Công chức công tác ở các ban ngành và quận huyện hiện hưởng mức lương khá thấp, việc tăng lương tối thiểu là cần thiết. Trong ảnh, công chức trẻ làm việc tại Trung tâm Báo chí TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhưng chừng đó là chưa đủ. Đã đến lúc cần thực hiện một chính sách tiền lương thị trường hơn, tôn trọng thỏa thuận giữa giới chủ với người lao động và tổ chức đại diện của họ.
Lương đủ sống
Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 5,1% - 5,7% từ ngày 1-1-2020, tương ứng mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng so với năm 2019.
Cụ thể, mức tăng lương tối thiểu vùng 1 điều chỉnh từ 4.180.000 - 4.420.000 đồng, tăng 240.000 đồng/tháng; mức tăng lương tối thiểu vùng 2 được điều chỉnh từ 3.710.000 - 3.920.000 đồng, tăng 210.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu vùng 3 điều chỉnh từ 3.250.000 - 3.430.000 đồng, tăng 180.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu vùng 4 điều chỉnh từ 2.920.000 - 3.070.000 đồng, tăng 150.000 đồng/tháng. Như vậy, lương tối thiểu vùng 1, vùng 2 sẽ tăng khoảng 5,7%, vùng 3 tăng 5,5% và vùng 4 tăng 5,1% so với mức lương tối thiểu năm 2019.
Hội đồng Tiền lương quốc gia nhận định mức tăng lương tối thiểu như trên bảo đảm mục tiêu nghị quyết 27 của trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm đến năm 2020 lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đồng thời bù lạm phát, trượt giá năm 2019 khoảng 4%.
Nói về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp, đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia, khẳng định lương tối thiểu chỉ là mức sàn. Và đây là mức thấp nhất, doanh nghiệp không được trả thấp hơn nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động. Còn tiền lương thực tế doanh nghiệp đang trả cho người lao động sẽ dựa trên thỏa thuận cụ thể.
Việc các doanh nghiệp đang trả lương cao hơn mức lương tối thiểu, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, cũng là chuyện bình thường. Doanh nghiệp trả lương theo năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc lao động. Mức lương thực tế cao hay thấp, nhiều hay ít, bao giờ tăng, tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Đồ họa: N.KH.
Giãn chu kỳ tăng lương tối thiểu
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), cho biết đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2020 đã được thống nhất thông qua và trình Chính phủ. Với tư cách là một thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, VCCI đã bỏ phiếu thống nhất việc tăng lương.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ những năm qua tăng năng suất lao động khá chậm nhưng tăng lương lại tăng cao, tốc độ tăng lương tối thiểu rất nhanh. Vì vậy, sau khi đã đạt được mức sống tối thiểu vào năm 2020 thì phải tính đến một chu kỳ tăng lương cho phù hợp. "Quan trọng nhất là tăng lương phải gắn với tăng năng suất lao động và duy trì năng lực cạnh tranh" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Một số hiệp hội doanh nghiệp trong nước và Liên minh VBF (đại diện các hiệp hội tham gia Diễn đàn doanh nghiệp VN) đã đề nghị giãn chu kỳ tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2 năm/lần. Từ đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể ổn định sản xuất và mở rộng đầu tư.
VCCI cũng khuyến nghị để tránh xảy ra tình trạng đình công, tranh chấp lao động khi điều chỉnh mức lương tối thiểu, Chính phủ nên xem xét đưa ra thông báo rộng rãi về mức lương tối thiểu chỉ quy định mức sàn. Và trong trường hợp doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tối thiểu thì tiền lương sẽ do doanh nghiệp tự quyết định.
Tăng năng suất lao động để giảm sức ép lên quĩ lương. Trong ảnh: Cán bộ, công chức trẻ Sở KH-ĐT TP.HCM tham gia Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Q.L.
Thúc đẩy cải cách tiền lương
Theo TS Đặng Đức Đạm - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp, căn cứ tính toán mức tăng lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp rất không hợp lý. Căn cứ lương tối thiểu phải đủ bù đắp nhu cầu sống tối thiểu của người lao động không thuyết phục khi khái niệm nhu cầu sống tối thiểu rất lạc hậu. Điều này chỉ phù hợp với kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Với kinh nghiệm 4 lần tham gia cải cách chính sách tiền lương, TS Đặng Đức Đạm cho rằng không nên coi mức sống tối thiểu là cơ sở duy nhất tính lương tối thiểu vùng. Mức sống tối thiểu là một trong những yếu tố tính toán lương tối thiểu theo chuẩn chung của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Ngoài mức sống tối thiểu cần căn cứ vào nhu cầu lao động, tình hình giá cả, tốc độ trượt giá, lạm phát, mức sống của các khu vực lao động và năng suất lao động để tính toán lương tối thiểu.
Vị chuyên gia này hi vọng cuộc cải cách tiền lương sắp tới sẽ giải quyết căn bản vấn đề tiền lương. Từ đó hình thành một hệ thống tiền lương cân bằng, hợp lý giữa các khu vực khác nhau trong nền kinh tế. Còn theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, quá trình cải cách tiền lương sắp tới sẽ tiến hành theo hướng Nhà nước không can thiệp vào tiền lương doanh nghiệp. Nhà nước chỉ ban hành mức lương tối thiểu, còn lại do hai bên tự thỏa thuận với nhau.
Có thể sẽ không còn quy định lương lao động qua đào tạo cao hơn 7% so với lao động giản đơn, hay lương làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn 5-7%. Các vấn đề này sẽ để cho giới chủ, người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động tự thương lượng với nhau. Thang bảng lương cũng do doanh nghiệp tự quyết định dựa trên thỏa thuận, thương lượng.
Ông Lưu Quang Tuấn (phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội):
Không ai bị gạt ra bên lề
Rõ ràng chính sách tăng lương tối thiểu do Chính phủ đứng ra thực hiện là cần thiết, bảo đảm không ai bị bỏ lại, bị gạt ra bên lề. Lương tối thiểu của VN còn thấp nên cần thiết phải tăng lên hằng năm. Các quốc gia khác lương tối thiểu đạt tới ngưỡng bảo đảm mức đủ sống cho người lao động thì không nhất thiết phải tăng lương tối thiểu hằng năm nữa.
Hiện khoảng 93 - 95% số doanh nghiệp trên thị trường đã trả lương thực tế cao hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ ban hành. Đa số người lao động, kể cả người nhận lương thấp nhất cũng cao hơn lương tối thiểu Nhà nước quy định. Chỉ còn một tỉ lệ nhỏ, khoảng 5-7% số doanh nghiệp, trả lương thấp hơn mức tối thiểu.
Điều đáng nói là tăng lương tối thiểu để bảo vệ 5-7% lao động hưởng lương thấp thì lương của tất cả 93-95% lao động còn lại tăng theo. Rõ ràng đang có bất cập giữa lương tối thiểu và chính sách tiền lương chung.
Ông Lê Đình Quảng (phó Ban quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động VN):
Người lao động kỳ vọng vào mỗi đợt tăng lương
Lương tối thiểu là mức sàn bảo vệ lao động yếu thế nhất, nhưng trong thực tế khi tăng lương tối thiểu thì người lao động cũng được hưởng tăng chung. Bình quân lương tối thiểu năm 2019 tăng 5,3%, từ 160.000 - 200.000 đồng/tháng tùy theo vùng. Và theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động VN, gần 75% doanh nghiệp tăng lương chung cho tất cả người lao động, với mức tăng chung khoảng 6%.
Những năm qua, mức lương tối thiểu còn thấp nên người lao động rất kỳ vọng vào những đợt tăng lương. Theo dõi của Tổng liên đoàn Lao động VN cho thấy nhờ tăng lương tối thiểu, thu nhập của hầu hết người lao động tăng từ 6-7%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận