Du khách chụp hình tại quảng trường Thời Đại, thành phố New York, bang New York, Mỹ ngày 29-4 - Ảnh: New York Times
Các tiểu bang New York, New Jersey và Connecticut của Mỹ sẽ bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế từ ngày 19-5. Đây được xem là bước tiến rất tích cực tại 3 tiểu bang vốn là những điểm nóng về dịch bệnh COVID-19 không lâu trước đây.
"Trở lại bình thường"
Theo báo New York Times, các nhà hàng, văn phòng, cửa hàng bán lẻ, rạp hát, bảo tàng, tiệm cắt tóc, công viên giải trí và phòng tập thể hình tại New York sẽ lần đầu tiên được mở cửa lại hoàn toàn kể từ khi áp đặt các quy định hạn chế phòng dịch năm ngoái.
Cùng với việc cấp phép mở lại các điểm kinh doanh và giải trí, nhà chức trách cũng gỡ bỏ giờ giới nghiêm với dịch vụ ăn uống. Dịch vụ tàu điện ngầm tại TP New York cũng sẽ hoạt động 24/7 từ ngày 17-5.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố việc nới lỏng các biện pháp hạn chế là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế. "Hôm nay là một cột mốc với tiểu bang New York và một bước tiến đáng kể" - ông Cuomo phát biểu tại văn phòng thống đốc ở Manhattan, New York.
Với các quy định của bang là vậy, nhưng theo báo New York Times, doanh nghiệp tại New York vẫn phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội theo quy định liên bang.
Một điểm mới nữa là mặc dù số người tập trung theo nhóm vẫn bị giới hạn tùy theo không gian, nhưng doanh nghiệp không cần bắt buộc khách hàng phải duy trì khoảng cách nếu tất cả đều có bằng chứng đã tiêm vắc xin đầy đủ hoặc có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.
Thống đốc Cuomo tự tin cho rằng với những người đã tiêm vắc xin tại New York, "cuộc sống của họ đã có thể trở lại bình thường".
Tại New Jersey, Thống đốc Phil Murphy tuyên bố tiểu bang của ông sẽ nâng giới hạn tụ tập ngoài trời lên 500 người từ ngày 7-5, sau đó từ ngày 19-5 sẽ bỏ luôn quy định này.
Trước đó, Thống đốc bang Connecticut Ned Lamont cũng đã thông báo lùi mốc thời gian giới nghiêm thêm một giờ với các nhà hàng và địa điểm giải trí từ 1-5.
Theo lộ trình, tất cả các quy định hạn chế với doanh nghiệp ở bang Connecticut sẽ được bỏ hoàn toàn từ 19-5 nếu tỉ lệ lây nhiễm giảm và tỉ lệ tiêm chủng tăng đều tại bang này.
Nỗ lực tiêm chủng
Theo dữ liệu của báo New York Times, tính đến ngày 4-5, trung bình số ca nhiễm mới theo ngày tại 3 tiểu bang nói trên đã giảm 44% trong vòng 2 tuần qua. Hơn 1/3 dân số mỗi bang đều đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Không chỉ cụm điểm nóng New York, New Jersey và Connecticut, chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cũng đang được nỗ lực đẩy mạnh trên toàn nước Mỹ.
Theo Đài CNN, tới nay hơn 105,5 triệu người Mỹ đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Số liệu từ Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy hơn 40% số dân trưởng thành và gần 70% người già đã tiêm đủ liều vắc xin.
CDC cũng ghi nhận tổng cộng hơn 246 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được sử dụng, tức khoảng 79% trong số hơn 312 triệu mũi đã được phân phối. Trong 7 ngày qua, Mỹ đã tiêm trung bình 2,3 triệu liều vắc xin/ngày.
Dù vậy, giới chuyên gia cũng cảnh báo tốc độ tiêm chủng đang có dấu hiệu chậm lại ở Mỹ. Số liệu của CDC cho thấy tốc độ tiêm chủng theo ngày đang giảm dần trong 2 tuần qua. Theo Đài CNN, tình trạng này có thể vì chậm trễ trong cập nhật dữ liệu tại CDC.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là số ca COVID-19 tại Mỹ đã giảm liên tiếp trong 3 tuần qua. Ngày 3-5, chính quyền Mỹ thông báo trong vòng 1 tuần tính tới ngày 3-5, số ca mắc mới trung bình theo ngày của Mỹ là 52.525 ca, giảm 16,5% so với tuần trước đó.
Kỳ vọng tăng trưởng 7%
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự đoán trong năm 2021 nền kinh tế Mỹ có khả năng tăng trưởng nhanh nhất trong gần 4 thập niên, ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
"Đây là diễn tiến đáng mừng giữa giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay" - chủ tịch chi nhánh của FED tại New York, ông John Williams, phát biểu ngày 3-5. Ông Williams dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay sau giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch.
Trong 3 tháng qua, Mỹ có thêm 900.000 việc làm mới và con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng. Tuy tỏ ra lạc quan, ông Williams vẫn cảnh báo việc hồi phục kinh tế Mỹ là chặng đường dài phía trước, và Mỹ cũng sẽ phải giải quyết những hệ lụy nặng nề từ đại dịch mà tầng lớp lao động thu nhập thấp đang gánh chịu.
Michigan thành tâm dịch mới
Theo Đài KCTV5 ngày 4-5, bang Michigan đã trở thành điểm nóng nhất của đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Tiểu bang này đã ghi nhận thêm 91.000 ca nhiễm mới trong 2 tuần qua, cao nhất toàn quốc. Con số này cao hơn hẳn tổng số ca của cả 2 bang California và Texas trong cùng khoảng thời gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận