Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá lúa trung bình trong năm 2016 đối với lúa ướt loại thông thường ở ruộng là 4.517 đồng/kg, tương đương mức giá 2015. Còn giá lúa khô loại thường tại kho có mức trung bình 5.210 đồng/kg, tăng 130 đồng/kg so với năm 2015.
Năm 2016, nông dân bán được lúa với giá tương đối có lợi, tuy nhiên lượng gạo xuất khẩu của doanh nghiệp lại ở mức thấp nhất, giá gạo xuất khẩu cũng thấp hơn năm trước. Cụ thể, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, lượng gạo xuất khẩu trong cả năm là 4,88 triệu tấn, đạt giá trị 2,2 tỷ USD, giảm gần 26% về lượng và giảm hơn 21% về giá trị so với năm 2015.
VFA dự báo nguồn cung gạo trong năm 2017 dồi dào do sản lượng và tồn kho của thế giới tăng. Một số nước không có chương trình nhập khẩu tạm trữ như mọi năm mà chuyển sang chính sách hết gạo trong kho mới mua vào.
Về mặt giá cả, xu hướng giá gạo được cho là sẽ giảm do cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia xuất khẩu gạo như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…
Lâu nay, thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là các nước châu Á và châu Phi nhưng nhu cầu nhập khẩu các nước châu Á được dự báo sẽ giảm.
Cụ thể, Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2017 sẽ tự túc được nguồn cung gạo trong nước, qua năm 2018 sẽ tham gia xuất khẩu gạo - tức là từ một bạn hàng của Việt Nam, quốc gia vạn đảo này sẽ trở thành đối thủ của Việt Nam.
Đối với Malaysia, nước này lại áp dụng chính sách đa dạng hóa thị trường, tức là không còn tập trung nhập gạo Việt Nam nữa.
Với thị trường Philippines, dù đã ký với Việt Nam về thỏa thuận thương mại mỗi năm sẽ mua 1,5 triệu tấn gạo trong giai đoạn 2016-2018 nhưng thực tế Philippines nhập khẩu bao nhiêu vẫn là điều chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Trung Quốc vươn lên như là một thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Năm 2016, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này chiếm 36% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả năm. VFA vẫn dự báo đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong năm tới.
Trước những khó khăn của thị trường đầu ra, và có thể ảnh hưởng đến giá lúa trên thị trường nội địa, đặc biệt là vụ đông xuân 2016/2017 - vụ có sản lượng lúa thu hoạch chính và lớn nhất của Việt Nam, vì thế, VFA kiến nghị Bộ NN&PTNT chương trình mua tạm trữ lúa gạo để ổn định thị trường.
Mặc dù cho biết sẽ kiến nghị tạm trữ lúa gạo nhằm bình ổn thị trường lúa gạo trong nước nhưng VFA cho rằng đây chỉ là kiến nghị tạm thời nhằm bình ổn giá cả thị trường trong ngắn hạn.
Còn về lâu dài, VFA kiến nghị cơ quan chức năng cần định hướng lại cơ cấu sản xuất khẩu, có những chỉ đạo cụ thể để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong trường hợp người nông dân chọn được cây gì tốt hơn lúa thì cần nhanh chóng có chính sách khuyết khích nông dân chuyển đổi.
Tiếp đến, cần ban hành quy định chuẩn sản xuất tiên tiến nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, mở rộng cánh đồng mẫu lớn.
Theo VFA, đây là thời điểm để ngành lúa gạo Việt Nam chuyển từ số lượng sang chất lượng, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, vì thế, rất cần đầu tư thêm các cơ sở kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế và được quốc tế công nhận.
Về việc xây dựng thương hiệu quốc gia, trong giai đoạn này cần chọn một vài doanh nghiệp để thực hiện. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, trong thời gian qua, việc xây dưng thương hiệu quốc gia cho mặt hàng lúa gạo gặp khó khăn nhưng vẫn phải tiếp tục làm để Việt Nam sớm có thương hiệu quốc gia về lúa gạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận