13/06/2019 10:50 GMT+7

Mỹ vừa đấm vừa xoa Triều Tiên

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Một ngày trước dịp kỷ niệm một năm thượng đỉnh lần 1, ngày 11-6-2019 (giờ Mỹ), ông Trump bất ngờ tiết lộ vừa nhận một lá thư "rất ấm áp" từ ông Kim, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa hai bên vẫn chưa tìm được lối ra.

Mỹ vừa đấm vừa xoa Triều Tiên - Ảnh 1.

Sau lần gặp ở Hà Nội (ảnh), ông Trump và “người bạn” Kim đều muốn có thượng đỉnh lần 3 - Ảnh: AFP

Trong lần gặp thượng đỉnh đầu tiên tại đảo quốc Singapore ngày 12-6-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhất trí cùng hợp tác hướng đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân đang ở bờ vực.

Một ngày trước dịp kỷ niệm một năm thượng đỉnh lần 1, ngày 11-6-2019 (giờ Mỹ), ông Trump bất ngờ tiết lộ vừa nhận một lá thư "rất ấm áp" từ ông Kim, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa hai bên vẫn chưa tìm được lối ra.

"Tôi vừa mới nhận một lá thư rất đẹp từ Kim Jong Un. Dĩ nhiên tôi không thể cho các bạn xem, nhưng nó là một lá thư rất cá nhân, rất ấm áp và rất dễ thương" - ông Trump chia sẻ.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất như chính ông Trump khẳng định khi trả lời báo giới tại Nhà Trắng hôm 11-6 là trong một năm qua, ông Kim vẫn giữ lời hứa với ông khi không thử vũ khí hạt nhân, tên lửa tầm xa, tức là không phá bỏ thỏa thuận hai bên đạt được ở Singapore.

Việc ông Trump cố gắng bảo vệ "tình bạn tốt đẹp" với nhà lãnh đạo Triều Tiên khá dễ hiểu. Thứ nhất, ông chủ Nhà Trắng không muốn "đổ sông đổ biển" các thành quả mong manh đang có và điều mong đợi sắp tới khi bản thân đã đầu tư quá nhiều công sức và thời gian để gặp ông Kim đến hai lần trong vòng 8 tháng: Singapore (tháng 6-2018) và Việt Nam (tháng 2-2019).

Báo Triều Tiên: Thỏa thuận với Mỹ có nguy cơ thành "tờ giấy lộn"

TTO - Theo KCNA, tuyên bố chung 4 điểm được ký kết giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ngày 12-6-2018 ở Singapore hướng đến mối quan hệ mới "đang có nguy cơ trở thành tờ giấy lộn bởi vì Mỹ đang nhắm mắt làm ngơ việc thi hành tuyên bố".

Thứ hai, ông Trump không thể áp dụng chiến thuật "gây sức ép tối đa" đối với Bình Nhưỡng. Sử dụng chiến thuật quen thuộc này đối với các nước khác còn có thể tác dụng, nhưng đối với một nhân vật khó đoán và cứng rắn như ông Kim có thể gây tác dụng ngược và hậu quả nghiêm trọng. Cùng lắm, ông Kim quay lại "đóng cửa" đất nước với thế giới như cha và ông nội của ông đã làm.

Tuy vậy, có vẻ như có một sự "phân vai" trong nội bộ chính quyền Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên theo kiểu "vừa đấm vừa xoa". Theo đó, người đóng vai xoa dịu không ai khác chính là tổng thống Mỹ.

Chẳng hạn, cũng trong ngày 11-6, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton với phong cách diều hâu cho rằng Washington vẫn đang tiếp tục "gây sức ép tối đa" lên Bình Nhưỡng, bởi ông Kim dường như không đưa ra "quyết định chiến lược để từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân".

Một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói với báo giới rằng Triều Tiên là một trong "những mối an ninh quốc gia nghiêm trọng nhất" đối với Washington, và các quan chức Mỹ vẫn đang làm việc "cần mẫn" để giám sát lời hứa phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Giọng điệu "vừa đấm vừa xoa" của bà Morgan Ortagus được thể hiện rất rõ qua thông điệp ý nhị: "Cuộc sống luôn có thăng có trầm, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng Kim Jong Un và chính phủ của ông ấy sẽ nhìn thấy con đường với tương lai xán lạn hơn cho người dân Triều Tiên" và "một năm sau kể từ thượng đỉnh ở Singapore, chúng tôi vẫn hướng đến con đường đó, nhưng dĩ nhiên các lệnh trừng phạt kinh tế (với Triều Tiên) vẫn còn áp dụng".

Có lẽ lời nói của bà Ortagus khiến Bình Nhưỡng "nổi đóa". Ngay hôm sau, Thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA đáp trả trong bài xã luận rằng: "Hiện là thời điểm Mỹ nên rút các chính sách thù địch nhắm đến Triều Tiên" và "các chính sách đơn phương và kiêu ngạo của Mỹ sẽ không bao giờ hiệu quả với Triều Tiên".

Hai bên đã lật hết bài ngửa sau hai lần thượng đỉnh. Theo đó, Bình Nhưỡng nhất quán yêu cầu Washington dỡ bỏ các lệnh cấm vận để đổi lấy phi hạt nhân hóa một phần. Trong khi đó, Mỹ khẳng định chỉ giảm nhẹ cấm vận nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 là cần thiết để đạt thỏa thuận có lợi cho đôi bên.

Cố vấn John Bolton mới đây cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 hoàn toàn có thể diễn ra và "quả bóng đang nằm trên sân" của Triều Tiên. Ông Kim Jong Un cũng từng nói hồi tháng 4 rằng ông sẵn sàng gặp ông Trump một lần nữa với điều kiện "Mỹ phải dừng cách tính toán hiện nay và tiếp cận với chúng ta theo cách mới".

Do đó, khả năng thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3 là có vì hai bên đều có nhu cầu gặp nhau để tiến tới một thỏa thuận. Nhưng khả năng này tùy thuộc vào các bên nhượng bộ như thế nào, chẳng hạn Mỹ nới lỏng cấm vận trong khi Triều Tiên có những cam kết rõ ràng hơn về phi hạt nhân hóa.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp