Bà Daw Aung San Suu Kyi tại quốc hội Myanmar - Ảnh: AP |
Theo New York Times, chức vụ mới này được một số chuyên gia phân tích cho rằng nó tương đương với quyền lực của một thủ tướng. Cương vị “cố vấn quốc gia” sẽ củng cố ảnh hưởng của bà Suu Kyi trong cả hai lĩnh vực hành pháp và lập pháp.
Cùng với bốn vị trí trong nội các chính phủ bà đã tuyên thệ nhậm chức ngày thứ tư, 30-3, trong đó có chức vụ bộ trưởng ngoại giao, và việc giữ vai trò lãnh đạo đối với đảng NLD chiếm đa số trong quốc hội, bà Suu Kyi chính thức trở thành người nắm quyền lực cao nhất trong chính phủ Myanmar.
Chuyên gia phân tích chính trị U Yan Myo Thein ở Yangon nhận định: “Nếu bà Daw Suu trở thành cố vấn quốc gia, rõ ràng là bà ấy sẽ điều hành cả chính phủ lẫn quốc hội.
Hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo đã ngăn cản bà Suu Kyi trở thành tổng thống. Dù vậy trong chiến dịch tranh cứ năm ngoái, bà từng tuyên bố sẽ nắm quyền còn cao hơn cả tổng thống.
Và nay, lần đầu tiên, đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà đã chứng tỏ rõ ràng cam kết của bà Suu Kyi sẽ được thực hiện như thế nào.
Dự luật về việc thành lập chức vụ cố vấn quốc gia đã được đệ trình lên thượng viện quốc hội ngày 31-3. Với việc đảng NLD chiếm đa số ở lưỡng viện, dự luật này sẽ dễ dàng được thông qua thành luật.
Theo ông Richard Horsey, nhà phân tích chính trị và là cựu quan chức LHQ tại Yangon, vấn đề chính trong việc lập ra chức vụ mới này không phải trao thêm quyền lực cho bà Suu Kyi, mà chỉ là cho phép bà sử dụng quyền lực đã có một cách hiệu quả hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận