27/03/2012 08:05 GMT+7

"Năm 2013, bệnh viện nóng nhất sẽ giảm nhiệt"

Bà NGUYỄN THỊ KIM TIẾN(bộ trưởng Bộ Y tế)
Bà NGUYỄN THỊ KIM TIẾN(bộ trưởng Bộ Y tế)

TT - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp này được truyền hình trực tiếp và kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh thành để các đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn.

V3GKezrx.jpgPhóng to

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn tại phiên họp - Ảnh: Lê Kiên

Với hàng loạt vấn đề bức xúc như quá tải bệnh viện trong điều kiện tăng giá 447 dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhận được khá nhiều câu hỏi từ các đại biểu.

Không tin tuyến dưới

"Sắp tới chúng tôi sẽ quy định về phân tuyến kỹ thuật. Bệnh ở tuyến dưới chữa được thì không được lên tuyến trên và việc từ chối bệnh nhân không đúng tuyến thì sẽ khuyến khích. Quy chế chuyển viện phải ngặt nghèo"

Từ Quảng Bình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương hỏi: Bệnh viện trung ương quá tải, ở tuyến huyện thì thiếu bác sĩ nghiêm trọng. Đâu là trách nhiệm và giải pháp trước vấn đề này? Bà Tiến đáp: Để khắc phục tình trạng quá tải, giải pháp số một là bằng mọi cách tăng số giường bệnh; giải pháp hai là tăng cường năng lực cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và tuyến tỉnh; giải pháp thứ ba là luân phiên luân chuyển cán bộ tuyến trên về tuyến dưới. “Giải pháp thứ ba là vấn đề khó. Trước đây thời chiến tranh, Nhà nước phân công đi đâu thì đi đó, trường phân chuyên khoa nào thì sinh viên phải theo chuyên khoa đó. Nhưng bây giờ sinh viên tự chọn ngành học, chỗ làm. Sắp tới chúng tôi sẽ trình nghị định về trách nhiệm xã hội của ngành y vì đây là nghề đặc biệt. Ở Thái Lan, sinh viên ngành y tốt nghiệp xong phải về vùng khó khăn hai năm mới được quay lại nhận bằng” - bà Tiến nói.

Bà Tiến cho rằng tình trạng quá tải có nguyên nhân từ tâm lý người bệnh không tin tuyến dưới. Giải pháp lâu dài là tuyên truyền. Thứ hai là phân tuyến đúng năng lực. Thứ ba là quy định chuyển tuyến. Ví dụ trước đây việc sinh đẻ ở nhà hộ sinh cùng lắm là tuyến huyện, tuyến tỉnh nhưng hiện nay người dân có điều kiện cứ đến Bệnh viện Phụ sản trung ương. “Bộ trưởng nói là bệnh viện tuyến trên quá tải, nhưng cũng xin bộ trưởng chia sẻ với nỗi khổ của bệnh nhân khi phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên. Ở tuyến dưới điều kiện chữa bệnh khó khăn, trình độ đội ngũ y bác sĩ có hạn” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương “nhắc” bộ trưởng.

Chất vấn về một nghịch lý khác, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi: Bệnh viện công quá tải trầm trọng. Bệnh viện tư thiếu vắng bệnh nhân. Xã hội hóa hạn chế. Có phải còn nặng cơ chế bao cấp? Bà Tiến đáp chủ trương xã hội hóa như tạo điều kiện về vốn, đất, thuế để khuyến khích bệnh viện tư. Tuy nhiên tỉ lệ bệnh viện tư vẫn chưa đạt do việc đầu tư vốn rất lớn, nguồn lực chuyên môn cũng không phải dễ. Vì vậy phục vụ bệnh viện tư chủ yếu là bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên không xin việc được tại bệnh viện công. Chỉ những bệnh viện trả lương rất cao mới thu hút được bác sĩ giỏi.

Y đức không chỉ liên quan đến ngành y tế

Đối với vấn đề y đức, bà Nguyễn Thị Kim Tiến nói “là vấn đề có nhiều câu hỏi, nhưng đây là phạm trù không chỉ liên quan đến ngành y tế mà liên quan đến văn hóa - xã hội, phong tục của một dân tộc”. Với điều kiện cơ sở vật chất quá tải, người nào vào bệnh viện cũng muốn được chăm sóc trước nên cứ đưa phong bì, quà biếu. Trong khi ngành y là ngành học lâu, lương thấp, chính sách đãi ngộ kém. Có nghĩa là tồn tại từ cả hai phía: bác sĩ và người bệnh. Dẫn từ ví dụ ở Bệnh viện Việt - Pháp, bà Tiến nói: “Chỉ cách nhau một bức tường nhưng Bệnh viện Việt - Pháp không phải hô hào gì mà cán bộ, nhân viên phục vụ rất tốt, không có chuyện phong bì. Nhưng ở Bệnh viện Bạch Mai thì phải tổ chức một cuộc thi mới ra kết quả khảo sát 90% bệnh nhân nội trú hài lòng”. Đơn giản là vì bệnh nhân vào Việt - Pháp trả viện phí cao gấp nhiều lần Bạch Mai và y, bác sĩ hưởng thù lao cũng gấp nhiều lần.

Phần trả lời chất vấn của bà Tiến cũng khá đặc biệt khi có cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham gia chất vấn: “Khi bắt đầu làm bộ trưởng, vấn đề bộ trưởng đang giải đáp như ùn ứ tại bệnh viện, bệnh nhân dồn lên tuyến trên, tệ nạn trong ngành y... đến năm 2013, 2015 có chuyển biến, chuyển biến đến mức nào, bộ trưởng Bộ Y tế có làm được việc đó?”. Bà Tiến khẳng định từ khi nhậm chức đến nay đã tiến hành cải cách tài chính như điều chỉnh giá viện phí, năm 2014 sẽ tăng gấp đôi giá dịch vụ y tế. Bộ cũng đang “thúc” Bệnh viện K phấn đấu cuối 2012, đầu năm 2013 xây dựng thêm cơ sở để di dời 200-300 giường bệnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng sẽ phải hoàn thành hai tòa nhà khoa ung bướu và khoa hô hấp trong năm 2013. “Như vậy năm 2013, những bệnh viện nóng bỏng nhất sẽ giảm nhiệt. Hi vọng năm 2015, khi xây dựng được hệ thống bệnh viện vệ tinh với quân số Bạch Mai “kèm” 7 viện, Việt Đức 8, K 10, việc giảm tải sẽ có bước tiến rõ rệt. Khó khăn là đất cho các bệnh viện xây dựng cơ sở 2. Như vậy, muốn giải quyết một cách cơ bản quá tải phải ngoài năm 2015” - bà Tiến nói.

Nên duy trì chất vấn trực tuyến

Sau khi tổ chức phiên chất vấn trực tuyến đầu tiên, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động này.

* Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG:

- Cuộc chất vấn hôm nay có sự theo dõi của đồng bào cử tri cả nước, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rộng rãi và sẽ tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của cử tri. Phiên chất vấn này được tiến hành theo sự ủy quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự đổi mới, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với các bộ trưởng và cử tri thực hiện quyền giám sát đối với các đại biểu Quốc hội trong không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở và theo tôi là có kết quả tốt.

* Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội LÊ NHƯ TIẾN:

- Tôi thấy tổ chức họp trực tuyến thế này là tốt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp tại thủ đô nhưng tất cả đại biểu các tỉnh thành đều có thể tham gia. Chúng tôi cũng đang đề nghị tới đây Quốc hội sẽ rút ngắn thời gian họp tại hội trường và tăng cường họp trực tuyến, hình thức này phù hợp với hoàn cảnh Quốc hội có hai phần ba số đại biểu kiêm nhiệm rất bận rộn với công việc của bộ, ngành, địa phương. Có điều, với những phiên chất vấn thì cần phải tính toán lựa chọn vấn đề thật sự mang tính thời sự, bức xúc, đang được đông đảo dư luận, cử tri quan tâm.

* Đại biểu LÊ NAM (Thanh Hóa):

- Tôi ủng hộ hình thức này. Tỉnh tôi chỉ vắng hai đại biểu do đang đi công tác nước ngoài, quan sát trên màn hình tôi thấy đại biểu các địa phương tham gia khá đông. Tất nhiên, so với chất vấn trực tiếp ngay tại phiên họp toàn thể ở hội trường thì chất vấn trực tuyến có vẻ không “nóng” bằng. Nhưng tôi thấy nếu rút kinh nghiệm và tổ chức thường xuyên như ý định Chủ tịch Quốc hội đã nói thì đây sẽ là cách làm việc có hiệu quả.

__________

Nhận được các câu hỏi rất cụ thể nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình lại “chọn” cách trả lời rất khái quát, có lúc Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phải nhắc lại câu hỏi để bộ trưởng đi thẳng vào vấn đề.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) hỏi: Vừa qua cơ quan điều tra ở một tỉnh phía Nam phát hiện nhiều cán bộ nhờ thi hộ. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về vấn đề bằng cấp, áp lực bằng cấp khiến cán bộ thuê học, chạy điểm, mua bằng, dẫn đến tình trạng bằng giả mà chức thật? Bộ trưởng có đề xuất giải pháp để thi tuyển cạnh tranh lành mạnh? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đáp rằng hiện nay “tuyển dụng thì có cái môn kiến thức chung, có môn nghiệp vụ, có ngoại ngữ tin học. Môn chính vẫn là chuyên môn nghiệp vụ, hệ số 3”. Ông Bình hứa trong quá trình tuyển dụng, bộ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để có sự phối hợp giữa Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục - đào tạo kiểm tra, tránh tình trạng học giả bằng thật.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi: Chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay lời khen thì ít mà chê thì nhiều. Nhiều dư luận nói rằng quá trình tuyển một số vị trí phải tốn rất nhiều tiền, hàng trăm triệu đồng, bộ trưởng có biết không? Làm gì để triệt tiêu? Trả lời chất vấn này, ông Bình nhấn mạnh các mục tiêu và nội dung của đề án cải cách chế độ công vụ, công chức.

“Đây là vấn đề lớn, mang tính trọng tâm cho cả nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII” - ông Bình nói. Thấy bộ trưởng không đi thẳng vào câu hỏi, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc “ý đại biểu An là bộ trưởng có biết tình trạng chạy việc, có người phải chi cả trăm triệu, giải pháp thế nào?”. Lúc này, ông Bình đáp ngắn gọn: “Dư luận thì có nhưng phát hiện xử lý khó. Chúng tôi biết thế để tiếp thu. Phải đổi mới cơ chế tuyển dụng làm sao cho minh bạch”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hỏi: Biên chế ngày càng phình ra. Theo quy định thì mỗi bộ có bốn thứ trưởng, nhưng có bộ sáu, mười thứ trưởng, các tổng cục, cục phình ra. Giải pháp thế nào?

Ông Bình tâm sự: “Đây là vấn đề chúng tôi cảm thấy áp lực rất lớn đối với Bộ Nội vụ. Nghị định 178 nêu mỗi bộ có bốn, trường hợp đặc biệt tăng thêm thì cấp có thẩm quyền quyết định. Như vậy có cơ chế mở. Nhưng quá trình thực hiện thì tôi có thống nhất với đại biểu là nhiều bộ có số thứ trưởng nhiều. Khi sửa nghị định này chúng tôi sẽ xin ý kiến Chính phủ, xem mở thì mở ở chừng mực nào”.

Bao giờ có lương đủ sống?

Đối với vấn đề cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết hiện đang xây dựng chương trình tổng thể cải cách tiền lương 2012-2020. Hướng chung của những năm trước mắt là xây dựng mức lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu.

“Hiện nay nước ta đang tồn tại mức lương tối thiểu giữa các khu vực với các mức khác nhau. Tới đây lương tối thiểu xác định thế nào để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, lộ trình ra sao?” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng hỏi.

Ông Bình trả lời: “Tính đến thời điểm này thì ban chỉ đạo cải cách tổng thể tiền lương đã qua chín cuộc họp, cơ bản đã có lộ trình, bước đi để đạt được mức đó. Nhưng báo cáo đại biểu là cái này mới là ý của ban chỉ đạo, còn phải báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương thì mới có thể nói được”.

Bà NGUYỄN THỊ KIM TIẾN(bộ trưởng Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp