08/07/2015 18:52 GMT+7

Mỹ xem Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TTO - Hai học giả uy tín về quan hệ Việt - Mỹ bàn luận về cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng ngày 7-7.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama sau cuộc họp báo ở Nhà Trắng trưa 7-7 (giờ Mỹ) Ảnh: Reuters

 

Ông Greg Poling, Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS), và giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về Việt Nam đang dạy tại ĐH Simmons College (Mỹ) có bài trả lời phỏng vấn như sau: 

 

* Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã hội đàm và trao đổi thẳng thắn, thực chất về một số vấn đề cốt lõi như Biển Đông, quyền con người và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông có thể cho biết thông điệp đáng chú ý từ chuyến thăm này?

 

GS Zachary Abuza:

GS Zachary Abuza

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ trong lúc hai quốc gia đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm tái thiết lập quan hệ ngoại giao, và đây cũng là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng bí thư Đảng Cộng sản VN và một tổng thống Hoa Kỳ. Đây là chuyến thăm có mục đích xây dựng niềm tin giữa hai quốc gia.

Thật sự đã có những cuộc trao đổi thực chất giữa lãnh đạo hai nước. Cả Việt Nam và Mỹ đều bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Học giả Greg Poling:

Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự mang tính biểu tượng lớn, đặc biệt là cuộc gặp giữa ông ấy và Tổng thống Obama ở Phòng bầu dục.

Điều đó cho thấy một kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt - Mỹ được thiết lập chỉ hai thập kỷ sau khi hai nước bình thường quan hệ ngoại giao.

Học giả Poling

Dựa trên ý nghĩa này, cuộc gặp giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama thật sự giúp tăng niềm tin giữa hai quốc gia.

Ngoài ra, tôi cũng đồng ý với ý kiến của một số quan chức Mỹ cho rằng cuộc gặp mặt này cũng mang ý nghĩa “chuyển giao”. Lãnh đạo hai nước đã thảo luận các vấn đề cốt lõi bao gồm Biển Đông, TPP, quyền con người. Ngoài ra, trong dịp này Tập đoàn Boeing tuyên bố bán máy bay cho Vietnam Airlines.

* Đâu là những điểm nhấn chính trong tuyên bố Tầm nhìn chung Việt - Mỹ vừa được công bố?  

GS Zachary Abuza:

- Tuyên bố tầm nhìn chung Việt - Mỹ đã phản ánh quan hệ hai nước tiến xa như thế nào trong 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995. Mặc dù vẫn còn sự thiếu tin tưởng và khó khăn, tôi vẫn tin cả hai nước đều tự tin đã xây dựng được một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ đối tác rất vững bền trong tương lai.

Hai bên đều đồng ý thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện trong lĩnh vực quốc phòng, dù để thực thi điều này thì cần phải có nhiều đàm phán hơn nữa. Ngoài ra, dù hai nước có chia sẻ quan ngại chung xung quanh các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không có nghĩa là hai nước thiết lập quan hệ đồng minh.  

Tuy nhiên, những chuyến thăm cảng biển, các cuộc hợp tác trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo chính là nền tảng tốt để làm sâu sắc thêm mối quan hệ.

Về vấn đề TPP, hai bên đều đồng ý nhanh chóng kết thúc đàm phán. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cam kết Việt Nam tiếp tục hướng đến sự phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Theo tôi, không có quốc gia nào nỗ lực nhiều như Việt Nam để gia nhập TPP. Tuy vẫn còn các rào cản nhưng cả Việt Nam và Mỹ đều nhận ra TPP chính là nền tảng cho một mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ sâu sắc hơn.

Về vấn đề nhân quyền, Tuyên bố tầm nhìn chung Việt - Mỹ đều thừa nhận các khác biệt nhưng hai nước đều cam kết tiếp tục tiến hành các cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở về vấn đề này. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao lưu nhân dân.

Ngoài ra, hiện có hơn 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở Mỹ, con số này gần bằng số sinh viên đến từ Malaysia, Thái Lan và Philippines - những quốc gia có mối quan hệ lịch sử và ngoại giao sâu sắc với Mỹ.

Học giả Greg Poling:

- Theo tôi, những điểm nhấn trong bản Tuyên bố tầm nhìn chung chính là sự cam kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng như như TPP, các vấn đề hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ... 

Tuyên bố Tầm nhìn chung phản ánh “sự toàn diện” của “mối quan hệ đối tác toàn diện” trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama tại Nhà Trắng năm 2013. Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tìm cách đưa mối quan hệ đối tác toàn diện này tiến xa hơn nữa.

* Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết ông Obama vui vẻ nhận lời mời đến thăm Việt Nam. Ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam dự kiến của ông Obama nên được hiểu như thế nào?  

GS Zachary Abuza:

- Tôi rất vui mừng khi nghe thông tin Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam năm nay kết hợp với chuyến tham dự hội nghị cấp cao APEC ở Philippines. Những cuộc trao đổi lãnh đạo cấp cao hai nước rõ ràng sẽ giúp thúc đẩy quan hệ song phương. Nhưng quan trọng hơn là chính quyền Obama xem Việt Nam như một đối tác chiến lược quan trọng trong khu vực, đặc biệt là ở khía cạnh kinh tế.  

Học giả Greg Poling:

Trong bài phát biểu sau cuộc gặp ở Phòng bầu dục, Tổng thống Obama đã nhận lời thăm Việt Nam từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm nay. Nó rõ ràng cho thấy ông Obama muốn thăm Việt Nam, đặc biệt khi xét đến yếu tố lịch sử của năm 2015 - năm diễn ra các hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.

* Hai ông có bình luận gì về cuộc gặp giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với ông Bill Clinton tại nhà riêng?  

GS Zachary Abuza:

- Cựu tổng thống Bill Clinton vừa có chuyến thăm thành công đến Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông ấy đã đến Việt Nam tổng cộng năm lần và theo tôi, ông ấy đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối mối bang giao Việt - Mỹ.  

Học giả Greg Poling:

- Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cựu tổng thống Bill Clinton tại nhà riêng cho thấy ý nghĩa biểu tượng to lớn bởi vì ông Clinton là người ký quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 và thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ vào năm 2000.

Trong khi đó, bà Hilary Clinton giữ vai trò ngoại trưởng trong giai đoạn quan hệ Việt - Mỹ có sự cải thiện nhanh chóng. Ngoài ra, bà Clinton nay còn là ứng viên tổng thống Mỹ hàng đầu trong cuộc bầu cử năm tới.

 “Những cuộc trao đổi lãnh đạo cấp cao hai nước rõ ràng sẽ giúp thúc đẩy quan hệ song phương. Nhưng quan trọng hơn là chính quyền Obama xem Việt Nam như một đối tác chiến lược quan trọng trong khu vực, đặc biệt là ở khía cạnh kinh tế”  
GS Zachary Abuza

Phương Nguyễn, chuyên gia về Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS) trao đổi:

Niềm tin và tôn trọng nhau là điểm nhấn 

Phương Nguyễn trả lời phỏng vấn tại CSIS - Ảnh: T.Tuấn

Tôi nghĩ điều đáng chú ý nhất từ chuyến thăm này là việc xây dựng niềm tin và tôn trọng lẫn nhau giữa hai đối tác. Đây là lần đầu tiên tổng thống đương nhiệm Mỹ gặp tổng bí thư Đảng Cộng sản VN.

Hai bên đã nói nhiều về các vấn đề quốc phòng, kinh tế mà ngày càng quan trọng trong mối quan hệ đối tác này. Về Hiệp định TPP thì vẫn còn rất nhiều vấn đề song phương cần giải quyết. Chúng ta cũng thấy hai bên bàn thảo về tầm nhìn chung về quan hệ đối tác về an ninh chung, đặc biệt là vai trò của quan hệ Việt - Mỹ ở khu vực, chứ không chỉ gói gọn trong mối quan hệ song phương. 

THANH TUẤN

 

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp