Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề sáng 17-12 - Ảnh: GIA HÂN
Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề giải ngân đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra sáng 17-12, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Duy Hưng cho rằng đầu tư công là kênh quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng.
Ông cũng nhắc lại tình trạng giải ngân chậm, đầu tư công hiệu quả chưa cao được nói nhiều trong năm nay.
Bàn, nói nhiều nhưng chưa được giải quyết căn cơ
Ông Hưng nhắc lại tỉ lệ giải ngân đầu tư công qua các năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, năm 2018 là 66%, năm 2019 là 67%, năm 2020 là 82%, tới năm 2021 là 72%, 11 tháng năm 2022 đạt trên 58%.
“So cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ giải ngân 11 tháng là 58,3%. Việc giải ngân từ năm 2017 đến nay cho thấy rất bấp bênh. Đây không phải vấn đề mới mà đã bàn nhiều, nói nhiều nhưng chưa được giải quyết căn cơ”, ông Hưng cho biết.
Về nguyên nhân, theo ông Hưng, các bộ, ngành, địa phương đã có báo cáo Chính phủ, trong đó nêu 25 - 30 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm lĩnh vực. Trong đó thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng...
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, kết quả giải ngân 11 tháng khá tích cực. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách từ đầu năm đến 30-11 là hơn 338.000 tỉ đồng, đạt 58,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây. Song đây là năm có số giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.
Kế hoạch đầu tư công năm 2022 thực hiện trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh cùng những yếu tố mới xuất hiện, nằm ngoài dự báo.
Số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (120.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2021, trong khi chịu nhiều tác động bên ngoài từ giá nguyên nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế... tăng cao.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỉ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỉ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỉ đồng so với kế hoạch 2021.
Nên lấy kinh nghiệm xây Landmark 81 tầng làm sân bay Long Thành
Nêu ý kiến về bất cập tỉ lệ giải ngân đầu tư công, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp dẫn lại việc Bộ Tài chính cũng nói "tiền sẵn sàng, không thiếu" nhưng kế hoạch giải ngân vẫn không đáp ứng được yêu cầu.
"Dù số vốn tuyệt đối chi ra cao hơn năm 2021 nhưng tỉ lệ giải ngân mới đạt 58,3%. Như vậy so với mong muốn chưa đạt. Đây thực sự là việc rất đáng ngạc nhiên, vì sao có tiền mà chưa tiêu được?”, ông Hiệp đặt câu hỏi.
Từ góc độ nhà thầu, ông Hiệp cho rằng có hai nguyên nhân dẫn đến giải ngân còn chậm. Trong đó thứ nhất là các cơ chế thủ tục đầu tư và thanh quyết toán của các dự án còn một số vấn đề cần khắc phục, tháo gỡ.
Thứ hai, theo ông Hiệp, nhà thầu - lực lượng cuối cùng sử dụng vốn đầu tư công - đang gặp rất nhiều vướng mắc. Cụ thể đơn giá định mức không phù hợp thực tế khiến nhà thầu quá thua thiệt. Ví dụ đắp nền đường, Nhà nước quy định 16.000 đồng/m3 nhưng thuê thực tế 30.000 đồng/m3, cấp phối đá dăm 30.000 đồng nhưng thực tế 120.000 đồng...
"Đơn giá K máy áp dụng từ thời Liên Xô cũ, vô cùng lạc hậu, thấp bằng một nửa đơn giá thật, dẫn đến doanh nghiệp không đủ vốn tích lũy để thi công, năng suất ngành xây dựng vì thế thấp bằng một nửa so với khu vực", ông Hiệp nêu.
Về đơn giá nhân công cũng rất bất hợp lý, áp dụng từ năm 2019 nên sai lệch rất nhiều so với thực tế.
Ông dẫn chứng bất cập giữa đơn giá kế hoạch và thực tế phải chi khiến các nhà thầu đang rất khó khăn, có nhà thầu như Vinaconex vừa bắt đầu triển khai gói thầu Mai Sơn - Quế Lộ, khi so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế đã chắc chắn lỗ khoảng 40%. Nhưng “không làm thì không có việc cho cán bộ nhân viên”.
Từ đó ông Hiệp đề xuất các cơ chế tháo gỡ khó khăn giải quyết ngay đơn giá định mức trong quý 1-2023.
Ông Hiệp dẫn chứng sân bay Long Thành triển khai trong năm 2023 là dự án rất lớn nhưng cơ chế chọn thầu, xét thầu còn rất lúng túng. Ban đầu đưa ra cơ chế dự thầu phải đủ tiêu chí năng lực, kinh nghiệm nhưng Việt Nam chưa có sân bay mới nào công suất 25 triệu khách/năm.
Nếu lấy tiêu chí này thì không doanh nghiệp trong nước nào làm được, chỉ doanh nghiệp nước ngoài triển khai được nhưng họ cũng không thể làm theo đơn giá Việt Nam. Hiệp hội đã kiến nghị với ACV để “chúng ta không tự trói chân trói tay mình”.
Ông nhấn mạnh thêm việc thi công sân bay không quá khó với doanh nghiệp Việt Nam. Như tòa Landmark 81 tầng trước đây, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm nhưng rất tiếc lúc đó Việt Nam có nhà thầu nào xây được tòa nhà 81 tầng.
"Kết quả chủ đầu tư vẫn chọn nhà thầu Việt Nam là Coteccons, kết quả thi công rất tốt, đảm bảo không xảy ra vấn đề nào. Nên lấy kinh nghiệm này để áp dụng cho sân bay Long Thành, làm sao để phát huy được sức mạnh của nhà thầu Việt Nam”, ông Hiệp nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận