), có 8 quận, huyện được thư khen của chủ tịch UBND TP vì thực hiện hiệu quả. Trong đó có địa phương đạt tỉ lệ giải ngân gần như tuyệt đối 99%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp