Phóng to |
Mỏ khai thác đá trắng xuất khẩu tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An - Ảnh: Vũ Toàn |
Các nội dung cơ bản của nghị quyết này không chỉ được thực hiện nghiêm từ nay đến cuối năm mà cả trong năm 2012, theo đó định hướng thực hiện chính sách tiền tệ là chặt chẽ và hiệu quả.
Lạm phát có nguyên nhân tiền tệ
Theo ông Đam, từ tháng 5 đến nay đã có nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng tốt hơn, cụ thể như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2011 tăng 0,93% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm và lần đầu tiên có CPI dưới 1%. Tính chung tám tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 60,8 tỉ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước và gấp hơn ba lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%). Tỉ lệ nhập siêu đã có xu hướng giảm...
Dừng cấp phép khai thác khoáng sản Theo ông Vũ Đức Đam, tại phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng dừng ngay hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản, giao Bộ Tài nguyên - môi trường và Bộ Công thương rà soát, chấn chỉnh trật tự kỷ cương trong lĩnh vực này, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. |
“Trong cuộc họp lần này, Thủ tướng Chính phủ đã nói rất kỹ bây giờ có nhiều vấn đề chúng ta phải nhìn thẳng vào, tìm ra được nguyên nhân và giải pháp. Ví dụ vấn đề lạm phát, tại sao chúng ta lạm phát cao như vậy, lý do ở đâu? Ở tài khóa, tiền tệ, cơ cấu kinh tế hay cái gì khác? Chính phủ giao các bộ, ngành chuẩn bị để trong kỳ họp tháng 9 phải bàn sâu về lạm phát. Trước đây có ý kiến cho rằng tình hình lạm phát ở VN không hẳn từ tiền tệ, nhưng lần này thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các bộ trưởng liên quan đều nhìn thẳng vào nguyên nhân rất quan trọng từ tiền tệ. Không khí chung của Chính phủ rất thẳng thắn, sẵn sàng nhìn vào yếu kém để sửa đổi” - ông Đam nói.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết trong các tháng còn lại của năm 2011, Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ việc cắt giảm các khoản đầu tư công, thu hồi các khoản đầu tư tại các dự án vi phạm quy định của nghị quyết 11 (đã thống kê được khoảng 2.000 tỉ đồng), tập trung cho các công trình, dự án cấp bách.
Sẽ huy động vàng trong dân
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo xung quanh vấn đề đầu cơ vàng trong thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết vàng ở Việt Nam 100% là vàng nhập khẩu, do vậy việc bình ổn giá vàng trong nước là bình ổn theo biến động của giá vàng thế giới. “Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cứ khi nào giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 400.000 đồng trở lên thì bắt đầu có nhập lậu vàng và có yếu tố đầu cơ” - ông Bình nói.
Bên cạnh việc trình Chính phủ nghị định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh vàng (hiện Bộ Tư pháp đang thẩm định), Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề xuất với Chính phủ là Nhà nước sẽ tiến hành huy động vàng trong dân thông qua các tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Bình nói: “Theo pháp luật hiện hành, người dân có quyền mua bán vàng, tích trữ vàng, sở hữu vàng. Nhưng thực tế người dân để vàng ở đâu? Nếu để ở nhà thì rất nguy hiểm. Nếu để ở tổ chức tín dụng như trước đây cho phép các tổ chức này huy động vàng thì có thể gây ra rủi ro trong hoạt động của họ khi quy đổi vàng này ra đồng VN. Chúng tôi đề xuất phương án Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng trong dân, như vậy để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi người dân. Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc, chúng tôi đang hoàn thiện để triển khai trong thời gian tới”.
Đối với vấn đề tỉ giá, ông Nguyễn Văn Bình nói Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định từ nay đến cuối năm, nếu có điều chỉnh cũng chỉ trong biên độ 1%.
Vậy định hướng giảm lãi suất cho vay liệu có đi ngược lại chủ trương chống lạm phát hay không? Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Giảm lãi suất không phải là ý muốn chủ quan của người làm chính sách mà là đòi hỏi bức xúc của nền kinh tế, trong đó có cả hệ thống ngân hàng thương mại”.
Tạm thời ngừng cấp bảo lãnh dự án ximăng
Đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng phải có tính khả thi Phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch - đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cho Chính phủ các chỉ số tăng trưởng có tính khả thi cũng như các chỉ tiêu khả thi về lạm phát, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu xuất khẩu... |
Về các dự án ximăng, ông Huệ nói đây là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư, vì vậy Chính phủ chủ trương bảo lãnh để vay vốn nước ngoài cho các dự án này. Tính đến ngày 31-8-2011, tổng mức Chính phủ đã bảo lãnh cho các dự án ximăng là 1,365 tỉ USD với 16 dự án, có bốn dự án đang khó khăn và khó có khả năng trả nợ là dự án Đồng Bành, Thái Nguyên, Tam Điệp, Hoàng Mai.
Theo quy định hiện nay, đối với các khoản do Chính phủ bảo lãnh, nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì Bộ Tài chính sẽ ứng để trả nợ thay nhiều nhất ba kỳ. Nếu sau ba kỳ vẫn không trả được nợ sẽ thực hiện theo Luật quản lý nợ công, nghĩa là bán thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi trả nợ.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát các quy hoạch về phát triển ximăng. Trong khi chờ quy hoạch mới thì Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ tạm thời ngừng cấp bảo lãnh đối với tất cả các dự án ximăng cho đến khi có chủ trương mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận