Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: V.HÀ
Đây là vấn đề được nêu ra tại buổi tọa đàm "Đổi mới giáo dục - Nhìn từ góc độ người thầy" do báo Đại biểu nhân dân tổ chức với sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trở lại câu chuyện đầu vào sư phạm thấp và giáo viên viết đơn xin ra khỏi nghề.
"Nếu cơ chế chính sách không thay đổi thì không chỉ là bài toán sinh viên không chọn nghề giáo mà chúng ta sẽ phải đối mặt với việc những nhà giáo sẽ rút ra khỏi ngành. Đó sẽ là một áp lực rất lớn cho ngành sư phạm", bà Hoa nêu ý kiến.
Theo bà Mai Hoa, chính sách về nghề giáo đang có nhiều bất cập từ phụ cấp, tiền lương, đào tạo bồi dưỡng, đến tuyển dụng, đánh giá và cả chuyện tôn vinh…
Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng việc đầu tiên cần làm là tìm giải pháp đột phá cải thiện đời sống cho giáo viên.
"Trong bối cảnh hiện tại, thay vì đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất, chúng ta cần cắt giảm và dành phần nguồn lực tài chính để đầu tư, ưu tiên chế độ đãi ngộ cho giáo viên", ông Báo kiến nghị.
Giáo sư Báo cho rằng cần chủ động nguồn nhân lực, hạn chế tình trạng giáo viên dư thừa, đặc biệt phải làm tốt quy hoạch nhằm để thu hút được người tài.
"Phải chọn những người giỏi nhất vào làm giáo viên. Ở các nước phát triển, họ chọn 10 - 15% những người giỏi nhất để làm giáo viên. Giáo viên có quyền sáng tạo cao nhất. Đó là bí quyết thành công mà các nước đang làm", ông Báo bày tỏ.
Giáo sư Đinh Quang Báo tại buổi tọa đàm - Ảnh: V.HÀ
Theo bà Mai Hoa, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đang phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo lựa chọn những vấn đề cấp thiết nhất để sửa đổi lần này trong đó có chính sách nhà giáo.
"Chúng tôi muốn trong năm 2019 hoặc muộn thì 2020 phải đưa Luật Nhà giáo vào trong chương trình xây dựng luật. Phải có luật riêng cho nhà giáo để tất cả những quy định về tính chất đặc thù của nghề giáo, những yêu cầu những chính sách đối với nghề giáo phải được đặt ra và giải quyết", bà Mai Hoa cho biết.
Bà Mai Hoa cho biết năm 2018, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ giám sát thực hiện các chính sách về nhà giáo.
Theo thông tin từ Ủy ban này thì có đến 168 văn bản liên quan tới chế độ, chính sách cho nhà giáo, trong đó nhiều văn bản lạc hậu, không đồng bộ, nhiều nội dung cần nhưng đang thiếu.
"Nghề đặc thù nhưng chính sách không đặc thù thì không bao giờ động viên, không bao giờ tạo động lực được cho nhà giáo", bà Mai Hoa nhận định.
Tiến sĩ Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho biết "một trong 5 giải pháp chiến lược mà Bộ đưa ra trong năm nay quyết liệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách về nhà giáo".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận